Có nên đầu tư vào vàng khi giá đang thấp?
Giá vàng trong nước đã làm một “cuộc hành trình” đi xuống từ mức giá gần 49 triệu đồng/lượng tháng 8 năm 2011 xuống mức xung quanh 34,3 triệu đồng/lượng tính đến đầu tháng 7 năm 2015.
Nội dung nổi bật
Theo TS. Bùi Quang Tín:
- Giá vàng trong nước đang biến động cùng với sự tăng giảm của giá vàng thế giới nhưng vẫn bị chi phối bởi nhiều yếu tố bên cạnh nhu cầu mua bán thực sự của thị trường.
- Có 3 yếu tố chính chi phối biến động giá vàng thời gian này: Khủng hoảng tài chính Hy Lạp, đồng USD mạnh lên và việc các nước mua vàng
- Để phù hợp với chính sách chống vàng hóa của nhà nước và hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư, người dân chỉ nên mua vàng dưới hình thức là vàng trang sức.
Hiện nay, giá vàng trong nước tuy có sự liên thông tăng giảm cùng với các giá trị liên quan như: giá vàng trên thị trường thế giới, giá đồng USD nhưng lại tiềm ẩn một biến số không rõ ràng, đó là khoản chênh giữa giá vàng trong nước và thế giới. Khoản chênh này không hoàn toàn do thị trường tạo ra mà do chính sách quản lý của cơ quan chức năng và các hoạt động đầu cơ của các công ty kinh doanh vàng. Chính vì vậy, giá trị thật sự của vàng trên thị trường trong nước không còn phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của thị trường, cả trong và ngoài nước.
Để đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến giá vàng nhằm từ đó có lời khuyên đến các nhà đầu tư trong nước về việc có nên đầu tư vào vàng khi giá vàng đang thấp hay không, tác giả đưa ra 3 yếu tố chính tác động đến xu hướng giá vàng hiện nay.
Thứ nhất, khủng hoảng tài chính tại Hy lạp
Hy Lạp đã không thể trả khoản vay 1,5 tỷ Euro đúng hạn cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào ngày 30/6/2015 vừa qua và chính thức bị tuyên bố là vỡ nợ đối với khoản vay của IMF. Động thái này đồng nghĩa với việc Hy Lạp đã bước một chân khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) với tương lai u ám. Toàn bộ hệ thống ngân hàng của Hy Lạp đã phải đóng cửa để ngăn dân chúng rút sạch tiền trong các tài khoản, thị trường chứng khoán tê liệt, nhiều nhà đầu tư rút chạy. Hình ảnh hoảng loạn này đã từng xảy ra cách đây 15 năm về trước tại Argentina khi quốc gia Nam Mỹ này bị phá sản.
Dù không có luật lệ nào quy định Hy Lạp sẽ phải rời Eurozone nếu không thể trả nợ, song con đường để Hy Lạp ở lại khu vực này là rất khó khăn. Dù chỉ đóng góp chưa đầy 2% cho GDP của Eurozone, song sự ra đi của Hy Lạp sẽ tạo tiền lệ xấu cho các quốc gia khác trong khu vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh "thịnh vượng" mà khu vực đồng tiền chung từ trước tới nay vẫn luôn hướng tới.
Việc Hy Lạp vỡ nợ và có khả năng rời khỏi khu vực đồng tiền chung là yếu tố chi phối thị trường tài chính, tiền tệ, hàng hóa thế giới trong suốt những ngày qua. Tình hình tài chính rối ren của quốc gia này đã khiến cho động thái bán tháo lan rộng trên thị trường chứng khoán toàn cầu. Giá vàng cũng có xu hướng tăng do giới đầu tư bán tháo các tài sản có độ rủi ro cao để chuyển sang các tài sản có độ ổn định cao hơn như USD, vàng.
Tính đến thời điểm hiện nay, Liên minh Châu Âu (EU) đã chuẩn bị sẵn kịch bản Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng tiền chung. Điều này sẽ đưa Hy Lạp tới một giai đoạn kinh tế mới cực kỳ khó khăn. Với một đồng nội tệ mới, có giá trị thấp hơn rất nhiều so với đồng Euro, Hy Lạp sẽ chìm trong một cuộc suy thoái sâu sắc và kéo dài. Hy Lạp ra khỏi Eurozone cũng sẽ tác động không nhỏ tới toàn bộ châu Âu và các thị trường quốc tế. Một hiệu ứng dây chuyền (domino) tồi tệ có thể xảy ra sau khi Hy Lạp vỡ nợ. Thị trường tài chính các nước yếu trong Eurozone sẽ bị chao đảo. Tâm lý lo ngại tiền tệ mất giá có thể khiến các công ty, các nhà đầu tư ồ ạt rút tiền ra khỏi các quốc gia này. Hơn nữa, Hy Lạp vỡ nợ sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng tới tham vọng duy trì Eurozone, đe dọa hình ảnh “sự thịnh vượng chung” mà EU từ trước tới nay luôn hướng tới.
Vỡ nợ luôn là thời kỳ rất đau đớn với bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt nếu việc này ngoài dự đoán và không theo trật tự. Người gửi tiền và nhà đầu tư trong nước lo ngại sẽ đổ xô rút tiền ra khỏi ngân hàng và chuyển chúng ra nước ngoài. Để ngăn chặn tình trạng này, chính phủ đóng cửa ngân hàng và áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn.
Như trong trường hợp mới nhất của Hy Lạp, trong thời gian gần đây, nước này đã quyết định đóng cửa thị trường chứng khoán và hệ thống ngân hàng trong một tuần, đồng thời hạn chế lượng tiền mặt rút ra mỗi ngày và các giao dịch thanh toán với nước ngoài. Các khoản tiền tiết kiệm của người dân Hy Lạp sẽ bị mất giá. Hy Lạp sẽ bị gạt ra khỏi các thị trường tín dụng quốc tế, khiến cho khả năng phục hồi nhanh chóng càng trở nên xa vời. Điều này càng thể hiện rõ qua việc Thủ tướng Đức vừa tuyên bố Hy Lạp sẽ không nhận được thêm bất cứ khoản vay mới nào nếu không trả nợ cho IMF. IMF cũng khẳng định Hy Lạp chỉ có thể nhận thêm tiền từ IMF trừ khi khoản nợ trên được xóa.
Đối với EU, các nền chính trị ở khu vực này đan xen gắn bó mật thiết với nhau, cho nên khó có chuyện việc Hy Lạp ra khỏi Eurozone lại không gây ảnh hưởng tới các nước trong khối. Hy Lạp ra đi sẽ là sự khởi đầu của hiệu ứng domino rất dễ xảy ra và sẽ làm thay đổi cách nhìn về việc sử dụng đồng Euro. Các chủ nợ của Hy Lạp như ECB và các nước châu Âu khác cũng sẽ đối diện với các khoản thiệt hại ngay lập tức. Hy Lạp đang nợ đến 242,8 tỷ Euro từ các chủ nợ quốc tế, trong đó Đức là chủ nợ lớn nhất, tiếp theo là Pháp, Italy và Tây Ban Nha. Thiệt hại sẽ rất lớn cho cả EU. Các nhà lãnh đạo EU đều ý thức rất rõ được điều đó. Cho đến thời điểm này, chưa lãnh đạo một nước nào trong EU, kể cả Đức và Pháp, tuyên bố muốn đẩy Hy Lạp khỏi Eurozone.
Nếu như mấy ngày hôm trước, quả bóng đang nằm trên phần sân của Hy Lạp thì lúc này số phận của Hy Lạp và tương lai của Eurozone lại phụ thuộc vào các đối tác của Athens. Không thể chấp nhận thêm nữa các biện pháp thắt chặt chi tiêu mang tính khắc khổ, chính phủ Hy Lạp đã đẩy trách nhiệm sang phía EU và IMF. Họ buộc các chủ nợ này phải hành động nếu không sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng mới của Eurozone. Rõ ràng, những nỗ lực của các nhà lãnh đạo châu Âu suốt 5 năm qua nhằm giữ Hy Lạp ở lại Eurozone đang có nguy cơ "đổ xuống sông xuống bể".
Giới đầu tư châu Âu đang tăng cường gom mua vàng trong bối cảnh bất ổn Hy Lạp kích thích sức hấp dẫn của các tài sản thay thế cho đồng Euro.Có thể thấy, giới đầu tư hiện đang đổ xô kiếm tìm những tài sản an toàn sau khi Hy Lạp áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn, đóng cửa ngân hàng và chấm dứt bán vàng xu ra ngoài.
Thứ hai, đồng USD mạnh lên
Khi tình hình tài chính toàn cầu đang chịu ảnh hưởng bởi tác động từ Hy lạp thì vàng thường là kênh trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây vàng không còn là nơi đầu tư an toàn khi giới đầu tư vẫn bán ra.
Sau khi ghi nhận đà giảm 1% trong quý II năm 2015, giá vàng tiếp tục đi xuống trong 2 ngày đầu tiên của tháng 7 bởi đồng USD mạnh và các dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan thúc đẩy tiềm năng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sớm nâng lãi suất. Kim loại quý chịu áp lực mạnh khi đồng tiền định giá vàng là đồng USD tăng trên thị trường tiền tệ. Ngoài ra, các báo cáo kinh tế Mỹ mới đưa ra cũng khiến cho nhà đầu tư tháo chạy khỏi vàng vì nỗi lo FED sẽ nâng lãi suất trong năm nay.
Thị trường vàng chỉ nhen nhóm tia hi vọng bởi khủng hoảng nợ Hy Lạp vẫn có thể khiến giới đầu tư đổ thêm tiền vào vàng nếu tình hình diễn biến xấu đi đến mức Hy Lạp phải ra khỏi Eurozone hoặc gây hiệu ứng lan truyền sang các nước khác trong khối như Ý, Bồ Đào Nha hoặc Tây Ban Nha.
Cho dù thị trường vẫn đang rất quan ngại về sự bế tắc trong các cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và chủ nợ có thể châm ngòi cho một kịch bản vỡ nợ khủng khiếp của Athens, thì vàng vẫn đang phải vật lộn rất khó khăn để có được trạng thái khả quan. Có quá nhiều yếu tố tiêu cực đang gây áp lực lên kim loại vàng như kỳ vọng lạm phát thấp, nhà đầu tư gia tăng sự ham muốn đối với các tài sản thông thường khác và suy đoán ngày càng tăng rằng FED sẽ bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm nay. Một chuỗi các báo cáo về tình hình sức khỏe của nền kinh tế Mỹ đều ủng hộ quan điểm rằng quốc gia này đang có được phục hồi ổn định sau khi trải qua một khởi đầu yếu trong quý I năm 2015. Rõ ràng các thành phần thị trường đều tin rằng giới chức trách EU có thể tìm cách để quản lý những hậu quả tiềm năng đối với tình trạng vỡ nợ của Hy Lạp.
Hy vọng vàng sẽ tiếp tục giảm bởi kế hoạch gia tăng lãi suất của FED. Lãi suất cao sẽ kích thích đồng đô la Mỹ, kiềm chế sức hấp dẫn của vàng như là một tài sản thay thế. Không giống như tài sản cạnh tranh, các kim loại cũng không trả lãi suất và lạm phát thấp có nghĩa là thị trường có ít nhu cầu về các mặt hàng trong vai trò là nơi cất trữ có giá trị.
Thứ ba, các nước tăng mua vàng
Diễn biến của thị trường không chỉ được củng cố bởi các hoạt động giao dịch vì sợ hãi (Fear Trade)- nỗi lo tỷ lệ lãi suất đồng USD tăng và khủng hoảng tài chính Hy Lạp- mà còn được kích thích bởi các hoạt động giao dịch vì "tình yêu" (Love Trade).
Hướng về cuối tháng 6, theo lịch sử, kim loại quý thường trượt mạnh để rồi hồi phục nhanh sau đó khi mùa lễ hội và mùa cưới tại Ấn Độ đang tới gần- thời điểm quà tặng bằng vàng có cơ hội “lên ngôi”. Suốt 27 năm qua, vàng và chứng khoán vàng đã tận hưởng bước tăng mạnh vào cuối mùa hè và từ giữa 2001- 2014, quý kim đã thiết lập bước tăng trung bình 14.9% từ giữa mùa hè và giữa mùa thu. Trong suốt 10 năm gần đây, biến động chu kỳ 12 tháng của vàng dao động trong khoảng trên dưới 19%.
Một yếu tố khác có thể tác động tới thị trường vàng lúc này là Trung Quốc, dù tin hay không, cái tên tiếp theo vẫn là bang Texas. Ông lớn châu Á này đang mua một khối lượng cực lớn vàng để làm bệ đỡ cho đồng Nhân dân tệ- đồng tiền mà họ đang muốn được công nhận là đồng tiền dự trữ của thế giới. Tương tự, Texas cũng sẽ mang về “nhà” 650 triệu USD- 1 tỷ USD vàng từ FED- bước đầu trong nỗ lực xây dựng kho dự trữ vàng hàng đầu quốc gia.
Để thay cho lời kết, tác giả nhận thấy rằng xu hướng giá vàng trên thế giới trong thời gian sắp tới vẫn chưa rõ ràng, trong đó giá vàng vẫn bị chi phối bởi xu hướng giá lên do tình hình bất ổn về chính trị và tài chính của Hy Lạp và nhu cầu mua vàng của Ấn Độ, Trung Quốc và Texas (Hoa kỳ), đồng thời bị ảnh hưởng bởi xu hướng giá xuống khi mà các thông tin kinh tế của Mỹ ngày càng tốt lên và khả năng FED sẽ tăng lãi suất trong thời gian gần sắp đến.
Đối với giá vàng trong nước, giá vàng này vẫn bị chi phối bởi nhiều yếu tố bên cạnh nhu cầu mua bán thực sự của thị trường vàng trong và ngoài nước. Nhu cầu mua bán vàng miếng trong nước hiện nay rất yếu. Do đó, để hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư và phù hợp với chính sách chống “vàng hoá” của Nhà nước, tác giả cho rằng việc hạn chế đầu tư vàng miếng trong thời điểm hiện tại là cần thiết và người dân chỉ nên mua vàng dưới hình thức là vàng trang sức.