Còn sở hữu cổ phần quá quy định tại ngân hàng là do...Ngân hàng Nhà nước
Những trường hợp sở hữu tỷ lệ cổ phần vượt mức quy định nhưng xảy ra từ trước ngày 01/11/2011 thì không thể coi là sai luật và không bị xử phạt, vì NHNN chưa có “hướng dẫn cụ thể về thời hạn”.
Vừa qua, báo cáo quản trị của một số ngân hàng cho thấy có những cổ đông cá nhân sở hữu trên 5% vốn điều lệ, hoặc cá nhân và người liên quan sở hữu trên 20% vốn điều lệ ngân hàng. Việc này có vi phạm quy định của Luật các Tổ chức tín dụng hay không? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Minh Hải - Giám đốc điều hành công ty luật Basico.
PV: Báo cáo quản trị 6 tháng cuối năm của một số ngân hàng cho thấy có những cổ đông cá nhân sở hữu trên 5% vốn điều lệ, hoặc cá nhân và người liên quan sở hữu trên 20% vốn điều lệ ngân hàng. Xin ông cho biết việc này có vi phạm quy định tại Luật các Tổ chức tín dụng hay không?
LS Trần Minh Hải: Theo Điều 55 Luật các TCTD 2010 quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần thì một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.
Luật các TCTD 2010 có hiệu lực từ ngày 01/11/2011. Tuy nhiên, cũng theo quy định tại khoản 5, điều 161 Luật các TCTD 2010, về quy định chuyển tiếp thì “Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cụ thể thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành không phù hợp với quy định tại các điều 55, 103, 110, 115, 129 và 135 của Luật này.”
Cho đến nay, thực tế hướng dẫn chuyển tiếp đối với thời hạn phải thực hiện quy định về giới hạn sở hữu vốn điều lệ tại Điều 55 nói trên chưa rõ ràng. Như vậy, những trường hợp sở hữu tỷ lệ cổ phần vượt mức quy định nhưng xảy ra từ trước ngày 01/11/2011 thì không thể coi là sai luật và không bị xử phạt, vì NHNN chưa có “hướng dẫn cụ thể về thời hạn”.
PV: Theo ông, tại sao NHNN đã đề ra quy định mà vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để xảy ra thực trạng như vậy?
Thực tế, có thể điều đó xuất phát từ những nguyên nhân phù hợp với thực tế khách quan của môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Có những trường hợp cần chấp nhận một cổ đông có tỷ lệ sở hữu vượt trội như một giải pháp tình thế cho sự ra đời và tồn tại của ngân hàng mới.
Có nguyên nhân thuộc về yếu tố thị trường, những cổ đông sở hữu tỷ lệ vượt mức cho phép trước khi Luật có hiệu lực, do gặp bối cảnh thị giá cổ phần, không thể bán cổ phần được ngay. Chỉ vài phần trăm cổ phần ngân hàng cũng có giá trị vô cùng lớn, người bán cũng phải đảm bảo quyền lợi kinh tế của họ, không phải bán bừa bãi được. Trước đây tỷ lệ sở hữu của họ là đúng quy định, nay theo quy định mới, phải giảm xuống nhưng không giảm được mà để lách về mặt kỹ thuật cũng không thể triển khai được. Chính sách của nhà nước cũng không thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi kinh tế của cá nhân một cách tùy tiện được.
PV: Vậy phải chăng việc pháp luật đưa ra tỷ lệ này là không sát với thực tế?
Luật TCTD 2010 đặt ra tỷ lệ này có lẽ là nhằm hạn chế việc một cá nhân chi phối hoạt động ngân hàng, tránh những ông chủ ngân hàng lợi dụng quyền lực để làm những việc trái quy định phục vụ cho lợi ích riêng. Nhưng các vấn đề của hệ thống ngân hàng không phải được xử lý bởi tỷ lệ sở hữu mà phải bằng những biện pháp khác như kiểm tra, kiểm soát của NHNN, tỷ lệ giới hạn cho hoạt động cho vay, minh bạch hóa hoạt động quản trị ngân hàng…
Trên thực tế, để có thể vững quyền quản lý lâu dài tại một ngân hàng thì chủ sở hữu thực sự cần phải nắm giữ trên 20% vốn điều lệ ngân hàng. Luật pháp coi những người sở hữu trên 5% là cổ đông lớn, nhưng thực tế thì không phải vậy. Cho đến bây giờ, quy định về tỷ lệ sở hữu vẫn chưa thể thi hành, chính là nói lên điều này.
PV: Theo ông, việc có những cá nhân sở hữu tỷ lệ cổ phần lớn của ngân hàng có gây ra hệ lụy gì cho hệ thống không?
Nợ xấu chủ yếu là do ngân hàng vi phạm tỷ lệ an toàn về dùng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn, về quản lý mục đích vay vốn, điều kiện vay vốn và hiệu quả phương án vay vốn. Khi doanh nghiệp mất khả năng thanh khoản sẽ kéo theo việc không trả được nợ cho ngân hàng, và ngân hàng gặp nợ xấu và khó khăn trong thanh khoản.
Sở hữu không gây ra hệ lụy. Cái sợ nhất của ngành Ngân hàng là cho vay bừa bãi. Ngay cả việc các ông chủ ngân hàng cho vay công ty “sân sau”, không có ai không biết, nhưng theo tôi, đó là một việc bình thường trong kinh doanh. Cái quan trọng của NHNN vẫn là kỹ thuật để kiểm soát, quản lý, ngăn ngừa những rủi ro như thế nào để tránh được những trường hợp cho vay không khác gì đánh bạc của ngành ngân hàng.
Mặt khác, qua kinh nghiệm tôi thấy, thì những người sở hữu tỷ lệ cổ phần càng lớn trong ngân hàng càng có trách nhiệm với ngân hàng. Bởi đây chính là tài sản lớn nhất, là sự nghiệp của họ.
Năm 2003, vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại chỉ trên dưới 100 tỷ đồng. Sau đó đến 2005, vốn của NHTM tăng trưởng như vũ bão lên vài trăm tỷ. Các năm sau, vốn điều lệ lên đến mấy nghìn tỷ. Lúc ấy, để giữ được tỷ lệ sở hữu như cũ, các ông chủ phải làm gì? Cũng phải đi vay để lấy tiền mà mua cổ phần, chịu mức lãi suất không nhỏ qua bao thời kỳ. Tiền của người ta nên người ta có trách nhiệm hơn cả.
Rất cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Hải Minh