MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có thể rút ngắn khoảng cách thu nhập?

26-08-2013 - 16:16 PM | Tài chính - ngân hàng

Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam ngày càng tăng cao, nhưng khoảng cách thu nhập giữa các thành phần kinh tế cũng ngày càng lớn.

Theo số liệu thống kê, nếu thu nhập bình quân đầu người(TNBQĐN) của Việt Nam tại thời điểm năm 1992 chỉ mới ở mức 140 USD nhưng đến năm 2013, nếu lạm phát ở mức là 7,8% và tốc độ tăng trưởng kinh tế là 5,5%, GDP Việt Nam sẽ đạt con số 154,6 tỷ USD và TNBQĐN sẽ tăng lên 1.705,8 USD. Như vậy, sau hơn 20 năm phát triển, TNBQĐN của Việt Nam đã tăng hơn 12 lần.

Tuy nhiên, mức thu nhập này không phân chia đồng đều cho mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, thu nhập giữa các ngành nghề (thương mại, du lịch, công nghiệp, nông - ngư nghiệp), giữa các vùng kinh tế (thành thị, nông thôn, miền núi và biên giới hải đảo, vùng kinh tế mũi nhọn năng động và vùng kinh tế chậm phát triển), giữa các khối kinh tế (tập đoàn, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, khối hành chính sự nghiệp và khối sản xuất nhỏ, tư thương) có sự chênh lệch rất lớn. Ngay trong cùng một khối đơn vị thì mức chênh lệch thu nhập của người lao động cũng không nhỏ.

Chênh lệch thu nhập giữa các vùng miền:

Ở thành thị: đặc biệt là các thành phố lớn và các khu công nghiệp phát triển, có mức thu nhập khá cao.

Hà Nội là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị, du lịch của cả nước, các ngành kinh tế mũi nhọn như ngân hàng, thông tin truyền thông, thương mại, du lịch... đều có mức tăng trưởng cao. Theo số liệu của UBND Thành phố Hà Nội thì sau 5 năm mở rộng địa bàn, kinh tế thủ đô luôn duy trì tăng trưởng với tốc độ cao, bình quân đạt 9,45% mỗi năm. Nhờ vậy, TNBQĐN năm 2012 đạt 2.257 USD. TNBQĐN năm 2013, Hà Nội phấn đấu đạt và vượt mức năm 2012. Đời sống của người dân tăng lên đồng chiều với việc tăng chất lượng đầu tư xây dựng hạ tầng cho khu vực thành thị cũng như nông thôn của Hà Nội (xóa triệt để tình trạng phòng học tạm, phòng học cấp 4, 100% các xã có điện lưới, 86% dân cư dùng nước hợp vệ sinh…). Hiện, TNBQĐN của Hà Nội cao hơn TNBQĐN cả nước 1,4 lần.

Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh công bố GDP của tp. Hồ Chí Minh tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái, TNBQĐN năm 2013 ước 4.000 USD. TNBQĐN của TP.Hồ Chí Minh cao hơn bình quân cả nước khoảng 2,5 lần.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - là địa phương gắn với vựa dầu mỏ, có tốc độ đô thị hóa đạt 51,2%, đứng thứ 3 sau TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Năm 2012, TNBQĐN của thành phố Vũng Tàu đã đạt hơn 6.000 USD, cao gấp 4 lần bình quân chung cả nước và cao gần gấp đôi TP.Hồ Chí Minh.

Ở các thành phố loại 2, 3, TNBQĐN thấp hơn ở các thành phố lớn khá nhiều. Năm 2011- 2012, TNBQĐN của Nam Định đạt quãng 19 triệu đồng/người/năm (khoảng 900 đô la Mỹ), Bắc Kạn là quãng 14,5 triệu đồng/người/năm (khoảng hơn 700 đô la ), Quảng Ngãi đạt chưa đến 9 triệu đồng/người/năm (hơn 400 đô la), Hà Giang chưa đến 6 triệu đồng/ người/năm (dưới 300 đô la)…

Ở nông thôn: Theo Một số liêu khảo sát của Tổng cục Thống kê, vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất là Đông Nam Bộ, cao gấp 2,6 lần vùng có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất là vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Trung du và miền núi phía Bắc có TNBQĐN thấp nhất toàn quốc: năm 2011-2012 ước đạt dưới 300 đô la. Thấp xa so với vùng Tây Nam bộ, năm 2011-2012 TNBQĐN ước đạt 32,3 triệu đồng (quãng 1.538 USD).

Như vậy có thể thấy chênh lệch TNBQĐN ở thành phố lớn cao gấp hơn 10 lần ở các vùng, tỉnh nghèo.

Thu nhập trong các ngành kinh tế

Khối ngân hàng: Thu nhập của nhân viên khối này có mức khác biệt khá lớn, tùy thuộc vào nhóm ngân hàng lớn hay nhỏ. Cứ mỗi năm đến mùa báo cáo thường niên (quãng tháng 6 -7 hàng năm), nhiều người không khỏi chạnh lòng. Theo báo cáo thường niên, TNBQĐN 6 tháng đầu năm 2013 của nhân viên Vietinbank đạt 21,01 triệu đồng/tháng; Vietcombank đạt 19 triệu đồng/tháng. Đáng nể là MBBank có TNBQĐN dẫn đầu trong nhóm ngân hàng ngoài quốc doanh với mức 18 triệu đồng/tháng... nhưng nhóm ngân hàng nhỏ hơn (Phương Tây, Phương Đông, HDBank …) TNBQĐN chỉ đạt quãng 5 triệu đồng/tháng. Có thể thấy thu nhập bình quân đầu người của nhóm ngân hàng lớn gấp 2 - 3 lần nhóm ngân hàng nhỏ.

Khối các tập đoàn - tổng công ty thuộclĩnh vực dầu khí, bưu chính - viễn thông: Theo số liệu báo cáo thường niên 6 tháng đầu năm 2013, TNBQĐN của Viettel và Công ty Tân Cảng Sài Gòn đạt khoảng 18 triệu đồng/tháng, khá cao so với mức trung bình khoảng 10 triệu đồng/tháng tại FPT và VNPT. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đạt trên 15 triệu đồng/tháng.Thu nhập bình quân của lãnh đạo Vinafood 1 là 56,5 triệu đồng/người/tháng. Ngay cả những người khối văn phòng cũng hưởng 28,4 triệu đồng/người/tháng. Tổng công ty Vinafood 2 đạt kỷ lục 79,749 triệu đồng/người/tháng, khối văn phòng 32,9 triệu đồng/người/tháng. 

Cá biệt, một số người có thu nhập khủng như Chủ tịch kiêm CEO của Công ty cổ phần Cơ điện lạnh REE có mức lương khoảng 100 triệu đồng/tháng; Chủ tịch kiêm CEO của Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) có mức lương cho 121 triệu đồng/tháng. Chủ tịch HĐQT Petrolimex lương hơn 50 triệu đồng/tháng, Phó Tổng giám đốc Petrolimex lương 40 triệu đồng/tháng...

Có thể thấy, so với mặt bằng thu nhập chung của cả nước (2,2 triệu đồng/người/tháng), khối các ngân hàng, tập đoàn - tổng công ty là rất cao (gấp từ 2 - 8 lần, chưa kể so sánh giữa người có thu nhập cao nhất và người có thu nhập thấp nhất, số liệu này còn cao hơn nhiều).

Khối hành chính sự nghiệp: Thu nhập bình quân đầu người của khối hành chính sự nghiệp tùy theo ngành nghề, mức thu nhập cũng chênh lệch không nhỏ: Năm 2011-2012, các trường đại học cao đẳng đạt từ 3,5 - 8,5 triệu đồng/người/tháng; các trường mẫu giáo mần non đạt 1,5 - 2,5triệu đồng/người/tháng; Các bệnh viện tuyến trung ương đạt 1,8 - 8 triệu đồng/người/tháng, các bệnh viện tuyến địa phương đạt: 1,4 - 4 triệu đồng/người/tháng; các viện nghiên cứu đạt từ 2,5-7 triệu đồng/tháng... Đây là khối có mức thu nhập tương đối thấp, người lao động chủ yếu làm công ăn lương, có việc làm ổn định nhưng mức sống không cao.

Khối nông lâm - ngư-nghiệp:  Khối Thi đua khu vực kinh tế tập thể thuộc lĩnh vực nông nghiệp vừa tổng kết đánh giá hoạt động trong lĩnh vực sản suất nông nghiệp cho biết: Thu nhập bình quân 6 tháng đầu năm 2013 của NLĐ thuộc các đơn vị kinh doanh của khối này đạt 3-5 triệu đồng/người/tháng, lương bình quân cho cán bộ HTX nông nghiệp chỉ đạt 1,6 triệu/ tháng, Số LĐ hợp đồng, LĐ theo mùa vụ hưởng theo mức khoán nên thu nhập còn thấp hơn; một số ít LĐ tạm ngừng việc không có thu nhập nên đời sống hết sức khó khăn (theo laodong.com.vn). Đây là khối có TNBQĐN thấp nhất, không đảm bảo cho người dân có mức sống trung bình trong xã hội. Đẩy được thu nhập của khối này lên là vấn đề Đảng Nhà nước quan tâm nhất hiện nay.

Hệ quả của sự chênh lệch thu nhập đến đời sống xã hội:

Một vài số liệu khảo sát mới nhất của Cục Thống kê cho thấy: sự cách biệt thu nhập giữa thành thị, nông thôn, giữa nhóm dân cư giàu và nghèo, giữa một số vùng, đặc biệt vùng trung du và miền núi phía Bắc, vùng Tây Nguyên đã dẫn đến mức sống khác hẳn. Chi tiêu ở khu vực nông thôn ước tính bằng một nửa so với khu vực thành thị với con số lần lượt là 950 nghìn đồng/tháng và 1,828 triệu đồng/tháng.  

Cũng theo kết quả được công bố, tỷ lệ không có bằng cấp hoặc chưa bao giờ đến trường của dân số từ 15 tuổi trở lên của nhóm hộ nghèo nhất là 38,2%, cao hơn 4,8 lần so với nhóm hộ giàu nhất. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có bằng cao đẳng trở lên của nhóm hộ giàu nhất gấp 60 lần nhóm hộ nghèo nhất. Còn về y tế và chăm sóc sức khỏe, khảo sát cho thấy, chi tiêu cho y tế, chăm sóc sức khoẻ bình quân đầu người/tháng của nhóm hộ giàu nhất cao hơn gấp 3,8 lần so với nhóm hộ nghèo nhất, của hộ thành thị cao hơn 1,43 lần so với hộ nông thôn. Vùng trung du và miền núi phía Bắc còn gần 9% số hộ không được sử dụng điện lưới, 89,5% chưa có nước máy…

Việt Nam có thu nhập thấp, nhưng giá cả lại khá cao so với khu vực. Giá sản phẩm tiêu dùng thiết yếu (thuốc chữa bệnh, sữa…) liên tục tăng nhưng lại chưa đi đôi với chất lượng dịch vụ. Hiện tại việc tăng giá xăng dầu, tăng tiền dịch vụ khám bệnh, tăng tiền thuốc chữa bệnh, tăng học phí, tăng giá sữa… rất nhiều loại giá cả ở Việt Nam đang được tính theo cơ sở và mặt bằng của thế giới, còn không ít loại thuế và phí thì thuộc hàng cao nhất thế giới, điều nàyđang đổ gánh nặng chi phí lên đầu người dân, đặc biệt đối với những người nghèo, thu nhập không ổn định. Chưa kể giá nhà đất cao nhất khu vực, có nơi còn cao hơn cả khu vực đắt đỏ của thế giới, người nghèo khó có thu nhập để mua nhàm, dù là mua theo cách trả góp.

Thu nhập chênh lệch quá lớn dẫn đến phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc, thu nhập giữa các vùng miền chênh lệch khiến người dân phải đổ xô về nơi có thể kiếm được việc làm để có thu nhập cao hơn, tìm kiếm những công việc dù là mạo hiểm, có khi còn là bất hợp pháp để có nguồn thu nhập… điều này kéo theo những hệ lụy khó chữa về môi trường, về an sinh xã hội và gây khó khăn cho công tác quản lý dân cư.

Đảng và Nhà nước đã thấy rõ điều này nên đang phải tìm mọi cách để rút ngắn sự chênh lệch này, không để xảy ra mâu thuẫn xã hội suất phát từ mức sống và cuộc sống không ổn định của một bộ phận không nhỏ trong dân cư.

Căn nguyên tạo nên chênh lệch thu nhập và mức sống của người dân

Đó là: Việc làm thiếu, năng suất hiệu quả lao động thấp, chất lượng sản phẩm hàng hóa kém, giá trị sản phẩm không cao… dẫn đến nhu nhập của người lao động thấp. Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, việc làm là yếu tố quan trọng nhất tác động trực tiếp đến mức sống của dân cư thông qua vai trò tạo thu nhập cho hộ dân cư, có đến 80% công việc của nhóm hộ nghèo nhất vẫn là công việc thuần nông, thu nhập thấp nhất. Hiện tại, khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ tạo ra việc làm cho 1,2 triệu người. Đây là con số rất nhỏ so với lực lượng lao động cả nước vào khoảng 50 triệu người (hầu hết tập trung ở nông thôn, ở các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ và vừa). Không có việc làm, việc làm bấp bênh, thu nhập bấp bênh, đời sống bấp bênh là nỗi lo lắng Do vậy, tạo ra công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhóm lao động chủ yếu này là mục tiêu trước mắt và lâu dài của Đảng và Nhà nước.

Việt Nam được xếp vào nhóm nước có thu nhập trung bình thấp (ngưỡng phân loại của Ngân hàng Thế giới đối với quốc gia có thu nhập trung bình là từ 996 đến 12.195 USD/người/năm). Nhưng nếu không bứt ra khỏi mức thu nhập này chúng ta dễ dàng rơi vào bẫy thu nhập trung bình như Philippines (2.123 USD/năm), Indonesia (2.900 USD/năm), mãi chưa thoát ra được. Trong vòng 10 năm qua, chúng ta đạt được mức tăng trưởng nhanh là nhờ khai thác tài nguyên dồi dào, lao động rẻ. Hiện, sự khai thác đã đến ngưỡng, tốc độ tăng trưởng sẽ không cao nữa, nếu cứ dựa vào nguồn tăng trưởng này thì chúng ta sẽ mãi dậm chân trong mức tăng trưởng thấp...

Phải thực hiện mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất lao động, năng lực cạnh tranh chứ không chỉ dựa trên khai thác tài nguyên và thiên nhiên có sẵn nữa. Đó là một hướng đi khác hẳn trước đây. Muốn làm được điều đó phải tối ưu hóa các nguồn lực, trong đó quan trọng nhất là nguồn nhân lực, phải đào tạo để có được đội ngũ từ quản lý tới lao động có chất lượng, để có thể đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, đẩy mạnh tăng trưởng bền vững và xóa dần khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng và giữa các khối, ngành sản xuất…

Mỗi năm, Chính phủ dành ra khoảng 1 nghìn tỷ đồng để đầu tư cho khoa học nông nghiệp, nhưng đến nay vẫn chưa hình thành được ngành nông nghiệp công nghệ cao. Một số mặt hàng sản phẩm nông nghiệp đã đạt sản lượng lớn, nhưng chưa có giá trị cao. Có thể nói, chúng ta chưa đầu tư đúng mức để có nền nông nghiệp hiện đại dù là nước sản suất nông nghiệp là chính. Đã đến lúc phải đầu từ có trọng điểm, tìm ra thế mạnh của các vùng miền để tập trung đầu tư, thúc đẩy kinh tế vùng miền trỗi dậy, từ đó huy năng lực vùng miền và hài hòa lợi ích giữa các khu vực. Trong đó, điều quan trọng là phát huy tính năng động của khu vực kinh tế tư nhân...

Giải pháp để ổn định thu nhập cho người dân

- Tập trung nguồn lực để thực hiện bằng được mục tiêu kiềm chế lạm phát, để thu nhập của người dân trên danh nghĩa không thấp xa so với thực tế. Có chính sách quản lý và điều tiết giá cả (đặc biệt là giá cả các mặt hàng thiết yếu) phù hợp với mức sống của người dân.

-Chủ động điều hành linh hoạt lãi suất theo hướng giảm dần lãi suất cho vay đối với các đối tượng chính sách, nông nghiệp, nông thôn, cho vay ưu đãi đối với các dự án hướng vào dân sinh như xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, tăng cưởng sơ sở và chất y tế, giáo dục mầm non, tạo việc làm mới… Chuyển mạnh đầu tư theo hướng ưu tiên vốn ngân sách cho các ngành, các lĩnh vực thiết yếu để tăng nhanh năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

- Đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí, đặc biệt là phát triển làng nghề, tận dụng ưu thế vùng miền để khai thác, tạo công ăn việc làm cho người dân. Giải quyết nông nhàn, đưa công việc về nông thôn, san sẻ lợi ích giữa các vùng miền. Nhà nước ưu tiên đầu tư hỗ trợ các vùng khó khăn (về vốn, nhân lực và công nghệ).

- Thực hiện tốt hơn các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, bảo đảm cải thiện đời sống dân cư, nhất là các đối tượng chính sách, các vùng nghèo, hộ nghèo và người làm công ăn lương.

- Cải cách hệ thống tiền lương, làm cho hệ thống tiền lương trở nên linh hoạt hơn, có mức lương phù hợp với các khối ngành nghề, Nhà nước không can thiệp vào khối sản xuất kinh doanh nhưng có hướng dẫn để khối doanh nghiệp tính thu nhập cho người lao động dựa vào các yếu tố như tốc độ tăng trưởng, năng suất lao động, tình hình lạm phát, kinh tế vĩ mô.

Theo L.H

hangnt

Tạp chí tài chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên