MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đau đầu vì ngân hàng thay đổi lãi suất đột ngột

28-09-2013 - 18:34 PM | Tài chính - ngân hàng

Việc thay đổi chính sách huy động vốn, lãi suất cho vay của ngân hàng không phải là điều khó hiểu. Vấn đề ở chỗ thay đổi thế nào để lợi ích chung - riêng phải được thống nhất.

Có mặt tại tòa soạn Báo CATP, ông Huỳnh Hồng (ngụ P. Tân Thuận Đông, Q7) bức xúc trình bày: Tháng 2-2008, ông và Ngân hàng ACB - chi nhánh Sài Gòn ký hợp đồng hạn mức cấp tín dụng vay vàng. Thời gian hiệu lực của hợp đồng là 60 tháng kể từ ngày ký. Kể từ dạo ấy đến nay, ông luôn hoàn thành nghĩa vụ và trách nhiệm của mình theo các điều khoản đối với Ngân hàng ACB.

Đùng một cái, ngày 28-8-2013, ông nhận được thông báo của ngân hàng về việc điều chỉnh lãi suất. Phía ngân hàng cho biết các hợp đồng tín dụng, khế ước nhận nợ giữa hai bên vẫn còn thời hạn, tuy nhiên đã phát sinh một số khó khăn khi thực hiện hợp đồng do sự thay đổi chính sách của nhà nước.

Trước đây ACB huy động vốn bằng vàng để ông vay, lãi suất cho vay vàng được điều chỉnh căn cứ theo lãi suất tiền gửi tiết kiệm vàng 11 tháng/13 tháng. Nhưng giờ phía ngân hàng đưa ra một số nguyên nhân (được cho là khách quan) để nêu ra lý do không thể tiếp tục thực hiện các hợp đồng tín dụng cho vay bằng vàng đang được dư nợ do lãi suất huy động vàng. Vì thế, ngân hàng cho ông Hồng biết: xét về mặt pháp lý, kể từ ngày 30-6-2013 các điều khoản trong hợp đồng đã ký ACB trước đây có nội dung thỏa thuận việc lãi suất cho vay bằng vàng dựa trên lãi suất tiết kiệm bằng vàng sẽ bị coi là vô hiệu một phần, do các thỏa thuận này đã vi phạm vào điều cấm của pháp luật. Trên cơ sở đó, ACB đã đưa ra ba phương án để giải quyết đối với ông Hồng.

Ông Hồng lo lắng khi nhận được thông báo của Ngân hàng ACB

Ông Hồng chia sẻ: Phương án 1, 2 làm khó những người vay vốn bằng vàng như tôi, bởi lãi suất phải đóng tăng cao hơn so với những gì đã thỏa thuận trong hợp đồng đã ký. Trong khi đó, phương án 3 lại nhấn mạnh trường hợp hai bên không thỏa thuận được việc thay đổi lãi suất, ACB sẽ xem xét khả năng chấm dứt việc cho vay vàng, thu hồi nợ trước hạn. Sau 30 ngày nếu khách hàng không có ý kiến phản hồi, ACB sẽ chủ động triển khai thực hiện thông báo và lựa phương án thực hiện để giải quyết các tồn tại của các hợp đồng tín dụng và khế ước nhận nợ.

Ông Hồng bức xúc: “Ngay từ đầu, tôi chủ động đề nghị được vay tiền nhưng phía ACB chỉ chấp nhận cho vay vàng. Đến thời điểm này ACB lại thay đổi lãi suất được tính đổi từ vàng sang tiền, khiến những người như chúng tôi lao đao khi đối mặt với việc trả lãi suất quá cao như hiện nay”. Theo một số điều khoản trong hàng tá điều khoản của hợp đồng cũ, ACB có nghĩa vụ thực hiện đúng những gì mình đã cam kết trong hợp đồng tín dụng và bên vay có quyền từ chối các yêu cầu của ACB không đúng với các thỏa thuận trong hợp đồng cấp tín dụng. Vì thế, trước những phương án mà ACB đưa ra, ông Hồng có quyền bày tỏ quan điểm cá nhân. Mong muốn sẽ được phía Ngân hàng ACB thấu hiểu trong tình cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, bản thân ông không có khả năng chi trả khoản lãi suất cao như thế. Ông Hồng đã làm đơn xin được xem xét áp mức giá tính lãi suất như đã thỏa thuận ban đầu. Tuy nhiên, phía ngân hàng đã từ chối nguyện vọng của ông Hồng.

Thiết nghĩ, việc thay đổi chính sách huy động vốn, lãi suất cho vay của ngân hàng không phải là điều khó hiểu, nhất là trong tình cảnh khó khăn như hiện nay. Vấn đề ở chỗ thay đổi thế nào để lợi ích chung - riêng phải được thống nhất. Bỗng nhiên phải trả khoản lãi suất cao hơn so với trước, nên bức xúc của khách hàng là điều không tránh khỏi. Mong Ngân hàng ACB sớm có biện pháp thỏa thuận cụ thể với khách hàng để tìm được tiếng nói chung, tránh những bức xúc khiếu nại không đáng có.

Theo Song Thiên

hangnt

Công an TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên