MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đẩy mạnh cho vay nhưng phải kiểm soát kỹ chất lượng để hạn chế nợ xấu

31-10-2014 - 10:40 AM | Tài chính - ngân hàng

Trong hai ngày 30 và 31/10, thảo luận tại Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội, các đại biểu đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là về tăng trưởng tín dụng, xử lý nợ xấu.

Theo đại biểu Trần Xuân Vinh của đoàn Quảng Nam, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9/2014 đạt khoảng 7,26%, còn 3 tháng nữa là hết năm và để đạt mục tiêu 12-14% cần nỗ lực hơn nữa. Song song đó, phải đồng thời tăng cường kiểm tra kiểm soát, các ngân hàng cho vay các dự án đầu tư, đặc biệt là giao thông cần kiểm soát kỹ lưỡng, tránh làm tăng nợ xấu cho những năm sau.

Còn đại biểu La Ngọc Thoáng đoàn Cao Bằng đề xuất, ngành ngân hàng phải triển khai các giải pháp tín dụng tháp gỡ khó khăn cho Doanh nghiệp, đáp ứng vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho tăng trưởng tín dụng.

Đại biểu Phạm Văn Cường – đoàn Lào Cai cho rằng, NHNN trong thời gian qua đã tham gia tốt vai trò của mình trong kiềm chế lạm phát, dự trữ ngoại hối..., giảm lãi suất tuy nhiên lĩnh vực nông thôn cần phải quan tâm hơn nữa. Chính sách cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đề nghị như sau: hỗ trợ cho mỗi hộ gia đình từ mức 50 lên 100 triệu đồng; hộ sản xuất kinh doanh từ 200 lên 500 triệu đồng, hợp tác xã từ 500 triệu lên 1 tỷ đồng và đơn giản hóa thủ tục với các đối tượng này.

Về giải quyết nợ xấu, Đại biểu Đặng Thuần Phong của Bến Tre cho rằng, VAMC đã mua được một lượng lớn nợ xấu, bản thân các TCTD cũng đã tự trích lập 78.000 tỷ đồng xử lý nợ xấu, đây là nỗ lực lớn của ngân hàng việc dồn sức xử lý từ nội lực của mình đáng trân trọng. Tuy nhiên điểm thắt của vấn đề là thiếu nguồn lực, thiếu hỗ trợ từ ngân sách, thiếu cơ sở pháp lý cần thiết về mua bán nợ xấu.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Kiên Giang lại cho rằng VAMC hoạt động chưa đạt được mục tiêu nhiệm vụ đề ra, nợ xấu của NHTM có chiều hướng tăng lên. Nợ xấu cuối năm 2013 là 3,61%, đến cuối tháng 5/2014 là 4,07%, tháng 7/2014 là 4,11%. Đồng thời thị trường bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn làm trầm trọng hơn nợ xấu. Đây là dấu hiệu bất ổn trong điều kiện kinh tế mới phục hồi.

Đại biểu của Kiên Giang đặt câu hỏi, với các giải pháp hiện tại, và điều kiện hoạt động của VAMC như hiện nay liệu có thể giải quyết được dứt điểm vấn đề nợ xấu không? Đại biểu đồng thời đề nghị Chính phủ, các bộ ngành cần có giải pháp tốt hơn để giải quyết nợ xấu tăng trở lại của hệ thống NHTM, đánh giá lại hiệu quả của VAMC.... trên cơ sở đó có chính sách cơ chế tạo điều kiện cho VAMC thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra.

Đại biểu La Ngọc Thoáng cho rằng với xử lý nợ xấu chỉ có cố gắng của ngành Ngân hàng thì không thể giải quyết được, cần sự phối hợp với Bộ ngành địa phương và DN trong giải phóng hàng tồn kho.


Tùng Lâm

hangnt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên