MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dẫn dòng chảy của vốn vào tâm nền kinh tế

09-07-2013 - 11:16 AM | Tài chính - ngân hàng

Vấn đề luôn làm đau đầu các nhà đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ đó là: nguồn vốn, lấy ở đâu và đưa đi đâu.

Muốn kinh doanh, trước tiên phải có vốn, và để bắt đầu kinh doanh hay phát triển mở rộng sản xuất kinh doanh thì vấn đề “đầu tiên” vẫn là tiền đâu?

    Đầu tư… vào đâu ?

    Trong khi các nhà đầu tư thì vắt óc tìm kiếm nguồn vốn rẻ và lĩnh vực đầu tư sinh lời nhanh, nhưng cũng có một thực tế là, nhiều người dân có tiền nhưng không biết nên đầu tư vào đâu, và vấn đề đầu tư “từ đâu” lại làm họ đau đầu không kém.

    Hiện nay, nguồn tiền nhàn rỗi trong dân đang tìm đường, tìm hướng chảy để sinh lời cao nhất. Với tình hình giá cả tăng không cao (chỉ số giá trong nửa đầu năm nay tương đối ổn định, chỉ tăng 6,73% so với bình quân cùng kỳ năm 2012), lạm phát không có biến động lớn, chỉ tăng nhẹ có lúc còn giảm, do vậy, nhiều người cho rằng gửi vào ngân hàng vừa an toàn, vừa yên tâm nhất… 

    Với lãi suất 7%/năm cho các kỳ hạn dưới 6, lạm phát 6 tháng đầu năm 2013 là 2,4%, tính bình quân cho cả năm 2013 là 4,8% (với giả thuyết tình hình giá cả không thay đổi cho 6 tháng tới), như vậy thì gửi tiết kiệm là phù hợp với tình hình lạm phát đó. Nếu như lãi suất huy động có giảm dưới 7%, về mức 5,5-6% thì cũng vẫn còn cao hơn chỉ tiêu lạm phát bình quân trong 6 tháng cuối năm 2013 và cho đến lúc đó, người dân vẫn được hưởng lãi suất thực dương. Có thể khẳng định, gửi tiền vào ngân hàng vẫn là ưu tiên số một của đại đa số người dân.

    Có một bộ phận người dân vẫn rất “mê tín” vàng, với họ vàng mới thực sự là nơi trú ẩn an toàn nhất, không phải là tiền giấy hay các loại chứng khoán, trái phiếu… Kinh nghiệm hàng đời cho họ thấy, cuối cùng thì vàng vẫn là tài sản cất trữ thiết thực nhất, không sợ cháy, không sợ đổi tiền mất giá, dù, đến nay, điều nay có thể đã không còn ý nghĩa quan trọng nữa. Hiện, vẫn có một lượng không nhỏ người dân khi thấy giá vàng giảm (vàng đã giảm giá từ 46-47 triệu đồng/lượng cuối tháng 4 xuống còn quãng 35 triệu đồng/lượng cuối tháng 6) đã đổ xô mua vào tích trữ đầu cơ, hy vọng vàng tăng giá có thể kiếm lời lớn hơn là gửi tiết kiệm với lãi 7%/năm.

    Một bộ phận lại tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường chứng khoán (TTCK): So với các kênh đầu tư khác, đầu tư vào chứng khoán (nhất là cổ phiếu của những công ty làm ăn có hiệu quả, các DN hàng đầu ở một số ngành như dầu khí, cao su, dược phẩm, phân bón) có nhiều cơ hội để đồng vốn sinh lời nhiều hơn. Một số cổ phiếu của các doanh nghiệp làm ăn tốt được người đầu tư mua vào và coi là một khoản đầu tư chiến lược, lâu dài, dù giá cả có lên xuống nhưng họ không quan tâm, không lướt sóng, vấn đề họ quan tâm ở đây là cổ tức. Thời gian qua, việc chi trả cổ tức khủng cũng khiến nhiều nhà đầu tư phấn khởi, với cổ tức có DN trả lên đến 30-40% cá biệt có DN trả đến 120%, đây là mức lợi nhuận cao gấp nhiều lần lãi suất ngân hàng. Nhiều người đã chuyển từ tiền gửi ngân hàng sang đầu tư theo hình thức này để mong hưởng một mức lợi nhuận lớn hơn.

    Có một bộ phận nhỏ vẫn đầu tư vào bất động sản (BĐS) với niềm tin thị trường này sẽ ấm lên và lợi nhuận sẽ rất lớn. Theo tư duy của người Phương Đông, con người sống phải có mái nhà của riêng mình, phải có sở hữu nhà cửa đất đai mới vững vàng, sẽ là bấp bênh nếu cứ đi ở thuê. Ngày trước phải có nhà liền thổ mới gọi là điền sản, nay chung cư cũng là lựa chọn (của đa số người trẻ). Với dân số trẻ và đông, đất đai không sinh sôi, lượng nhà xây dựng chưa đủ, tích trữ tiền để sở hữu một ngôi nhà vẫn là mục đích của tuyệt đại đa số. Do vậy, đầu tư vào lĩnh vực này vẫn là một kỳ vọng lớn…

    Rủi ro không loại trừ ai

    Thương truờng là chiến trường, mỗi nhà đầu tư kinh doanh là một người lính trên mặt trận kinh tế. Đương nhiên ra trận phải có hy sinh, nhà đầu tư đã tham gia vào thương trường phải xác định cho mình là: rủi ro không loại trừ ai. Đối đầu với rủi ro, giảm thiểu rủi ro, kềm chế và vượt qua được rủi ro, mất mát thì mới tới được với thành công.

    Với lĩnh vực kinh doanh vàng: Do diễn biến giá kim loại này trên thế giới đang tăng giảm thất thường, không thể lường trước được. Hiện rất khó dự báo giá vàng thế giới, bởi, biến động của giá vàng không chỉ phụ thuộc vào quan hệ cung - cầu mà còn chịu ảnh hưởng của giới đầu cơ và các biện pháp chính sách tiền tệ, tài khóa của các chính phủ, đặc biệt Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khai thác vàng ở Trung Đông, những nước có khả năng ảnh hưởng lớn nhất đến giá vàng trong thời gian này, không loại trừ một nhân tố ảnh hưởng, đó là vấn đề chiến tranh, thay đổi nội các chính phủ... cũng khiến tâm lý bán - mua thay đổi theo.

     Kim loại này có giá trị cao, đầu tư cần lượng vốn lớn, nếu giá tăng sẽ sinh lợi nhuận cao nhưng nếu giá giảm thì tiền của nhà đầu tư cũng bị kéo đi nhanh không kém. Rủi ro trong lĩnh vực này, thường người dân tích trữ vàng gánh chịu trước tiên chứ không phải các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Việc mua và bán vàng nhanh chóng dễ dàng hơn bất động sản, nhưng cũng chịu nhiều phí tổn, và nhiều khi lợi nhuận mang lại do sự “ăn may” chứ không do sự nhận đoán tình hình. Kênh đầu tư này chỉ có ít người dân tham gia, dù họ là những người có tiền, do vậy, các tổ chức tín dụng hút vốn thông qua kênh này, hiện tại, cũng chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn và rủi ro.

    Với lĩnh vực kinh doanh BĐS: Sau thông tin gói cứu trợ 30 tỷ của Chính phủ được phát ra, thị trường BĐS có dấu hiệu tích cực đối với người có thu nhập thấp cần mua nhà ở xã hội, nhưng đến thời điểm này chưa có mấy người có thể vay được từ gói tín dụng này, do vậy, gói tín dụng này vẫn chưa có tác dụng gì đến thị trường BĐS, thị trường BĐS vẫn chưa thấy le lói có thể ấm lên trong ngắn hạn. 

    Việc mua BĐS với mục đích cho thuê cũng là một lựa chọn, nhưng trong giai đoạn kinh tế khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp giải thể, co cụm lại, chuyển địa điểm thuê văn phòng về tại nhà… thì việc cho thuê cũng không dễ và tiền thu được cũng chưa chắc đã cao hơn lãi suất tiết kiệm (với các BĐS có giá trị lớn như nhà biệt thự, văn phòng cao cấp… thì việc cho thuê cầm chắc thua kém so với lãi suất tiết kiệm). Hơn nữa, kinh doanh BĐS lại đỏi hỏi kỹ năng hiểu biết pháp luật, đòi hỏi mặt thủ tục phức tạp hơn, việc mua và bán hay cho thuê, đều mất thời gian, rủi ro cho người mua và bán, cho người dân và tổ chức tín dụng đều cao.

    Với lĩnh vực kinh doanh chứng khoán: Đầu tư chứng khoánlà một ngành nghề kinh doanh “thời thượng”, nó chỉ dành cho những những ai ưa mạo hiểm và có hiểu biết tương đối về lĩnh vực này. Chứng khoán có thể mang lại lợi nhuận rất nhanh và rất lớn, nhưng không phải ai cũng có thể thành công. Những người thụ động và thích an toàn sẽ không lựa chọn kênh đầu tư này. 

    Hiện nay chỉ một số ít các DN và nhà đầu tư lựa chọn đầu tư vào kênh này vì mức độ rủi ro rất cao. Các DN và nhà đầu tư có thể trụ được trên TTCK đến giờ phút này thì có thể khẳng định họ là những người có kinh nghiệm, được tôi luyện trong “lò bát quái” đầu tư chứng khoán, họ có tiền và đã thành công trong thời gian qua, họ sẽ có cơ hội tiếp theo. Tuy nhiên, rủi ro không phải chỉ dành cho “lính mới”, mà nhiều nhà đầu tư kỳ cựu cũng đã phải “buông súng”, “bỏ chiếu” nếu đi sai nước cờ. TTCK là kênh huy động vốn lớn cho các DN nhưng cũng là nơi các nhà đầu tư hoặc đầu cơ “huy động” vốn và vắt kiệt nguồn năng lượng của mình để gặt hái có thể là thành công, cũng có khi chỉ là “quả đắng”.

    Và ngay cả gửi tiền tiết kiệm cũng không phải không có rủi ro. Nếu hệ thống ngân hàng yếu kém, không đầu tư hiệu quả, đồng tiền gửi của người dân cũng chịu tổn thất theo (một số ngân hàng phải sáp nhập, một số quỹ tín dụng nhân dân phải giải thể… cũng ảnh hưởng đến tâm lý người gửi tiền cũng như gây thêm chi phí cho người dân về thời gian, đi lại, thủ tục…), chưa nói đến việc nền kinh tế lạm phát, giá cả tăng làm đồng tiền gửi mất giá…

    Làm sao gỡ bí, giải thoát dòng tiền ?

    Dù lãi suất huy động giảm liên tục từ đầu năm đến nay, nhưng lượng tiền gửi vào không giảm, tính đến 20/5/2013 mức huy động tăng 5,8% so với thời điểm cuối năm 2012. Tính đến cuối tháng 6/2013, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 3,8 - 4% so với cuối năm 2012 và gấp hai lần mức tăng cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, các DN sản xuất, kinh doanh lại không tiếp cận được vốn vay dễ dàng. Câu hỏi đặt ra là, vậy tiền ở các tổ chức tín dụng hiện đang đổ về đâu?

    ADB vừa ra báo cáo Theo dõi Trái phiếu Châu Á. Theo báo cáo này, thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất (64,6%, đạt giá trị 29 tỷ USD) do việc đẩy mạnh phát hành tín phiếu kho bạc, trái phiếu ngân hàng trung ương. Ngược lại, thị trường trái phiếu DN tại Việt Nam đã giảm 47,2% xuống còn 1 tỷ USD. Kết quả này là do các ngân hàng thương mại Việt Nam đang đổ một lượng tiền lớn để mua trái phiếu. Dù mua trái phiếu chính phủ với lãi suất thấp, các ngân hàng chỉ hòa vốn hoặc lãi rất ít, nhưng đây vẫn là kênh sinh lời tốt hơn khi cho DN vay, do vậy, trong các phiên đấu thầu, tỷ lệ trúng thầu của các NHTM đều đạt 90% - 100%.

    Việc dòng tiền chạy lòng vòng giữa các ngân hàng, hoạt động liên ngân hàng đang được NHNN kiểm duyệt gắt gao nhưng vì lý do bảo toàn vốn, đồng tiền vẫn chưa đến được đúng điểm, DN vẫn chưa thể vay nếu chưa hội đủ các tiêu chuẩn cần thiết. Vòng quay của dòng vốn bị kéo dài ra hơn trong khi hiệu suất thu được lại ngắn đi.

    DN cần vốn để duy trì sản xuất trong khi hàng tồn kho còn ứ đọng vì sức mua giảm sút, nhưng khi đã không bán được sản phẩm, không có nguồn thu để trả lãi suất ngân hàng thì DN không thể vay tiếp, không vay được thì sản xuất bị đình đốn, các DN bế tắc trong kinh doanh, nền kinh tế rơi vào khủng hoảng… trong khi nguồn vốn phải loay hoay tìm lối đi và đối phó với sự mất giá, việc ngân hàng huy động vốn từ dân cư đáng lẽ phải đưa vào sản xuất kinh doanh, nhưng lại quay trở lại đầu tư vào trái phiếu chính phủ, khiến sức sản xuất, tiêu thụ hàng hóa tê liệt, hậu quả là DN càng gặp khó khăn… cái vòng luẩn quẩn này sẽ không chấm rứt, nếu không tìm được cầu dao để ngắt mạch nắn dòng lại. 

    Vừa qua Chính phủ đã đưa ra rất nhiều biện pháp tài chính để đối phó như: hỗ trợ vốn, giải quyết cho DN vay bằng thế chấp hàng hóa, xóa nợ xấu, giảm thuế… nhưng điều cơ bản là DN và ngân hàng phải tìm được tiếng nói để cùng nhau gỡ thế bí thì… điều này vẫn chưa làm được, hệ quả là số doanh nghiệp giải thể còn cao (6 tháng đầu năm 2013, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước).

    Việc dòng tiền đổ vào đâu là do tư duy của người dân và định hướng kinh doanh của các doanh nghiệp và tổ chức tài chính, tín dụng, nhưng không ngoại trừ các chính sách của Nhà nước (lãi suất, điều hành giá cả, hỗ trợ sản xuất… thắt chặt hay nới lỏng tiền tệ…) sẽ định hướng cho họ và định hướng cho cả nền kinh tế. Sẽ không thể giữ thế cầm cự mãi, nếu không hy sinh một số lợi ích này để vực một số lợi ích khác lên trước đã. Chúng ta đều biết, sản xuất là huyết mạch của nền kinh tế. Hy sinh một số lợi ích khác để khơi thông dòng vốn chảy vào lĩnh vực này, đó là vấn đề cấp thiết hiện nay. Không thể để sản xuất đình đốn thêm nữa. Bài toán này đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách và cho cả các nhà kinh doanh. Không có lực không tạo thành sóng, một bàn tay không thể vỗ thành tiếng. Cái điều tưởng như cũ rích này với chúng ta lại luôn mới.


    Theo Lê Hiền

    hangnt

    Tạp chí tài chính

    CÙNG CHUYÊN MỤC

    XEM
    Trở lên trên