Chứng khoán hóa nợ xấu: Công cụ xử lý nợ xấu trong tương lai
Chứng khoán hóa nợ xấu là giải pháp nền tảng căn bản trong giải quyết nợ xấu tại các quốc gia
- 29-07-2015Ách tắc xử lý tài sản bảo đảm gây khó cho nợ xấu
- 28-07-2015Nghịch cảnh xử lý nợ xấu ngân hàng: “Đứng cho vay, quỳ thu nợ”
- 24-07-2015Thủ tướng khẳng định mục tiêu giảm nợ xấu xuống 3% vào tháng 9/2015 là khả thi
Nhiều lợi ích thực tế
Xử lý nợ xấu là một trong những nội dung then chốt trong Đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD, đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Tại Đề án này, nhiều giải pháp xử lý nợ xấu mang tính truyền thống, nhưng cũng có giải pháp gợi mở trong tương lai. Và một trong những giải pháp gợi mở được các chuyên gia trong nước và quốc tế đề cập tới trong thời gian gần đây là chứng khoán hóa (CKH) nợ xấu.
CKH nợ xấu không phải là công cụ tài chính mới mẻ mà nó đã tương đối phát triển tại nhiều nước trên thế giới. Còn tại Việt Nam, công cụ này vẫn chưa phát triển được do nhiều yếu tố như điều kiện về khung khổ pháp lý, thành viên tham gia thị trường… Làm thế nào tổ chức vận hành, quản lý một cách hiệu quả và an toàn công cụ này cũng là vấn đề mà Việt Nam quan tâm, để góp phần giải quyết triệt để nợ xấu.
Tại Hội thảo “CKH nợ xấu” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức ngày 29/7, đại diện Nhóm WB cho rằng, sự phát triển của thị trường chứng khoán là yếu tố căn bản và then chốt trong hệ thống tài chính của bất kỳ quốc gia nào. Và CKH nợ xấu là giải pháp nền tảng căn bản trong giải quyết nợ xấu tại các quốc gia.
Đối với Việt Nam, CKH nợ xấu sẽ giúp cho VAMC giải quyết được nợ xấu trong hệ thống TCTD. Bởi, công ty này đang hướng tới việc mua bán nợ theo giá thị trường để giải quyết triệt để nợ xấu. Và đây là giải pháp gợi mở để VAMC xem xét khi điều kiện cho phép.
TS. Lê Thị Hoàng Lan, Cơ quan Thanh tra, giám sát NH (NHNN) thừa nhận, khi thực hiện CKH nợ xấu sẽ mang lại ba lợi ích cơ bản cho NH. Đó là giải quyết được tài sản “nằm” tại NH, xử lý nợ xấu và cải thiện chỉ số an toàn theo tiêu chuẩn Basel. Bởi, chỉ số an toàn vốn tối thiểu là thước đo “sức khoẻ” của các NHTM. Thực chứng tại nhiều nước trên thế giới trong các giai đoạn khủng hoảng tài chính vừa qua cho thấy điều đó diễn ra trên thực tế.
Chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc, ông Kim Jang Kwon - Công ty Quản lý tài sản Hàn Quốc (Kamco) nhắc lại câu chuyện về khủng hoảng tài chính mà quốc gia này vướng phải năm 1997.
Trong cuộc khủng hoảng này, nhiều DN bị phá sản, theo sau đó là nhiều NH rơi vào tình trạng nợ xấu tăng cao. Đã có tới 5 NH Hàn Quốc bị phá sản, bán lại hoặc phải sáp nhập vào các NH khác sau cuộc khủng hoảng trên. Và biện pháp giúp đất nước này giải quyết nhanh chóng, hiệu quả nợ xấu đó là thực hiện CKH nợ xấu và Chính phủ giữ vai trò chủ đạo ở giai đoạn đầu.
Lúc bấy giờ, Kamco đã mua 111 nghìn tỷ won (tương đương 93 tỷ USD) nợ xấu từ các NHTM Hàn Quốc. Sau khi “đóng gói” (CKH nợ xấu – PV), công ty đã bán thành công tổng cộng 65 nghìn tỷ won cho các NĐT trong vòng 5 năm.
Những lưu ý của “người đi trước”
Ông Kim cũng nhấn mạnh rằng, lý do khiến Hàn Quốc thành công trong việc triển khai CKH nợ xấu đó là đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường Hàn Quốc lúc bấy giờ về huy động vốn. Đại diện Kamco cho rằng, để xây dựng chính sách về CKH nợ xấu không nhất thiết phải tạo ra một luật riêng ngay lập tức mà quan trọng phải thúc đẩy và phát triển thị trường mua bán nợ trong thời gian ngắn nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện CKH nợ xấu. Bởi trên thực tế, nhiều nước trên thế giới không cần ban hành một luật riêng nhưng họ vẫn xử lý nợ xấu hiệu quả.
Một số chuyên gia của các nước tham gia buổi hội thảo cũng nhất trí rằng, việc xây dựng và phát triển thị trường không chỉ giúp lưu thông “hàng hóa” nợ xấu, mà còn giúp NH giải quyết nhanh nợ xấu, giảm bớt áp lực thu nợ, tiết kiệm được nguồn lực, vốn để thực hiện các khoản cho vay mới…
Tuy nhiên để thu hút, hấp dẫn NĐT mua lại các khoản nợ xấu, theo GS. Xuan Thao Nguyen, Khoa Luật Đại học Indiana (Mỹ), cần phải có cách chia sẻ rủi ro với NĐT. Công ty quản lý tài sản phải công khai, minh bạch độ rủi ro liên quan đến tài sản của bên khởi tạo (người bán – PV) cho người mua, cùng với khung khổ pháp lý hoàn thiện để có thể đảm bảo thu hồi khoản nợ mà họ mua. Nếu không có hệ thống pháp lý thì họ không thể thực hiện quyền đối với tài sản mà họ đã mua.
Đồng thời, để tăng cường tính minh bạch trong quy trình triển khai CKH cần phải có sự tham gia của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, đánh giá mức độ rủi ro của tài sản họ mua.
Chẳng hạn như tại Hoa Kỳ, GS. Lois R.Lupica, Đại học Luật Maine (Mỹ) lưu tâm tới việc phát triển hệ thống lưu trữ về tài sản thế chấp mà các NH nắm giữ, đảm bảo NH khởi tạo có quyền xử lý luồng tiền và lãi chứng khoán đối với bất động sản. Hệ thống lưu trữ này được công khai, có luật về tịch biên bất động sản…
Một ví dụ khác cũng được nêu tại hội thảo, thời điểm những năm 1997 - 1999, Malaysia đã chịu tác động nhất định từ khủng hoảng tài chính châu Á.
Thời điểm đó, Chính phủ Malaysia đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch tái cơ cấu NH nhằm xây dựng hệ thống NH có khả năng chống đỡ tốt, có tính cạnh tranh cao và hiệu quả. Cũng như một số nước đang phát triển, nền kinh tế Malaysia phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn NH, nên khi DN bị phá sản, tất cả rủi ro của DN tích tụ vào trong hệ thống NH.
Để có thể phục hồi các NH, phát triển khu vực tài chính phi NH... Chính phủ Malaysia đã ngay lập tức xây dựng “đội đặc nhiệm” có vai trò hỗ trợ xây dựng cơ chế tái cơ cấu tài chính NH, với sự tham gia của nhiều cơ quan chính phủ nhằm đảm bảo quy trình tái cấp vốn cho khu vực tài chính NH.
Theo bà Sau Ngan Wong, chuyên gia Chương trình Thị trường và tài chính Nhóm WB tại Malaysia, mô hình này phù hợp nhất với các nước đang phát triển như Việt Nam. Việc phân tách ra các cơ quan khác nhau với những nhiệm vụ chuyên biệt sẽ tạo ra hiệu quả, thúc đẩy quá trình xử lý nhanh hơn. Nhưng bà Wong nhấn mạnh cơ chế này sẽ không hiệu quả nếu thiếu sự can thiệp về chính sách của NHTW.
Khẳng định những kinh nghiệm mà các chuyên gia quốc tế chia sẻ tại hội thảo là rất quý báu, bà Hoàng Lan cho biết, Chính phủ Việt Nam đã chính thức cam kết với quốc tế, với các nước thành viên ASEAN về phát triển thị trường chứng khoán ở Việt Nam. Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan chịu trách nhiệm phối hợp với các nước bạn thực hiện cam kết này. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều Nghị định quan trọng là khung khổ pháp lý cần thiết để ứng dụng công cụ CKH nợ xấu.
Ông Kim Jang Kwon:
Điểm cơ bản nhất trong CKH nợ xấu là vấn đề dòng tiền phát sinh trong tương lai. Để có thể tính được mức độ rủi ro của chứng khoán, thông thường dựa vào tài sản đảm bảo hoặc khả năng trực tiếp thu hồi vốn. Đối với Việt Nam, triển khai CKH nợ xấu trong thời gian tới cũng cần cân nhắc kỹ về mục đích, chủ thể xúc tiến, đặc trưng, môi trường tài chính... Từ đó mới có thể tìm ra được mô hình CKH nợ xấu phù hợp.
Bà Sau Ngan Wong:
NHTW Malaysia cũng đã đưa ra những chính sách để thúc đẩy nhanh hơn quá trình xử lý nợ xấu, một trong số đó là thành lập Danaharta - Công ty Xử lý nợ xấu của Malaysia. Với mục tiêu tối đa hoá khoản nợ thu được từ NH, cách xử lý nợ của Danaharta được cân nhắc kỹ lưỡng cho từng trường hợp. Thêm vào đó, thành công của Danaharta có được một phần lớn nhờ sự tham gia ban cố vấn chuyên nghiệp, hoạt động theo cơ chế công bố, minh bạch thông tin rõ ràng.
Trên thực tế, Danaharta chỉ hoạt động trong 10 năm, khi thị trường trái phiếu DN, các sản phẩm CKH đạt đến độ có thể tự hoạt động được thì chính thức giải thể. Thành công của Danaharta phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tuân thủ theo thông lệ quốc tế, thực hiện triệt để quyền theo Luật Danaharta 1998, tập trung vào các khoản nợ xấu quy mô lớn (2.000 - 3.000 khoản), quy trình xử lý rõ ràng...
Thời báo ngân hàng