MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đã qua thời chạy theo định lượng

26-09-2014 - 12:08 PM | Tài chính - ngân hàng

Với thực trạng nền kinh tế vẫn tăng trưởng dưới mức tiềm năng, chưa có giải pháp chính sách đột phá, sức mua của xã hội yếu như hiện nay thì tốc độ TTTD thấp là điều đương nhiên và hợp lý.

Với thực trạng nền kinh tế vẫn tăng trưởng dưới mức tiềm năng, chưa có giải pháp chính sách đột phá, sức mua của xã hội yếu như hiện nay, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu tốc độ tăng trưởng tín dụng (TTTD) thấp là điều đương nhiên và hợp lý. Vì vậy, mốc TTTD 12 – 14% của năm nay nên nhìn qua lăng kính mục tiêu định hướng đặt ra.

Theo ông, TTTD của hệ thống NH trong năm 2014 ở mức nào là hợp lý?

Tôi nghĩ rằng TTTD ở mức 10% là phù hợp, thậm chí có thể thấp hơn.

Tổng cầu của nền kinh tế yếu, chính vì thế mà khả năng hấp thụ vốn vay không nhiều. Nhưng nếu so sánh tốc độ TTTD với mức tăng trưởng kinh tế, được đo bằng chỉ số GDP, thì thấy đồng vốn của hệ thống NH đang được sử dụng hiệu quả. Đến ngày 15/9, TTTD của toàn hệ thống NH đạt hơn 5,8%, còn tăng trưởng GDP cũng ước đạt 5,4%. Trong khi trước đây để có được 1 đồng tăng trưởng GDP thì phải mất 3 – 4 thậm chí 5 đồng TTTD.

Ví dụ, có năm tăng trưởng GDP chỉ ở mức 7% nhưng TTTD tăng 30% tức là gấp hơn 4 lần. Hậu quả tăng trưởng quá nóng là nhiều dòng vốn sử dụng bừa bãi không đúng mục đích gây một sự lãng phí. Từ sự lãng phí đó, hậu quả của ngày hôm nay nhiều DN phá sản vì không trụ được do nợ nần cao, đối với toàn quốc gia là nợ xấu. Rút ra từ bài học đó, đến thời điểm này, tôi nghĩ rằng, đâu đó, một đồng tăng trưởng GDP chỉ cần 2 đồng TTTD. Như vậy, tăng trưởng GDP năm nay vào khoảng 5,5%, thì TTTD vào khoảng 10 - 11% là phù hợp.

Một điểm nữa tôi cho rằng việc TTTD chậm nhưng lại là tín hiệu tích cực. Đó là việc tăng trưởng thấp tạo cơ hội cho hệ thống NH chấn chỉnh lại hoạt động tín dụng của mình. Nếu tăng trưởng cao, bộ máy hoạt động hết công suất và luôn trong tình trạng “nóng” thì không có sức tập trung tái cơ cấu để nâng cao chất lượng tín dụng mà chỉ chạy theo cung ứng vốn cho nền kinh tế. Vì vậy, theo tôi, giai đoạn TTTD hiện nay cũng là cơ hội đối với hệ thống NH để tái cơ cấu lại hoạt động. Bởi nợ xấu vẫn luôn là vấn đề lớn của thời kỳ nền kinh tế tăng trưởng “nóng” hiện đang tồn đọng mà ngành NH phải đứng ra giải quyết.

Ông có thể cho biết cụ thể hơn về điều này?

Đó là TTTD thấp ảnh hưởng đến mức sinh lời của ngành NH, do đó có thể có nhiều NH không đủ tiền để trích lập dự phòng rủi ro hoặc xử lý nợ xấu. Với nền kinh tế nước ta hiện nay, muốn thúc đẩy tăng trưởng thì phải có vốn. Nhưng hiện tại TTTD thấp làm mất đi một nguồn động lực cho tăng trưởng kinh tế, DN tiếp tục thu hẹp sản xuất kinh doanh, nhiều ngành nghề ảnh hưởng, người lao động không có việc làm, giảm lương… Nhưng theo tôi những điểm tích cực đã nói ở trên sẽ bù trừ cho hiệu ứng tiêu cực.

Theo tôi, từ nay đến cuối năm để đạt mục tiêu 10% thì mỗi tháng tín dụng tăng trưởng hơn 1%. Với tỷ lệ này tôi nghĩ khả năng đạt được hoàn toàn khả thi, đặc biệt vào quý IV theo chu kỳ kinh doanh nhu cầu vốn thường cao nhất trong năm. Nhưng như tôi đã nói chúng ta không phải nhắm chỉ tiêu mang tính định lượng như vậy, mà vấn đề chất lượng tín dụng mới là quan trọng hơn.

Theo ông, có nên đưa con số TTTD vào Nghị quyết hàng năm không?

Đây là điều không hợp lý. Vì tôi nghĩ rằng, TTTD là một trong nội dung điều hành của chính sách tiền tệ và nó phải nằm trong tay NHNN. Dĩ nhiên, NHNN điều hành theo định hướng của Chính phủ nhằm hỗ trợ quyết sách của Chính phủ. Nên nếu đưa những con số cụ thể để quyết định công cụ, mục tiêu chính sách tiền tệ vào Nghị quyết của Chính phủ hay Quốc hội thì rõ ràng, NHNN mất hoàn toàn tính độc lập của mình, thậm chí đi ngược với xu hướng của thế giới ngày càng tăng tính độc lập cho NHTW. Điều đó càng kéo dài sẽ không hỗ trợ hiệu quả cho Chính phủ vì giữa chính sách tài khóa và tiền tệ cần sự tương tác lẫn nhau nên cần có tính độc lập. Nếu không độc lập nữa thì hai chính sách này sẽ hòa nhập mất đi sự tương tác hiệu quả giữa chính sách tài khóa và tiền tệ.

Xin cảm ơn ông!

Theo Hà Thành

huongtt

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên