MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có nên phát hành chứng chỉ vàng?

10-12-2013 - 07:13 AM | Tài chính - ngân hàng

Làm thế nào để huy động được một lượng vàng lớn đang ở trong dân là vấn đề được các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu bàn nhiều trong thời gian qua.

 Xung quanh vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát hành chứng chỉ vàng sẽ là “lối ra” cho câu chuyện huy động vàng.

    Tìm cách mở “kho” vàng trong dân

    Theo TS. Nguyễn Thế Hùng – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Vàng Việt Nam, căn cứ vào số liệu thống kê của các ngân hàng Thụy Sĩ – nguồn cung vàng chủ yếu cho thị trường Việt Nam, tổng lượng vàng nhập về nội địa trong giai đoạn 1990 – 2011 khoảng 500 tấn. Hội đồng Vàng thế giới cũng cho biết, lượng vàng nhập về Việt Nam trong năm 2011 là 87,8 tấn; năm 2012 là 75,2 tấn và năm 2013 được dự báo khoảng 73 tấn.

    Trong khi đó, lượng vàng miếng xuất sang các ngân hàng Thụy Sĩ tối đạt 20 tấn/năm trong giai đoạn 2007 – 2009. Lượng vàng gửi tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam khoảng 100 tấn. Như vậy, theo ước tính tại Việt Nam, số lượng vàng vật chất nằm trong dân khoảng 400-500 tấn với giá trị giao động từ 16-18 tỷ USD, tương đương 16% GDP.

    Được biết, tỷ lệ này ở các nước có dự trữ vàng lớn nhất thế giới cũng chưa tới 3%. Điều này cho thấy, một lượng vốn lớn trong nền kinh tế đang phải nằm im, chưa được đưa vào hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

    Chứng chỉ vàng: Nên hay không?

    Để có thể huy động nguồn vốn vàng đang “nằm im” trong dân cho các mục tiêu đầu tư phát triển kinh tế, nhiều chuyên gia đã đề xuất đến việc phát hành chứng chỉ vàng.

    Kinh nghiệm từ các quốc gia khác đã phát hành chứng chỉ vàng cho thấy việc sử dụng chứng chỉ vàng có những ưu điểm là an toàn, tiện lợi, không sợ vàng giả, vàng thiếu tuổi, thiếu trọng lượng, không mất phí gia công dập ra vàng miếng...

    Chẳng hạn, Ấn Độ, chứng chỉ vàng thường có kỳ hạn từ 3-7 năm; Lãi suất do ngân hàng huy động quy định; Khi đến hạn người gửi sẽ được thanh toán bằng vàng hoặc tương ứng bằng đồng Rupee theo yêu cầu; Chứng chỉ vàng có thể chuyển nhượng và người sở hữu không phải chịu thuế.

    Theo nhiều chuyên gia phân tích, đặc điểm nổi trội của phương thức huy động vàng thông qua phát hành chứng chỉ là người gửi vàng không được phép rút vàng trước hạn, thay vì hình thức tiết kiệm như trước đây. Do vậy, số vàng huy động được sẽ dùng làm tài sản thế chấp các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nước ngoài để vay ngoại tệ với lãi suất thấp đem về phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Nền kinh tế sẽ được lợi vì nguồn vàng trong dân tập trung về ngân hàng, góp phần tăng dự trữ quốc gia và tiết kiệm được USD. Bên cạnh đó, việc phát hành chứng chỉ vàng tại Việt Nam cũng sẽ hạn chế mua bán vàng miếng. Đây cũng là một trong những giải pháp ổn định thị trường vàng.

    Tuy nhiên, TS. Lê Thẩm Dương, Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh lại cho rằng, việc phát hành chứng chỉ vàng cũng sẽ nảy sinh vấn đề. Đó là chi phí bỏ ra là rất lớn, do phải trả cho phần lãi của giấy nợ. Bên cạnh đó, sau khi thu hút được vàng rồi thì nếu Nhà nước sử dụng nguồn vàng đó để gửi ra nước ngoài thì sinh lời rất thấp, chi phí lại cao, đặc biệt là chi phí chuyển đổi. Cuối cùng là khả năng chịu đựng rửi ro về giá thanh khoản của phí nhận vàng rất cao.

    Có chuyên gia cho rằng, nếu NHNN huy động vàng để chuyển đổi sang tiền đồng và sau đó biến thành vốn tín dụng cho nền kinh tế thì rủi ro là rất lớn nếu giá vàng thế giới tăng vọt lên mức 2.000 USD/ounce. Cho nên, việc phát hành chứng chỉ vàng cũng là điều cần phải cân nhắc.

    Yêu cầu đặt ra

    Trở lại với các ý kiến đồng thuận về việc phát hành chứng chỉ vàng, phần đông các chuyên gia cho rằng, chứng chỉ huy động vàng chỉ nên do NHNN phát hành. Chứng chỉ vàng có thể có các loại mệnh giá như: 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ; 1 lượng, 2 lượng, 5 lượng, 10 lượng... Các NHTM thực hiện vai trò đại lý phát hành chứng chỉ và NHNN phải chiết khấu hoa hồng cho NHTM để bù đắp các chi phí kiểm định, cất giữ, vận chuyển...

    Bên cạnh đó, việc phát hành chứng chỉ vàng cần đảm bảo tính thanh khoản tốt cho chứng chỉ huy động vàng và hệ thống ngân hàng luôn sẵn sàng có nguồn vàng đáp ứng nhu cầu rút vàng của dân khi đến hạn, hay khi có biến động bất thường. Quy trình, thủ tục cũng phải khoa học, chặt chẽ, đơn giản, thuận tiện. Chứng chỉ vàng có thể cầm cố, thế chấp, cho vay, chuyển nhượng... và có thể lâu dài chứng khoán hóa, được phép giao dịch trên thị trường mở và thị trường thứ cấp.

    Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, điều quan trọng khác là để đảm bảo được an toàn lượng tài sản của dân và của Nhà nước với phương thức huy động này, NHNN cần có những chuyên gia giỏi phân tích và đưa ra dự báo về giá vàng trong thời gian tới, và cần sử dụng các công cụ bảo hiểm rủi ro, do biến động của giá vàng thế giới.


    Theo Hải An

    hangnt

    Tạp chí tài chính và đầu tư tháng 11

    CÙNG CHUYÊN MỤC

    XEM
    Trở lên trên