MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia: Hệ thống ngân hàng đang tồn tại 6 nhóm sở hữu chéo

27-09-2014 - 07:25 AM | Tài chính - ngân hàng

Hiện nay, xử lý sở hữu chéo đang là một trong hai vấn đề nổi cộm và nan giải nhất của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam bên cạnh việc xử lý nợ xấu.

Theo GS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân và các cộng sự đến từ trường KTQD, hệ thống các TCTD Việt Nam hiện đang tồn tại 6 nhóm sở hữu chéo khác nhau: Nhóm 1 là sở hữu của các ngân hàng trong nước và nước ngoài tại các ngân hàng liên doanh; Nhóm 2 là cổ đông chiến lược nước ngoài tại các NHTM trong nước; Nhóm 3 là cổ đông tại các ngân hàng là các công ty quản lý quỹ; Nhóm 4 là sở hữu của các NHTMNN tại các NHTMCP; Nhóm 5 là sở hữu lẫn nhau giữa các NHTMCP; Nhóm 6 là sở hữu ngân hàng cổ phần bởi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tư nhân.

Nhóm nghiên cứu nhận định, cho tới nay, sở hữu chéo đã có xu hướng diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhận thức được tác động tiêu cực của sở hữu chéo đối với an toàn hoạt động của từng TCTD nói riêng, an toàn của hệ thống TCTD nói chung, và đặc biệt là những cản trở của sở hữu chéo đối với quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD, NHNN đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm xử lý sở hữu chéo, gắn với quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD.

Nhìn về mặt tổng thể của quá trình xử lý sở hữu chéo được triển khai từ năm 2011 cho tới nay, các biện pháp được NHNN triển khai theo một hệ thống gồm ba nhóm đan xen, hỗ trợ lẫn nhau: Nhóm 1: Đánh giá tình trạng sở hữu chéo tại hệ thống TCTD; Nhóm 2: Xây dựng khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách và triển khai các biện pháp giám sát, ngăn ngừa sở hữu chéo gia tăng; Nhóm 3: Triển khai các biện pháp xử lý toàn diện và dứt điểm tình trạng sở hữu chéo.

Một trong những giải pháp cơ bản và hiệu quả nhất được NHNN kỳ vọng để xử lý triệt để sở hữu chéo là yêu cầu các TCTD trong liên minh tiến hành sáp nhập hoặc hợp nhất. Tuy nhiên, giai đoạn 2011-2013 mới chỉ có 1 trường hợp sáp nhập và hợp nhất do quan hệ sở hữu chéo đó là trường hợp NHTMCP Sài Gòn được hợp nhất từ 03 ngân hàng gồm NHTMCP Sài Gòn, NHTMCP Đệ Nhất, NHTMCP Việt Nam Tín Nghĩa.

Giải pháp được kỳ vọng thứ hai để xử lý sở hữu chéo được đề cập trong Đề án 254 là yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thoái vốn trong các TCTD với mục tiêu hoàn thành trước 31/12/2015. Nghị định 15/NĐ-CP ngày 6/3/2014 về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại tại các NHTM song thực tế triển khai các cách thức này đều đang gặp nhiều khó khăn làm cho thời hạn hoàn thành thoái vốn Nhà nước tại các TCTD trước ngày 31/12/2015 có thể không đạt mục tiêu đề ra.

Việc giải quyết sở hữu chéo trong các TCTD chậm trễ là một trong những cản trở lớn nhất đến quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của Việt Nam hiện nay. Một số ý kiến cho rằng, giải pháp dựa vào thị trường để tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém làm tăng tính nghiêm trọng và phức tạp của tình trạng sở hữu chéo.

Theo nguyên tắc “tuyệt đối không dùng tiền của nhà nước để tái cấu trúc mà cần tiền thực của khu vực tư nhân”, nhưng nếu tiền thực của khu vưc tư nhân không có, mà vẫn phải thực hiện mua bán, hợp nhất hay sáp nhập trên hình thức thì tiền ảo của khu vực tư nhân phải được sử dụng. Điều đó có nghĩa là tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém sẽ làm gia tăng tính nghiêm trọng và phức tạp của tình trạng sở hữu chéo hiện nay hay nói cách khác chúng ta đối mặt với thực tế đang dùng sở hữu chéo để tái cấu trúc ngân hàng.

Nghị định 01/2014 về sở hữu nước ngoài tại các tổ chức tín dụng Việt Nam cho phép các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính được sở hữu vượt quá 30% vốn điều lệ của một NHTM theo quyết định của Thủ tướng nhằm bơm được một lượng tiền thực vào ngân hàng gặp khó khăn qua đó giải quyết thanh khoản.

Tuy nhiên, nếu nguồn tài chính không được minh bạch thì nguy cơ chính tình trạng sở hữu chéo hiện nay lại là cơ sở để các nhóm liên kết tăng cường sở hữu chéo dựa vào các đề án tái cấu trúc được thiết kế lỏng lẻo.

Tóm lại, việc cho phép nhà đầu tư mới tham gia nhưng lại không dựa trên nguyên tắc giảm sở hữu chi phối hay giảm sở hữu chéo thì sẽ không thể xử lý được một cách bền vững những nút thắt trên.

>>> Đại phẫu ngân hàng có triệt được ung nhọt nợ xấu?


Tùng Lâm

hangnt

Tài chính Plus

Trở lên trên