Đã có 21 TCTD và 15 DN đăng ký kinh doanh vàng miếng
Theo một lãnh đạo cấp Vụ của NHNN, tới đây các đơn vị tham gia mạng lưới bán vàng phải hoạt động như một DN. Điều này giúp hạn chế rủi ro cho người dân khi mua bán vàng.
Một trong những nội dung quan trọng của Thông tư 16/2012/TT-NHNN hướng dẫn Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, NHNN cho phép trong thời hạn 6 tháng tính từ 10/7/2012 để các cơ sở kinh doanh vàng chuyển tiếp đối với hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Như vậy, muộn nhất đến ngày 10/1/2013 các đơn vị hiện đang kinh doanh mua, bán vàng miếng sẽ phải làm thủ tục xin cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng (nếu đủ tiêu chuẩn) hoặc chuyển sang sản xuất, kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ theo quy định tại Nghị định 24.
Cụ thể, DN phải có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên, có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 năm trở lên, có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế) và có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên mới được cấp phép kinh doanh, mua bán vàng miếng.
Trước khi Nghị định 24 được ban hành, một cửa hàng chỉ cần trong giấy phép đầu tư do Sở Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh, thành phố cấp có dòng: được kinh doanh vàng, là đã có thể buôn bán vàng miếng. Vì thế, hiện trên 12 nghìn các cửa hàng kiểu này sẽ phải điều chỉnh hoạt động kinh doanh vàng, thậm chí phải rời bỏ cuộc chơi trên thị trường.
Theo ông Nguyễn Thanh Trúc - Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), Tổng giám đốc Tổng Công ty kinh doanh vàng Agribank, thực hiện quy định của Nghị định 24 và Thông tư hướng dẫn của NHNN, thị trường vàng sẽ bị thu hẹp nhiều. Bởi trong thời gian qua, mạng lưới các cửa hàng mua bán vàng phát triển mạnh. Vàng thường được bán buôn qua các DN kinh doanh vàng lớn, sau đó DN bán cho các cửa hàng nhỏ lẻ, trước khi đến tay người tiêu dùng.
“Tới đây nhiều DN kinh doanh vàng bạc đá quý sẽ không được mua, bán vàng miếng nữa. Và số lượng DN mua bán vàng miếng của cả nước sẽ giảm đến 90%. Nhưng nếu việc mua, bán vàng miếng được giao cho các DN tổ chức đủ điều kiện, có hệ thống mạng lưới rộng khắp cả nước phục vụ người dân. Chẳng hạn như hệ thống mạng lưới của Agribank rất rộng, cộng với việc ngân hàng có đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm chuyên môn về vàng... thì hoàn toàn có thể phục vụ tốt nhu cầu giao dịch vàng của khách hàng như hiện nay” – ông Trúc cho biết.
Theo một lãnh đạo cấp Vụ của NHNN, tới đây các đơn vị tham gia mạng lưới bán vàng phải hoạt động như một DN. Điều này giúp hạn chế rủi ro cho người dân khi mua bán vàng. Một chuyên gia ngân hàng cho rằng, sự phát triển khá nóng của các cửa hàng kinh doanh vàng nhỏ thời gian qua chủ yếu do sức hút về kỳ vọng lợi nhuận của USD và vàng miếng. Nhưng khi thị trường ngoại tệ được kiểm soát, tỷ giá ổn định, vàng miếng bị hạn chế thì các cửa hàng kinh doanh vàng nhỏ cũng hết cửa “sống”.
“Nếu nói thu hẹp mạng lưới kinh doanh vàng sẽ tác động tới thu thuế, tới xã hội là không có cơ sở. Vì nhiều cửa hàng vàng vẫn thực hiện chế độ khoán thuế nên Nhà nước cũng không thu được nhiều thuế. Mặt khác, đa số các cửa hàng vàng có “mặt tiền” đẹp nên khi không kinh doanh vàng mà họ chuyển sang lĩnh vực kinh doanh khác cũng không quá khó khăn, nên cũng không gây tác động xã hội quá lớn” – vị chuyên gia ngân hàng trên cho biết.
Hiện đã có 21 TCTD và 15 DN đăng ký kinh doanh vàng miếng. NHNN đang xem xét, phê duyệt. Danh sách những đơn vị được cấp phép sẽ công khai. Lãnh đạo Vụ chức năng của NHNN cho biết: Những đơn vị khác, nếu đủ điều kiện sẽ tiếp tục được NHNN cấp phép. Tuy nhiên, có thể khẳng định, mục tiêu của Nghị định 24 là quản lý chặt chẽ hoạt động mua bán vàng miếng. Còn với sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ phải đạt được các yêu cầu về chất lượng sản phẩm, thương hiệu. Ngoài ra, với sự vào cuộc của các lực lượng quản lý thị trường, công an, thị trường vàng sẽ được kiểm soát chặt chẽ và đương nhiên mạng lưới kinh doanh vàng cũng tiếp tục thu hẹp trong một môi trường cạnh tranh hoặc “tự động” thu hẹp lại.
Theo Chí Kiên
Thời báo ngân hàng