MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu ngân hàng Việt Nam tăng mạnh nhất châu Á, tín hiệu kết thúc khủng hoảng nợ xấu

25-03-2015 - 09:46 AM | Tài chính - ngân hàng

Cổ phiếu của Vietcombank và 4 ngân hàng có giá trị thị trường lớn nhất VN đã tăng bình quân 23% trong 3 tháng qua, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2013 và gấp đôi mức tăng của khu vực.

Nội dung nổi bật

Theo Bloomberg

- Cổ phiếu của các ngân hàng VN đang tăng nhanh nhất châu Á, gấp đôi mức tăng bình quân của khu vực

- Tỷ lệ nợ xấu đã giảm từ 17% xuống 3,25% sau 2 năm nỗ lực

- Niềm tin của các ngân hàng đang tăng lên sau khi VAMC đã mua 123 nghìn tỷ đồng nợ xấu và Chính phủ khuyến khích M&A ngân hàng

- Các chuyên gia nhận xét lĩnh vực ngân hàng đã thoát đáy, tín dụng sẽ tốt hơn

- Cổ phiếu của các ngân hàng được đánh giá đang rẻ và đây là thời điểm tốt để đầu tư


Một bài viết vừa được đăng tải trên trang tài chính Bloomberg cho biết, cổ phiếu của các ngân hàng Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á, tín hiệu cho thấy ngành ngân hàng đang thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ xấu – vốn đã tác động đến tăng trưởng kinh tế trong 3 năm qua.

Cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank - VCB ) và 4 ngân hàng có giá trị thị trường lớn nhất Việt Nam đã tăng bình quân 23% trong vòng 3 tháng qua, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2013 và cao gấp đôi mức tăng của khu vực. Số liệu của Chính phủ cho thấy tỷ lệ nợ xấu đã về 3,25% tại thời điểm cuối năm 2014, thay vì mức 17% của hai năm trước đó.

Niềm tin vào các nhà cho vay Việt Nam đang tăng cao sau khi Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua vào khoảng 123 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tương đương 5,7 tỷ USD, doanh số giao dịch bất động sản tại Hà Nội tháng 2 năm nay đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và Chính phủ khuyến khích sáp nhập ngân hàng để tăng cường sức mạnh cho hệ thống.

Sự phục hồi của lĩnh vực ngân hàng đã giúp cho sự hồi sinh của nền kinh tế và mới đây PricewaterhouseCoopers LLP (PwC) ước tính điều này sẽ giúp Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới vào năm 2050.

Ông Bill Stoops, Giám đốc đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh của Dragon Capital Ltd.- công ty đang giám sát khoản tài sản lên đến 1,3 tỷ USD – nhận xét “Các ngân hàng đã thoát đáy. Các nhà cho vay sẽ làm tốt hơn khi thị trường bất động sản và nền kinh tế phục hồi. Nợ xấu đang trên đà suy giảm vì thế các ngân hàng có thể cho vay nhiều hơn để hỗ trợ đà tăng trưởng của nền kinh tế”.

Cổ phiếu ngân hàng đang “rất rẻ”

Ông Stoops cho rằng, cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB- MBB ) – ngân hàng niêm yết lớn thứ 6 - và Ngân hàng TMCP Á Châu ( ACB) - ngân hàng niêm yết lớn thứ 7 tại Việt Nam - vẫn còn rất rẻ.

Sau khi ghi nhận tỷ lệ nợ xấu cao nhất Đông Nam Á, trong đó hơn 30% liên quan đến các khoản vay bất động sản vào cuối năm 2012, các ngân hàng đang bắt đầu làm sạch bảng cân đối kế toán.

Kể từ khi hoạt động vào tháng 7/2013, VAMC đã mua nợ xấu từ gần 40 ngân hàng và có kế hoạch đẩy mạnh việc mua nợ lên khoảng 200 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2015. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã cam kết đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu bằng cách bắt buộc một số nhà cho vay sáp nhập và số khác phá sản. Theo kế hoạch, NHNN sẽ cắt giảm số lượng ngân hàng từ mức 40 như hiện nay xuống còn 15 ngân hàng vào năm 2017. Trong năm nay, NHNN dự kiến sẽ có 6 thương vụ sáp nhập ngân hàng, trong đó có những trường hợp đã được chấp thuận sáp nhập như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – STB) với Ngân hàng TMCP Phương Nam (SouthernBank) và Maritime Bank với MDB.

Với những tín hiệu lạc quan hơn, chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2015 ở mức 6,2%, cao hơn mức 5,98% đạt được trong năm 2014. Còn theo dự báo của PwC, tăng trưởng GDP thực của Việt Nam sẽ đạt bình quân 5,3% trong giai đoạn 2014 – 2015.

Nhận xét rằng tình hình đang tốt lên nhưng theo bài báo, rủi ro đối với hệ thống ngân hàng vẫn còn. Trong khi Moody’s hồi tháng 12 năm ngoái đã nâng triển vọng của ngành ngân hàng Việt Nam từ mức tiêu cực lên mức ổn định, song hãng xếp hạng tín nhiệm này cũng cảnh báo lợi nhuận của các ngân hàng vẫn chịu sức ép do nhu cầu tín dụng thấp và biên lợi nhuận (NIM) giảm.

Đang trong xu hướng phục hồi

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang cho thấy các ngân hàng đã bước vào xu hướng phục hồi. Cổ phiếu VCB của Vietcombank, ngân hàng niêm yết lớn nhất Việt Nam, đã tăng 25% trong vòng 3 tháng qua và cổ phiếu CTG của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng tăng đến 26%. Các con số này cao hơn rất nhiều so với mức tăng 8,5% của chỉ số VN-Index và mức tăng 11% của bình quân khu vực.

VinaCapital cũng đang cân nhắc tăng cường nắm giữ cổ phiếu ngân hàng khi thị trường bất động sản cải thiện và định giá hấp dẫn. Theo số liệu của Bloomberg, 5 ngân hàng niêm yết lớn nhất Việt Nam đang giao dịch với P/E 1,4 lần, thấp hơn mức 1,7 lần của các ngân hàng Đông Nam Á.

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital và là người đang quản lý 1,5 tỷ USD nhận xét: “Đây là thời điểm tốt để đầu tư. Kinh tế đang tăng trưởng và định giá khá hấp dẫn.

Tùng Lâm

Nguyễn Hằng

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên