MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có thể ngăn chặn biến tướng từ dịch vụ giữ hộ vàng?

23-07-2013 - 11:44 AM | Tài chính - ngân hàng

Giữ vàng là thói quen đã ăn sâu trong tâm lý của người dân. Đặc biệt, khi kinh tế còn bất ổn, các hoạt động đầu tư vẫn chứa đựng rủi ro thì nhu cầu cất giữ tài sản bằng vàng lại càng tăng.



Vàng lại là tài sản có giá trị cao, nên đối với những người nắm giữ vàng, nhu cầu được cất trữ an toàn là điều quan trọng nhất. Tuy nhiên, cần có những quy định cụ thể để ngăn chặn nhữäng biến tướng của dịch vụ giữ hộ vàng.

Trong vài tuần qua, khi các ngân hàng buộc phải chấm dứt huy động vàng, hàng trăm tấn vàng được ngân hàng trả lại cho người gửi. Tuy nhiên, một nhu cầu thực tế phát sinh là nhiều người có vàng không biết cất giữ ở đâu cho an toàn, nhưng lại không muốn chuyển vàng thành tiền mặt để gửi tiết kiệm hay đầu tư khác. Do vậy, dù các ngân hàng không trả lãi cho khách hàng như trước, nhưng người dân vẫn muốn để vàng lại ngân hàng, thậm chí mang đến gửi và chấp nhận trả phí.

Có thể thấy, dịch vụ giữ vàng của các ngân hàng đang được thực hiện khá phổ biến trên thế giới từ hàng trăm năm nay. Và quyền của người dân được cất giữ vàng tại một nơi an toàn như ngân hàng là quyền không thể chối bỏ. Luật Các tổ chức tín dụng cũng quy định, các ngân hàng thương mại được thực hiện dịch vụ quản lý tiền mặt, tư vấn ngân hàng, tài chính; các dịch vụ quản lý, bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn (Điều 7). Như vậy, trong phạm vi của luật cho phép ngân hàng thương mại hoàn toàn có quyền cung cấp dịch vụ bảo quản tài sản, cho khách hàng thuê tủ.

Theo quy định, việc giữ hộ tài sản phải được bảo đảm an toàn và trả lại đúng tài sản như đã gửi ban đầu. Nếu bên nhận giữ tài sản sử dụng trái phép thì sẽ vi phạm Điều 142, Bộ luật Hình sự về tội sử dụng trái phép tài sản.

Tuy nhiên, hiện nay, ngân hàng và người gửi vàng có ký kết hợp đồng nhận giữ hộ vàng trên tinh thần tự nguyện giữa hai bên, chỉ cần tuân thủ những quy định của ngân hàng và trong hợp đồng là đủ. Việc ngân hàng có được phép sử dụng vàng do dân gửi hay không vẫn chưa được quy định rõ ràng trong Luật Các tổ chức tín dụng hay bất cứ văn bản nào khác. Và ngân hàng đang nắm đằng chuôi khi trong hợp đồng không cam kết sẽ trả vàng đúng số series như lúc nhận cho khách hàng. Đối với người gửi vàng, có lẽ họ cũng không bận tâm lắm với việc khi nhận vàng về có đúng số series hay không, mà mối quan tâm lớn nhất của họ là mức phí như thế nào và điều kiện, chất lượng vàng khi rút.

Nhiều người lo ngại khi đã có vàng của khách hàng trong két, ngân hàng có thể sử dụng vào mục đích kinh doanh như thế chấp hay chuyển đổi thành tiền đồng... Nếu ngân hàng có thể thực hiện điều này dễ dàng thì việc giữ hộ vàng cũng gần giống huy động vàng. Lúc đó, quy định cấm huy động vàng của Ngân hàng Nhà nước trở nên vô hiệu.

Song cũng không thể vì nghi ngờ mà tạm ngưng dịch vụ nhận giữ vàng. Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, người dân hoàn toàn có quyền gửi tài sản quý giá tại ngân hàng và phải trả phí. Hoạt động này cũng đã diễn ra nhiều năm qua. Vì vậy, theo các chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước cần lường trước được các tác động của chính sách và có biện pháp giải quyết thay vì chạy theo thị trường như trong trường hợp giữ hộ vàng nói trên. Một quy định vàng giữ hộ không chuyển dịch quyền sở hữu và quyền sử dụng là đủ để loại trừ các biến tướng từ giữ hộ thành huy động vàng.


Theo Hải Thanh

hangnt

Đại biểu Nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên