Cơ sở cho tỉ giá ổn định
Tỷ giá USD/VND năm 2012 ổn định, không thể phủ nhận được phần tác động trong chính sách điều hành thị trường vàng của NHNN.
Không tạo đột biến
Tỉ giá thị trường chính thức và phi chính thức trong năm nay giao dịch khá sát nhau đầu năm giao dịch trung bình khoảng 21.250 đồng/USD, đến cuối năm 20.850 đồng/USD giảm 1,9%. Sở Giao dịch NHNN vẫn áp dụng mức tỉ giá 20.850 đồng/USD (mua vào) và 21.036 đồng/USD (bán ra). Tỉ giá bình quân liên ngân hàng: vẫn giữ nguyên 20.828 (từ ngày 26/12/2011) đến nay và biên độ giao dịch cho phép của NHNN là +/-1%. Với những người hiểu biết về tài chính thì con số này có thể được coi là lý tưởng trong việc bình ổn thị trường ngoại hối.
Có được kết quả tích cực này là do những quyết tâm của Chính phủ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như chính sách trực tiếp trong điều hành tỉ giá, điều hành thị trường vàng của NHNN, đã giúp thị trường đi vào khuôn khổ không gây đột biến như các năm trước.
Nhìn tổng quan có thể thấy, diễn biến thị trường vàng trong nước năm 2012 chịu tác động trực tiếp từ sự tăng giảm của giá vàng thế giới. Tuy nhiên, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn còn khoảng cách và biên độ này khó có thể làm hài lòng tất cả mọi người, mọi thành phần kinh tế trong xã hội. Nhưng nếu xem xét một cách cụ thể thì chúng ta không thể phủ nhận việc bình ổn thị trường tài chính đang được Chính phủ, cụ thể là NHNN thực hiện có những hiệu ứng nhất định.
Diễn biến giá vàng thế giới năm 2012 tiếp tục tăng so với đầu năm nhưng với biên độ hẹp so với mấy năm gần đây, giá cao nhất trong năm là 1.795 USD/oz, được ghi nhận vào tháng 10 và giá thấp nhất là 1.526 USD/oz, được ghi nhận vào tháng 5, mức thay đổi tương đương với 269 USD/oz (tương đương với 17,6%).
Cũng trong thời gian tháng 5 giá vàng trong nước giao dịch ở mức giá thấp nhất 40,98 triệu đồng/lượng, cao nhất là 48,18 triệu đồng/lượng vào tháng 10 (mức thay đổi cũng tương đương khoảng 17,6%). Giá vàng trong năm 2012 trên thế giới và trong nước tăng mạnh nhất vào giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 9.
Nguyên nhân chính của đợt tăng giá này do Ngân hàng Trung ương nhiều nước trên thế giới thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ - ngày 12-13/9/2012 FED thông báo về đợt nới lỏng định lượng lần 3 (QE3). ECB tuyên bố tiếp tục giữ tỉ lệ lãi suất tại mức thấp kỷ lục 0,75%. Ngày 18-19/9/2012 BOJ họp và ra quyết định tăng quy mô chương trình mua tài sản 80.000 tỉ Yên lên 910 tỉ JPY trong năm tài khóa 2012. NHTƯ Trung Quốc (PBOC) từ 25/9 đến 9/10 đã bơm 630 tỉ CNY (88 tỉ USD), bên cạnh đó lượng nắm giữ của các quỹ ETF cao kỷ lục đạt 75,074 triệu oz được ghi nhận đầu tháng 10, khiến giới đầu tư kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho sức tăng hơn nữa của vàng.
Vàng ngoại tệ và lạm phát -mối tương quan mật thiết
Một điều dễ nhận thấy trước đây là khi giá vàng “nhẩy múa” thì giá ngoại tệ, cụ thể là USD cũng sẽ phụ họa “nhảy múa” theo. Nhưng trong năm 2012 thị trường ngoại hối khá ổn định biểu hiện rõ nhất là tỉ giá bình quân liên ngân hàng vẫn được giữ nguyên ở mức 20.828 đồng/USD (từ ngày 26/12/2011) đến nay, và tỉ giá ở thị trường chính thức và phi chính thức giao dịch sát biên độ của nhau. Trong khi đó năm 2011, NHNN đã phải điều chỉnh rất nhiều lần tỉ giá bình quân liên ngân hàng từ mức 18.932 đồng/USD hồi đầu năm lên 20.828 đồng/USD cuối năm (mức điều chỉnh tăng lên 10%) và tỉ giá ở thị trường chính thức luôn giao dịch vượt trần, hồi đầu năm 2011 tỉ giá giao dịch trung bình khoảng 20.750 đồng/USD đến cuối năm giao dịch xoay quanh 21250 đồng/USD tăng 2,4%. Theo số liệu báo cáo của Tổng Cục thống kê tính trong 11 tháng đầu năm 2012, chỉ số giá đô la Mỹ chỉ tăng 0,28%, trong khi đó 11 tháng của năm 2011 tăng 9,06%.
Tỉ giá năm 2012 ổn định, không thể phủ nhận được có tác động trong chính sách điều hành thị trường vàng. Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời đã có bước đổi mới cơ bản về hoạt động quản lý và kinh doanh vàng miếng, đây được xem là nền móng trong quản lý, giám sát thị trường vàng giảm tình trạng vàng hóa và đô la hóa nền kinh tế, do vàng và ngoại tệ có mối liên hệ khá mật thiết với nhau. Tuy chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn còn cao, nhưng kết quả bước đầu của Nghị định 24 là yếu tố quan trọng giúp giảm đáng kể tính hấp dẫn của vàng, từ đó hạn chế đối tượng đầu cơ tham gia vào thị trường vàng.Trong năm 2012, đối tượng tham gia mua bán chủ yếu là các DN kinh doanh vàng bạc và ngân hàng hoạt động mạnh trong lĩnh vực về vàng, với người dân thì không còn mặn mà với vàng như trước đây.
Trước khi Nghị định 95/2011/NĐ-CP và Nghị định 24 ra đời, mỗi khi có chênh lệch lên, xuống giữa giá vàng trong nước với thế giới là tình trạng buôn lậu vàng qua biên giới lại diễn ra, và tác động đến tỷ giá thị trường chợ đen khiến cho thị trường chợ đen tăng cao, kéo theo tỷ giá trên thị trường chính thức tăng theo, vì độ mở của nền kinh tế lớn, làm ảnh hưởng đến cán cân thương mại, ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa trong nước. Nhưng năm 2012 được ghi nhận là tỷ giá ổn định, kiểm soát lạm phát khá tốt, cộng dồn 11 tháng đầu năm 2012 chỉ số CPI chỉ tăng 6,52% so cuối năm 2011, và nhiều khả năng CPI cả năm sẽ được kiểm soát 7,5%. Trong khi CPI năm 2011 tăng 18.58 %. Bên cạnh đó năm nay cán cân thương mại khá tốt.
Với những diễn biến của cả thị trường vàng và tỷ giá ngoại tệ trong năm 2012 như trên, ta thấy không thể phủ nhận được chính sách điều hành thị trường vàng và ngoại tệ trong thời gian qua đã đạt được những kết quả theo tinh thần Nghị quyết 01 của Chính phủ: giảm tình trạng vàng hóa và đô la hóa nền kinh tế, kiểm soát lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô, tăng dự trữ ngoại hối.