MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia kinh tế "giải mã" việc TGĐ Habubank thành nhân viên thu nợ

11-11-2012 - 08:26 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, việc TGĐ Habubank bị điều xuống làm nhân viên thu hồi nợ chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam mặc dù ngân hàng SHB đã làm đúng luật.

Ngày 6/11, Ngân hàng cổ phần Sài Gòn Hà Nội (SHB) công bố thông tin việc miễn nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc đối với bà Bùi Thị Mai và bố trí làm nhân viên tại Ban quản lý và xử lý nợ có vấn đề. Trước đó, bà Mai thôi chức Tổng giám đốc Habubank (khi sáp nhập vào SHB) và được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc SHB.

Trao đổi với báo Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết: Việc điều chuyển một CEO xuống làm chuyên viên thu hồi nợ như ở ngân hàng SHB chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam vì vậy khó có thể phán xét chuyện này là bình thường hay không bình thường, nhưng ông Phong nhấn mạnh: Ngân hàng SHB đã làm đúng luật.

“Đúng luật thể hiện ở quyền tự quyết của bên sáp nhập. SHB là một doanh nghiệp mà đã là doanh nghiệp, SHB sẽ hoạt động theo đúng luật doanh nghiệp, lãnh đạo xem xét cơ chế hoạt động, điều lệ quy định cũng như các vấn đề liên quan tới pháp lý khác. SHB hoàn toàn có quyền điều chuyển nhân sự để phù hợp hơn với công việc và môi trường của mình. Hơn nữa, điều quan trọng nhất là đương sự bị đối xử đó, họ không phản đối thì chuyện này trở nên bình thường” - ông Phong nhận xét.

Trong khi đó, theo lời của Chủ tịch Hội đồng Quản trị SHB Đỗ Quang Hiển: Bản thân bà Bùi Thị Mai cũng đã đồng ý, không phản đối, thậm chí vui vẻ nhận công việc trực tiếp thu hồi nợ, “vì có như vậy thì mới đạt hiệu quả trong vấn đề xử lý nợ” – bầu Hiển nói.

Trước đó, chia sẻ với phóng viên Giaoduc.net.vn, bà Bùi Thị Mai cũng không muốn nhắc nhiều tới chuyện này bởi với bà “mọi việc cũng đã xong rồi”, “chị thoải mái mà”.

Việc một lãnh đạo bị cách chức hoặc tạm đình chỉ chức vụ để đi thu hồi nợ xấu thực ra không phải là chuyện xưa nay hiếm, tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là việc công khai thông tin của SHB tạo nên một làn sóng phản đối của dư luận, gây ra sự ầm ĩ không đáng có.

Trên tờ Infonet dẫn lời nhận xét của một Tổng giám đốc nhà băng cổ phần cỡ vừa tại Hà Nội, người này cho rằng: việc đưa một cựu CEO xuống làm nhân viên thu nợ là một tin nhạy cảm, lại công bố thông tin công khai, tạo nên một sự kiện ầm ĩ sẽ không có lợi cho chính ngân hàng. Bên cạnh đó, điều này tạo tâm lý không tốt cho những nhân viên Habubank tại SHB.

Nhưng một nguồn tin từ nhà băng này cho biết, SHB là một ngân hàng niêm yết và bà Bùi Thị Mai thuộc danh sách lãnh đạo khi có thay đổi công việc phải công khai theo quy định trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Sau khi thông tin điều chuyển công việc của bà Mai lan truyền, một nguyên Phó Tổng của Habubank khi nghe tới chuyện này cũng bày tỏ: “Tôi cũng cảm thấy buồn nhưng đó là thẩm quyền của SHB”.

Ngoài việc cảm thông với vị trí, vai trò mới của TGĐ Habubank, một số nhân viên của Habubank cũng phàn nàn: Sau khi sáp nhập, tất cả bộ máy của ngân hàng phải đi làm thêm nửa ngày thứ 7 nhưng không được tăng lương, ngoài ra, thường xuyên bị chậm trả lương.

“Ví dụ như tới thời điểm này (08/11/2012), chúng tôi vẫn chưa nhận được lương tháng 10” – một nhân viên của Habubank cho biết.

Tuy vậy, phản bác lại thông tin thất thiệt này, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SHB Đỗ Quang Hiển cho biết: Các ngân hàng Thương mại cổ phần đều làm việc sáng thứ 7, đó là quy định của Ngân hàng Nhà nước, chứ không riêng gì ngân hàng SHB.

Còn về việc chậm tiền lương, bầu Hiển khẳng định: Thông tin đó không chính xác, chuyện chậm lương là không bao giờ có tại SHB.

Theo Khuê Hạ
Giaoduc.net

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên