MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có nên phá giá VNĐ?

05-05-2014 - 13:15 PM | Tài chính - ngân hàng

Tài sản nước ngoài ròng, kiều hối và đầu tư vào khu vực kinh tế nhà nước đều có tác động làm cho VNĐ bị định giá cao khoảng 20%, làm cho hàng hóa Việt Nam kém cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Kinh tế Việt Nam có độ mở cao với tổng giá trị xuất nhập khẩu lên đến 150% GDP. Tỷ giá hối đoái dĩ nhiên trở thành biến số vĩ mô quan trọng. Chính vì vậy trong khoảng vài năm gần đây, chủ đề phá giá VNĐ hay không luôn được các nhà kinh tế và hoạch định chính sách bàn thảo.

Nếu phân tích quan hệ giữa tỷ giá hối đoái thực và các yếu tố cơ bản của nền kinh tế như tỷ lệ mậu dịch, tài sản nước ngoài ròng, kiều hối và đầu tư vào khu vực kinh tế nhà nước đều có tác động làm cho VNĐ bị định giá cao khoảng 20%, làm cho hàng hóa Việt Nam kém cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Như vậy việc điều chỉnh tăng tỷ giá là điều cần thiết để tăng sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận lạm phát tăng cao trong khi tỷ giá chậm thay đổi chỉ là “triệu chứng”. Chính vì vậy phải thật thận trọng khi nghĩ đến giải pháp phá giá VNĐ, mà phải chú trọng đến các nguyên nhân mang tính cốt lõi VNĐ bị định giá cao.

Thực ra những yếu tố cơ bản của nền kinh tế đã bén rễ quá sâu vào tỷ giá thực trong một thời gian quá dài. Việc NHNN chậm điều chỉnh tỷ giá trong nhiều năm qua không phải là nguyên nhân chính làm cho tỷ giá thực tăng cao, hàng hóa Việt Nam mất sức cạnh tranh.

Quá trình tăng tỷ giá thực nằm trong diễn tiến khách quan của quá trình hội nhập và tái cấu trúc của nền kinh tế. Một số yếu tố có khuynh hướng làm tăng tỷ giá không thể tránh khỏi như năng suất của nền kinh tế (PROD) và tỷ lệ mậu dịch (TOT) ngày càng cao trong quá trình hội nhập. NHNN có thể dùng chính sách tiền tệ điều chỉnh tỷ giá tăng lên cùng với việc thiết lập một cách hợp lý các rào cản kỹ thuật để hạn chế hàng ngoại nhập.

Tuy nhiên, có một số yếu tố như đầu tư khu vực kinh tế nhà nước (SOE) và chi tiêu chính phủ (GEXP) làm tỷ giá thực tăng. Khi đó nếu dùng công cụ tăng tỷ giá danh nghĩa để điều chỉnh tỷ giá thực tiến về ngang giá sức mua sẽ khó đạt được hiệu quả.

Theo phân tích của GS.TS Trần Ngọc Thơ và nhóm cộng sự Khoa Tài chính Trường Đại học Kinh tế TPHCM (nhóm nghiên cứu), từ thực tế này nên hạn chế đầu tư vào khu vực kinh tế nhà nước, cùng với đó là thực hiện có hiệu quả quá trình tái cấu trúc DNNN. Điều này sẽ làm giảm sức ép lên mặt bằng giá chung của nền kinh tế. Song song đó là tái cấu trúc đầu tư công liên quan đến yếu tố chi tiêu chính phủ. Nếu các quá trình này phát huy hiệu quả sẽ tự động làm giảm tỷ giá thực trong dài hạn.

Đối với giá cả của loại hàng hóa “gần như phi mậu dịch” (*) như xăng, dầu, điện, nước tăng lên làm ảnh hưởng đến mặt bằng giá chung của nền kinh tế, tạo ra sức ép gia tăng tỷ giá danh nghĩa cũng như tỷ giá thực, Chính phủ không nhất thiết phải can thiệp. Đối với giá cả của hàng hóa phi mậu dịch như bất động sản, Chính phủ không nên can thiệp mang tính ứng cứu mà hãy để tự nó giảm về đúng với giá trị thực. Một khi giá bất động sản giảm mạnh sẽ kéo theo mặt bằng giá chung của nền kinh tế giảm đáng kể, làm giảm giá danh nghĩa cũng như tỷ giá thực.

Một thực tế là nếu để tự nhiên các yếu tố cơ bản của nền kinh tế có tác động làm giảm tỷ giá thực sẽ diễn ra rất lâu, trong khi hàng hóa Việt Nam đang mất dần sức cạnh tranh trên thị trường. Đó là chưa kể bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang có xu hướng phá giá tiền tệ để tăng sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu cũng sẽ làm cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam mất đi nhiều lợi thế. Vì vậy, NHNN nhất thiết phải nghĩ đến điều chỉnh tỷ giá linh hoạt hơn nữa.

Theo nhóm nghiên cứu, có 2 giải pháp. Thứ nhất, điều chỉnh tỷ giá theo tín hiệu thị trường và quan hệ cung cầu. Nếu cán cân thanh toán thâm hụt, cung cầu ngoại tệ căng thẳng điều chỉnh tăng tỷ giá. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra liệu việc điều chỉnh tỷ giá có tương thích thật sự với tình trạng thiếu hụt ngoại tệ? Việc phán đoán tăng tỷ giá và mức độ tăng tỷ giá có thể không phản ảnh đúng thực tế diễn biến thị trường.

Do vậy, phương thức này khó phù hợp trong bối cảnh hệ thống ngân hàng Việt Nam - nơi các nhóm lợi ích dễ dàng tạo ra cầu ảo tỷ giá. Vì vậy chưa nên áp dụng phương thức điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường, ít nhất trong thời gian vài năm tới.

Thứ hai, tạo ra một kỳ vọng thích nghi đối với tỷ giá. Theo đó, NHNN hàng năm tuyên bố mức độ mất giá VNĐ. Chẳng hạn tuyên bố tỷ giá tăng không quá 2% mỗi năm và bằng mọi cách can thiệp vào thị trường để giữ cam kết này liên tục trong nhiều năm. Theo thời gian, thị trường tự tạo ra một kỳ vọng thích nghi rằng các năm tới tỷ giá tăng không quá 2%.

Cách thức này tuy có nhược điểm là không tính đến những thay đổi dự kiến trong tương lai khi các biến số vĩ mô thay đổi. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó lường hiện nay của kinh tế toàn cầu và kinh tế trong nước, đây là phương thức tốt nhất có thể tạo ra sự ổn định và thiết lập niềm tin cho thị trường.


loanlt

Theo Đầu tư tài chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên