MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đằng sau trào lưu ngân hàng thâu tóm công ty tài chính

08-11-2015 - 10:44 AM | Tài chính - ngân hàng

Ồ ạt mua rồi ráo riết tìm đối tác bán hoặc chuyển nhượng cổ phần, đây là điểm chung gần đây của hàng loạt ngân hàng sau khi thâu tóm xong các công ty tài chính.

Hầu hết các công ty tài chính được mua lại đều có nợ xấu cao, tình hình kinh doanh sụt giảm mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên chỉ sau khi mua lại tầm một năm rưỡi đến hai năm, các ngân hàng đã lên kế hoạch chào bán cho đối tác chiến lược.

HDBank là trường hợp đầu tiên thực hiện giao dịch mua lại TCTD tại Việt Nam đồng thời cũng là ngân hàng đầu tiên thực hiện thương vụ mua rồi lại bán công ty tài chính thuộc tập đoàn của Pháp.

Trước đó, cuối tháng 8/2013, HDBank đã ký hợp đồng mua lại 100% vốn của Công ty tài chính Việt Société Générale (SGVF, thuộc tập đoàn tài chính Société Générale của Pháp).

Sau đó hơn 1 năm vào tháng 3/2015, NHNN đã chấp thuận cho HDBank chuyển nhượng 49% vốn điều lệ của công ty tài chính trực thuộc HDFinance cho Tập đoàn Credit Saison (Nhật Bản). Sau khi hợp đồng mua bán hoàn tất, HDBank vẫn sở hữu 50% vốn điều lệ của HDFinance; Credit Saison sở hữu 49% và CTCK HSC sở hữu 1% vốn điều lệ của HDFinance; đồng thời được chuyển đổi sang thương hiệu HD Saison.

Mới đây, các cổ đông cũng nhất trí cho VPBank chuyển nhượng một phần vốn tại Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBFC).

Sau khi mua lại Công ty TNHH MTV Tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam (CMF) của Tập đoàn Than – Khoáng sản (Vinacomin). VPBank chính thức chuyển toàn bộ hoạt động tín dụng tiêu dùng sang công ty Tài chính mới.

VPBank cho biết công ty tài chính VPBFC đang tìm kiếm, lựa chọn đối tác chiến lược nước ngoài phù hợp để chuyển nhượng một phần vốn điều lệ trở thành công ty tài chính liên doanh.

Ngân hàng dự kiến chuyển nhượng tối đa 49% vốn VPBFC và tìm kiếm thêm một nhà đầu tư là doanh nghiệp trong nước góp vốn tối thiểu 1% (theo quy định về loại hình hoạt động liên doanh). Thời điểm thực hiện dự kiến vào quý 1/2016 và quý 2/2016.

Theo tính toán của ngân hàng này, cứ mỗi 100 tỷ đồng đầu tư vào công ty con được thoái ra, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của Ngân hàng sẽ tăng lên 0,1, cứ mỗi 100 tỷ tăng thêm trong vốn điều lệ hoặc 100 tỷ thặng dư vốn cổ phần, CAR cũng sẽ tăng tương ứng lên khoảng 0,1.

Do vậy, VPBank luôn đặt kế hoạch ưu tiên tăng vốn điều lệ và thặng dư vốn (phát hành cho cổ đông hiện hữu hoặc riêng lẻ trong nước, nước ngoài), tăng trưởng nguồn vốn cấp hai (phát hành trái phiếu dài hạn) và cân nhắc phương án thoái vốn đầu tư khỏi tổ chức tín dụng khác, công ty con, công ty liên kết...

Trong nội dung của Đề án sáp nhập liên quan đến đến vấn đề xử lý các tồn đọng của Công ty tài chính Sông Đà (SDFC), MBBank đã đưa ra 8 kiến nghị đối với NHNN, trong đó chấp thuận cho MBBank được tìm kiếm đối tác chiến lược để góp vốn mua cổ phần hoặc liên doanh với công ty tài chính tiêu dùng MBBank sau một thời gian hoạt động với tỷ lệ nắm giữ tối đa 49% vốn điều lệ của công ty tài chính.

Mặc dù tình hình kinh doanh liên tục trượt dốc, nợ xấu cao, hơn một lần ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Ngân hàng SHB khẳng định Công ty Tài chính Vinaconex – Viettel (VVF) là “cô gái đẹp”. Theo cách nói ví von của ông, trong nước nhiều chàng trai to cao đẹp trai nhảy vào cưa cẩm cô gái này, ngân hàng đã phải vô cùng quyết liệt, quyết tâm tích cực mới có được kết quả như hiện nay.

Ông Hiển nói thêm sau khi loại các đối thủ trong nước, cổ đông hiện nay chàng rể to cao hơn ở nước ngoài đang đến gạ gẫm. Nhưng cứ để cô gái này về nhà đã đàng hoàng theo đúng pháp luật, ổn định rồi tính sau.

Theo ông, doanh thu của Công ty tài chính sau sáp nhập với ngân hàng sẽ tăng mạnh mà chỉ có công ty tài chính mới có lợi thế cho vay tiêu dùng.

Hơn nữa, ngân hàng cần cổ đông chiến lược nước ngoài, chuyên nghiệp về công nghệ tham gia vào quản trị công ty tiêu dùng đồng thời học hỏi kinh nghiệm, phát triển sản phẩm phù hợp với thị trường. Đây có lẽ chính là lý do vì sao các ngân hàng đang có xu hướng bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại.

Tính đến nay đã có 6/17 công ty tài chính đã bị thâu tóm bởi các ngân hàng. Ngoài ra, nhiều ngân hàng đã xin ý kiến cổ đông về việc thành lập công ty tài chính như: BIDV trình cổ đông kế hoạch lập công ty tài chính với ba phương án: mua lại một công ty tài chính trên thị trường hoặc chuyển đổi công ty cho thuê tài chính hiện có thành công ty tài chính tiêu dùng hoặc sẽ thành lập công ty tài chính mới. VietinBank cũng có ý định chuyển một phần PGBank thành công ty tài chính PG Finance. ACB, Sacombank, NamA Bank… cũng đã trình cổ đông kế hoạch thành lập công ty tài chính với vốn điều lệ 500 tỷ đồng..

Như vậy, việc mua lại công ty tài chính mới chỉ là bước khởi đầu cho trào lưu mỗi ngân hàng một công ty tài chính và nay mai sẽ có thêm một phong trào thi nhau tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược để bán lại thay vì toàn lực phát triển công ty dài hạn. Trong khi đó, các ngân hàng đều kiến nghị xin miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngân hàng và các công ty tài chính tiêu dùng sau khi thành lập trong nhiều năm là điều cần phải xem xét thỏa đáng theo một vài ý kiến bình luận.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên