MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đằng sau chi phí dự phòng và nợ xấu tăng cao ở ACB

14-08-2014 - 07:49 AM | Tài chính - ngân hàng

Được biết khoản tiền 1.193 tỷ đồng gửi liên ngân hàng ở ngân hàng C. vẫn được kiểm toán lưu ý trong các báo cáo tài chính trước đây đã được ACB thu hồi đầy đủ trong tháng 7.

Mùa công bố báo cáo tài chính của các doanh nghiệp đang đi đến giai đoạn cuối. Đến nay, chỉ còn số ít các đơn vị chưa công bố thông tin, trong đó có các ngân hàng. Và cho đến sáng nay 14/8 mới chỉ có ACB, Vietcombank và Sacombank đưa ra những con số cụ thể về hoạt động 6 tháng đầu năm.

Đáng chú ý, ACB và Vietcombank đều có các khoản dự phòng rủi ro và nợ xấu tăng vọt sau 2 quý hoạt động. Tuy nhiên kết quả lợi nhuận của 3 ngân hàng đều cho thấy tích cực hơn rất nhiều so với những diễn biến của năm trước.

Tại ACB, báo cáo cho biết lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm nay đạt 731 tỷ đồng, dù giảm 23% so với cùng kỳ nhưng đạt hơn 60% so với kế hoạch của cả năm. Và quan trọng hơn thế, sau một thời gian trải qua bão táp của khủng hoảng 2012, việc ACB đang nỗ lực tái cấu trúc thì với kết quả như vậy đã là đáng khích lệ.

Báo cáo cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, chi phí dự phòng rủi ro của ACB tăng thêm 320 tỷ đồng, tương đương tăng 124% so với cùng kỳ 2013, đi kèm là tỷ lệ nợ xấu tăng từ 3% cuối năm 2013 lên 3,6%, riêng nợ nhóm 5 tăng 23% lên hơn 2.600 nghìn tỷ đồng.

2.600 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn có lẽ không chỉ là cú sốc với ACB mà còn với cả hệ thống ngân hàng, bởi ACB từ xưa đến nay vốn vẫn được coi là ngân hàng có hệ thống quản trị rủi ro tốt, đặc biệt là có khẩu vị rủi ro tín dụng rất thấp.

Vậy vấn đề ở đây là gì? Chúng tôi đã liên lạc với lãnh đạo ACB để hỏi về tình hình nợ xấu. Đại diện cho ACB, ông Vijay Maheshwari, giám đốc Tài chính của ACB, người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này ở ngân hàng Standard Chartered cho biết, việc nợ xấu tăng cao thực sự là một vấn đề đáng lo ngại đối với không chỉ ACB mà còn là của toàn hệ thống, đặc biệt khi thông tư 02 và thông tư 09 có hiệu lực từ ngày 1/6/2014, bên cạnh việc số lượng doanh nghiệp thua lỗ, phá sản liên tục tăng cao.

Tuy nhiên, đại diện ACB cũng cho biết, nợ xấu tăng cao không nằm ngoài dự kiến và kế hoạch của ngân hàng bởi ngay từ khi thông tư 02 được ban hành, ACB đã chủ động sắp xếp, cấu trúc, bán nợ, thu hồi nợ trước hạn bên cạnh việc chủ động trích dự phòng nhằm giảm thiểu tác động. Do vậy, chi phí dự phòng và nợ xấu tăng cao là một điều khó có thể tránh khỏi khi ngân hàng chú trọng yếu tố minh bạch và nghiêm túc tuân thủ các quy định của NHNN về việc trích lập và phân loại nợ.

Riêng về nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn - dù tăng hơn 23% so với cuối 2013 lên 2.616 tỷ đồng, nhưng ông Vijay cho biết, tài sản đảm bảo theo giá thị trường là trên 3.000 tỷ đồng, và dự phòng cụ thể mà ACB đã trích là 931 tỷ, tương đương 36%. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội trong tương lai khi kinh tế phục hồi trở lại, kéo theo giá trị tài sản đảm bảo tăng và khả năng trả nợ của khách hàng được cải thiện thì ACB sẽ có nguồn thu lớn từ dự phòng được hoàn nhập.

Ngoài ra, Ông Vijay Maheshwari tiết lộ thêm khoản tiền gửi liên ngân hàng vẫn được kiểm toán lưu ý trong các báo cáo tài chính mùa trước (gửi ngân hàng C khoản 1.193 tỷ đồng) đã được ACB thu hồi đầy đủ trong tháng 7 và thông tin này sẽ được công bố chi tiết trong báo cáo tài chính soát xét 6 tháng, đồng thời ghi nhận vào kết quả kinh doanh của quý 3.

Dù vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức trong công cuộc tái cơ cấu và tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng sau khủng hoảng nhưng những nỗ lực thời gian qua cũng thấy được ACB đang dần khôi phục và làm tăng niềm tin của nhà đầu tư vào ngân hàng.

>>> Ngân hàng ACB đạt 653 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm

Tùng Lâm

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên