MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đã chính thức tái cấp vốn cho ngân hàng dựa trên trái phiếu đặc biệt VAMC

29-08-2014 - 15:48 PM | Tài chính - ngân hàng

Chủ tịch VAMC cho biết từ khi thành lập đến nay, VAMC đã mua được 58.937 tỷ nợ xấu của 35 TCTD với 3.356 khoản nợ và giá mua là 48.976 tỷ. Tính từ đầu năm đến nay, VAMC đã mua 19.000 tỷ nợ xấu.

Ngày 29/08/2014, NHNN tổ chức họp báo thường kỳ tháng 8. Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Hồng - phó Thống đốc NHNN cho biết vừa qua NHNN đã tiến hành tái cấp vốn cho ngân hàng thương mại dựa trên trái phiếu đặc biệt cấp bởi VAMC nhưng tỷ lệ còn khiêm tốn.

Lý do bà Hồng đưa ra cho tỷ lệ khiêm tốn này là bởi vì các tổ chức tín dụng hiện đang dư thừa thanh khoản. Vài ngày trước, nhiều Ngân hàng đã đồng loạt hạ lãi suất huy động. Điều này theo bà Hồng đánh giá là việc các TCTD huy động được vốn với lãi suất thấp hơn 6% là không khó khăn.

Vì vậy, trong vai trò của nhà điều hành, NHNN đang cân đối tổng thể các kênh điều hành cung ứng tiền để kiểm soát khâu lạm phát.

Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Quốc Hùng – chủ tịch VAMC cho biết từ khi thành lập đến nay, VAMC đã mua được 58.937 tỷ nợ xấu của 35 TCTD với 3.356 khoản nợ và giá mua là 48.976 tỷ. Tính từ đầu năm đến nay, VAMC đã mua 19.000 tỷ nợ xấu.

“VAMC không phải cây đũa thần nhưng là công cụ hỗ trợ tốt để xử lý nợ xấu trong giai đoạn này. Tôi cho rằng đây là một bước đi thành công trong xử lý nợ xấu.” – ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, 8 tháng đầu năm tốc độ mua nợ xấu của VAMC có thể chậm nhưng đó là theo lộ trình của các TCTD. Các TCTD xác định tự tái cấu trúc chính mình nên việc bán nợ cho VAMC phải theo kế hoạch. Thời gian tới, các TCTD sẽ rà soát đánh giá việc phân loại nợ theo Thông tư 09 và sẽ bán với số lượng lớn hơn VAMC đưa ra. Song tất nhiên, VAMC không chỉ mua nợ xấu về bán mà phải phân tích rà soát để xem có khoản nợ nào có thể hỗ trợ. Khoản nào có thể phục hồi thì sẽ đưa về lãi suất hợp lý. Doanh nghiệp nào có khả năng kinh doanh sẽ tiếp tục được vay vốn.

Ông Hùng chia sẻ, trong thời gian qua đã có Doanh nghiệp được hỗ trợ, tạo điều kiện sản xuất kinh doanh để trả cả nợ cũ và nợ mới.

Ông Hùng cũng cho biết thêm, đối với các doanh nghiệp không có khả năng phục hồi, VAMC đã phối hợp với TCTD phát mại tài sản. Tuy nhiên cho đến nay, các đơn vị này đã tổ chức đấu giá tài sản lần thứ 3 nhưng vẫn chưa thành công. Có TCTD tổ chức phát mại đấu giá lần 5 vẫn chưa thành công kể cả khi tài sản đảm bảo phát mại với giá thấp hơn hoặc theo giá thị trường.

Mặc dù vậy, chủ tịch VAMC vẫn khẳng định VAMC là mô hình đặc thù phù hợp với Việt Nam.

“Có những chuyên gia đánh giá là đây chỉ là mua thời gian nhưng tôi đánh giá việc mua thời gian này có hiệu quả. Trong thời gian này có thể giúp cơ cấu lại TCTD, hỗ trợ DN. Khi nền kinh tế phục hồi thì DN sẽ khởi sắc. Tài sản đảm bảo khi phát mại sẽ bán được.”

Vì vậy VAMC kiến nghị tăng vốn điều lên 2000 tỷ để có thể triển khai những nghiệp vụ cần thiết và đã được NHNN, các Bộ ngành rà soát lại.

Đồng quan điểm, phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói, tại nhiều nước trên thế giới, chi phí xử lý nợ xấu rất cao (chiếm tới 15 -20% GDP) trong khi Việt Nam phải xử lý trong điều kiện hạn chế của ngân sách và cơ chế về luật pháp còn nhiều điểm bất cập, đăc biệt là xử lý tài sản đảm bảo. Thời gian qua NHNN đã trình và được Chính Phủ thông qua đề án tái cơ cấu TCTD, xem xét các khách hàng khó khăn có khả năng hồi phục và tin tưởng rằng khi kinh tế tốt hơn thì các khoản nợ này có thể thu hồi được.

>>> Xử lý nợ xấu qua VAMC thực sự đang vướng ở đâu?

Khánh Linh - Hải Minh

trangntm

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên