MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đau đầu bài toán cân đối

25-04-2014 - 18:49 PM | Tài chính - ngân hàng

Vấn đề xử lý nợ xấu cũng là bài toán đau đầu cho các NH sau sáp nhập. Vì bản thân nợ xấu của họ vẫn chưa giải quyết được nếu lại phải gánh thêm khoản… nợ chất lượng xấu hơn

Không chỉ là phép cộng

Với việc Sacombank sáp nhập Southernbank, Phó chủ tịch HĐQT Sacombank – ông Trầm Bê đã quy về một mối giá trị quyền sở hữu của mình tại hai NH này. Hiện ông và những người liên quan đang nắm 6,78% vốn điều lệ của Sacombank và hơn 20% vốn điều lệ tại Southerbank.

Tương tự, nếu MDB sáp nhập vào Maritime Bank cũng sẽ giúp hai NH này giảm các mối quan hệ chằng chịt, phức tạp về sở hữu chéo. Nhìn vào cơ cấu sở hữu của hai NH này thì thấy, hiện Maritime Bank đang nắm 10,16% vốn MDB, đó là chưa kể khoản đầu tư ủy thác thông qua CTCP Quản lý Quỹ Tín Phát - TPF (khoảng 282 tỷ đồng).

Về phía MDB, NH này lại sở hữu 300 tỷ đồng trái phiếu của một công ty thành viên Tập đoàn Phát triển Việt Nam (V.I.D Group) – tập đoàn có mối quan hệ mật thiết với Maritime Bank và nắm giữ 325 tỷ đồng trái phiếu của Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản Maritime Bank… Xét trên góc độ này, có vẻ như việc M&A của hai ngân hàng này có nhiều thuận lợi để diễn ra nhanh chóng và dự báo một kết thúc có hậu hơn.

Tuy nhiên, quyết định M&A chỉ là những bước đi đầu tiên. Để hoàn tất một thương vụ M&A, các bên còn phải mất một thời gian. Một cán bộ cấp cao tại Sacombank cho biết, có thể phải đến đầu năm sau, thương vụ Sacombank và Southernbank mới hoàn tất. Vì sau khi đã được ĐHCĐ đồng ý về chủ trương, ngân hàng còn phải xây dựng đề án, sau đó đưa ra thông qua HĐQT rồi mới trình lên NHNN.

“Đến giờ này Đề án vẫn chưa hoàn thiện. Đó là chưa kể, trong quá trình xây dựng không biết chúng tôi sẽ còn vấp phải những câu hỏi hóc búa nào khác từ các cổ đông lớn về những lợi ích họ có thể được và mất sau khi sáp nhập”, vị này băn khoăn. Còn lãnh đạo Maritime Bank cho biết, thương vụ sáp nhập với MDB tạm thời xong giai đoạn 1: tìm hiểu, xin chủ trương và hiện Maritime Bank mới trình cơ quan quản lý để xin chấp thuận đề án về mặt nguyên tắc.

Tiếp đó, một vấn đề khác là chất lượng hoạt động của NH sau sáp nhập liệu có tăng tương xứng với giá trị vốn, mạng lưới, nhân sự… vẫn còn là câu hỏi để ngỏ vì chưa ai dám tiên lượng 100% về một kết thúc có hậu. Cũng như trong hôn nhân không phải cặp đôi nào cũng có cái kết đẹp. Bởi, cuộc sống chung có hòa thuận hay không còn phụ thuộc vào sự đồng thuận khi NH sau M&A soạn thảo chiến lược, văn hóa ứng xử, phát huy vai trò sức mạnh tập thể mới, con người mới…

Ở khía cạnh này, theo TS. Võ Trí Thành – Phó viện trưởng CIEM, các NH cần có sự tính toán, mặc cả, thỏa thuận với nhau. Ngay cả vấn đề vốn, chưa chắc 2 NH cùng có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng sáp nhập lại với nhau thì tổng vốn điều lệ sẽ đạt 6.000 tỷ đồng mà có thể chỉ còn 4.000 tỷ đồng sau khi loại vốn ảo từ sở hữu chéo.

Thận trọng tìm đối tác

Thông điệp của người đứng đầu cơ quan quản lý là NHNN khuyến khích những NH tầm trung dù hoạt động lành mạnh vẫn có thể sáp nhập để tạo ra cơ thể khỏe mạnh hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa đây là lựa chọn cho tất cả các NH.

Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết, đã 2 năm đi tìm kiếm, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa lựa chọn được đối tác. Cũng có những đồn đoán về việc OCB sáp nhập với một NH lớn, nhưng ông Tùng khẳng định: OCB sẽ chỉ chọn đối tác phù hợp về mặt chiến lược, văn hóa kinh doanh. Có như vậy mới tạo ra một tổ chức mạnh hơn. Hoặc ít nhất 1 + 1 = 2, chứ không thể để giá trị cộng lại chỉ còn 0,5.

“Chúng tôi đã có được những bước đi nhất định và đang trong quá trình hoàn thiện thì không lý do gì sáp nhập với NH khác để phá vỡ nền tảng ấy. Và một điều chắc chắn là các cổ đông của chúng tôi cũng không chấp nhận điều đó”, ông Tùng nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, nếu không tìm được đối tác cùng quan điểm, mà vẫn cố tình “gán ghép” thì vấn đề lớn nhất mà các NH phải đối mặt là thống nhất được với các cổ đông lớn, cổ đông chủ chốt về con đường phát triển sau M&A. Mà chỉ khi có đường hướng rồi, ban lãnh đạo mới có cơ sở đặt ra nguyên tắc chính trong quản trị điều hành, đảm bảo quyền lợi giữa các bên không đối kháng với nhau, không vi phạm sở hữu chéo, hoặc bị quy chụp là lạm dụng tài sản của những cổ đông, cũng như người điều hành NH mới…

Tất cả những vấn đề này phải đưa vào nguyên tắc, nếu không thống nhất đường hướng chiến lược sẽ xảy ra nhiều mâu thuẫn trong nội bộ cũng như việc kiểm soát hoạt động NH sẽ rất khó khăn.

Theo ông Tùng, sau khi sáp nhập, ngay cả yếu tố văn hóa, cách ứng xử của mỗi NH cũng như quan điểm đúng - sai cũng có dấu ấn từng vùng miền. Giả dụ nhân sự phía Nam là hào sảng, nhanh nhạy, còn phía Bắc lại thâm trầm, ý nhị. Ngay cả sự “va chạm” giữa các văn hóa ứng xử khác biệt đó, nếu không xử lý tốt cũng dễ xảy ra xung đột.

Vấn đề xử lý nợ xấu cũng là bài toán đau đầu cho các NH sau sáp nhập. Vì bản thân nợ xấu của họ vẫn chưa giải quyết được nếu lại phải gánh thêm khoản… nợ chất lượng xấu hơn, thậm chí nhiều hơn, thì sẽ thế nào; chưa kể, hàng loạt vấn đề khác mà NH sau sáp nhập phải giải quyết như nhân sự, mạng lưới hoạt động…

Đơn cử, dù đã giảm khá mạnh tỷ lệ nợ xấu, nhưng đến nay, lãnh đạo SHB thấm thía một thời gian dài được “phong” làm hoa hậu nợ xấu của hệ thống khi sáp nhập với Habubank – NH khi sáp nhập có tỷ lệ nợ xấu gần 15%. Suốt 2 năm qua, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của SHB là thu hồi nợ quá hạn, xử lý các khoản nợ xấu được chuyển giao từ Habubank, nhất là khoản nợ của Vinashin. Dù cuối năm 2013, SHB thu hồi được 3.600 tỷ đồng nợ, nhờ đó kéo tỷ lệ nợ xấu giảm xuống mức 4,06%, nhưng vẫn chưa về mức mục tiêu 3%.

Do đó, lãnh đạo SHB khẳng định trong kế hoạch sáp nhập mới của NH, dứt khoát đối tác phải có tài chính lành mạnh. Sự dè chừng của NH này cũng được một số chuyên gia đồng cảm bởi chỉ đến khi “Lễ kết hôn” hoàn tất, NH mua mới biết con số nợ xấu thật sự của “bạn đời”.

Hiển nhiên, từ những quy định tiêu chí hoạt động và định hướng của NHNN, làn sóng sáp nhập giữa các NHTMCP đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra phù hợp với quy mô thị trường và tăng khả năng cạnh tranh của mỗi NHTMCP. Nhu cầu tất yếu ấy của thị trường đang được Ban lãnh đạo các NHTM cân nhắc thận trọng cùng với quá trình suy xét từ thực tiễn của các NH đã hoàn thành M&A. Từ đó, con đường M&A mà họ đã chọn sẽ có “lý trình” phù hợp để đạt mục tiêu chung là lành mạnh thị trường tài chính của giai đoạn tái cơ cấu - đang được NHNN chủ trì điều hành.

Theo Nhóm PV chuyên đề

loanlt

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên