MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất quy định quản lý nợ của doanh nghiệp

24-05-2013 - 16:36 PM | Tài chính - ngân hàng

Các doanh nghiệp khi gặp khó khăn trong quá trình xử lý, thu hồi nợ phải thu đều có thể bán cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam - VAMC với mức giá thỏa thuận hợp lý theo quy định.

Đề xuất trên được đưa ra tại dự thảo Nghị định về quản lý nợ của doanh nghiệp do Bộ Tài chính soạn thảo.

Theo dự thảo, Công ty Mua bán nợ Việt Nam có quyền cơ cấu lại thời hạn trả nợ; áp dụng mức lãi suất của khoản nợ đã mua cho phù hợp với khả năng trả nợ, thực hiện tái cơ cấu lại doanh nghiệp cùng với việc chuyển nợ, tài sản thành vốn góp của Công ty Mua bán nợ Việt Nam; bán các khoản nợ và tài sản đã mua…

Bên cạnh đó, Công ty Mua bán nợ Việt Nam có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn được ghi trong Hợp đồng mua, bán nợ và tài sản giữa Công ty và doanh nghiệp.

Doanh nghiệp phải có Quy chế quản lý nợ

Cũng theo dự thảo, doanh nghiệp phải ban hành và thực hiện Quy chế quản lý nợ, phân công và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc theo dõi, thu hồi các khoản nợ phải thu.

Dự thảo nêu rõ, doanh nghiệp chưa ban hành Quy chế quản lý nợ theo quy định thì coi như Hội đồng thành viên, Ban điều hành doanh nghiệp chưa hoàn thành nhiệm vụ (khi thực hiện xếp loại doanh nghiệp) và không được trích 2 quỹ khen thưởng và phúc lợi; Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Ban điều hành doanh nghiệp không được trích quỹ thưởng Ban quản lý điều hành công ty, chỉ được hưởng 70% tiền lương hằng tháng.

Trường hợp để cơ quan có thẩm quyền đôn đốc bằng văn bản 2 lần trở lên mà doanh nghiệp vẫn chưa ban hành Quy chế quản lý nợ thì Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng Giám đốc (Giám đốc) sẽ bị miễn nhiệm.

Bên cạnh đó, Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng Giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp có trách nhiệm xử lý kịp thời các khoản nợ phải thu khó đòi, nợ không thu hồi được.

Nếu không xử lý kịp thời các khoản nợ không thu hồi được theo quy định, để chủ sở hữu có văn bản nhắc từ 2 lần trở lên, căn cứ vào hậu quả của việc xử lý chậm ảnh hưởng đến tình hình tài chính, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thì chủ sở hữu quyết định hình thức kỷ luật (cảnh cáo, miễn nhiệm) đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc.

Nếu vì không xử lý kịp thời dẫn đến thất thoát vốn của chủ sở hữu tại doanh nghiệp thì phải đền bù thiệt hại bằng tài sản cá nhân, chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu và trước pháp luật.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến cuối năm 2011, tổng số nợ phải thu của 91 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước là 296.541 tỷ đồng, trong đó nợ phải thu khó đòi là 3.753 tỷ đồng; tổng số nợ phải trả là 1.292.400 tỷ đồng.

Mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (gọi là Công ty Quản lý Tài sản), có hiệu lực từ ngày 9/7/2013. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập Công ty Quản lý Tài sản nhằm xử lý nợ xấu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế.

TheoThanh Hoài


hangnt

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên