MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ Nam A Bank: Ông Trần Ngô Phúc Vũ rút khỏi HĐQT, bà Cẩm Tú được bầu bổ sung

17-04-2015 - 09:23 AM | Tài chính - ngân hàng

Cổ đông của Nam A Bank đề nghị ông Trần Ngô Phúc Vũ cho biết lý do chính xác vì sao từ nhiệm khi đang điều hành tốt như vậy? Việc sang Eximbank có phải đại diện cho Nam Á hay từ bỏ ngân hàng để đại diện cho tổ chức khác?

Sáng nay ngày 17/4, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2015.

Theo báo cáo của Ban thẩm tra tư cách đại biểu, có 115 đại biểu dự họp, đại diện cho 156 cổ đông, với số cổ phần đại diện cho hơn 92% số cổ phần có quyền biểu quyết.

Kế hoạch lợi nhuận tăng gấp rưỡi

Báo cáo của Ban điều hành Nam A Bank cho biết, năm 2014, các chỉ tiêu do ĐHCĐ 2014 thông qua đều được ngân hàng thực hiện thành công.  Tổng tài sản đạt trên 37 nghìn tỷ đồng,  huy động vốn đạt hơn 20.300 tỷ đồng, tín dụng đạt trên 16.600 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 242 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,4% trên tổng dư nợ. Ngân hàng cũng đã bán 154 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC.

Năm 2015, ngân hàng đặt chỉ tiêu nâng tổng tài sản lên 40.000 tỷ đồng, tăng 7% so với 2014; huy động vốn tăng 16% đạt 23.500 tỷ đồng; tín dụng tăng trưởng 26% với 21.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đặt tăng gấp rưỡi lên 360 tỷ đồng và duy trì nợ xấu ở dưới 3% trên tổng dư nợ.

Về việc mở rộng mạng lưới, năm 2014 được mở mới 8 chi nhánh/phòng giao dịch. Kế hoạch năm 2015 ngân hàng sẽ mở mới 9 điểm giao dịch/chi nhánh.

Bầu bổ sung thành viên HĐQT và BKS

Đại hội lần này, Nam A Bank sẽ đề nghị cổ đông thông qua một loạt các tờ trình, trong đó đáng chú ý có việc tái cơ cấu.

Hội đồng quản trị cũng trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát ngân hàng.

Cụ thể, ông Trần Ngô Phúc Vũ xin từ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị vì “lý do cá nhân”. Ông Trần Ngọc Dũng cũng có lý do tương tự xin từ nhiệm chức danh thành viên Ban kiểm soát.

Trước đó, ngày 2/4 ông Trần Ngô Phúc Vũ đã thôi làm Tổng giám đốc ngân hàng. Được biết, ông Phúc Vũ từ nhiệm để ứng cử vào Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), tổ chức đại hội cổ đông vào ngày 22/4 tới đây.

Do 2 thành viên từ nhiệm nên Nam A Bank đã có 2 ứng cử viên thay thế. Bà Lương Thị Cẩm Tú (sinh năm 1980) – tân Tổng giám đốc - ứng cử vào Hội đồng quản trị và bà Nguyễn Thùy Vân (sinh năm 1975) – Phó phòng kiểm toán nội bộ.

Tiếp tục tăng vốn điều lệ

Nam A Bank trình cổ đông tăng vốn điều lệ thê 1.000 tỷ đồng sau khi hoàn tất việc tăng vốn của 2014.

Cụ thể, năm 2014 ngân hàng có kế hoạch tăng vốn từ 3.000 tỷ lên 4.000 tỷ đồng. Đầu tháng 1/2015 việc tăng vốn đã được NHNN chấp thuận và ngân hàng dự kiến hoàn tất trong quý 2/2015.

HĐQT trình cổ đông ủy quyền cho HĐQT quyết định việc tăng vốn, xây dựng phương án phát hành và sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng và xin ý kiến cổ đông bằng văn bản.

Xin niêm yết trên sàn chứng khoán

Tờ trình của ban lãnh đạo ngân hàng Nam Á cho biết, theo quy định, công ty đại chúng đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng phải cam kết đưa chứng khoán vào giao dịch trên thị trường có tổ chức trong thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán được ĐHCĐ thông qua, thì việc niêm yết cổ phiếu của Ngân hàng Nam Á là bắt buộc khi hoàn thành đợt tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ.

Mặt khác, với mục đích của việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung còn nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động và hiệu quả quản trị ngân hàng, tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu, góp phần nâng cao vị thế và thương hiệu.

Vì vậy việc ngân hàng nhận thấy việc niêm yết trên sàn chứng khoán là cần thiết. HĐQT trình cổ đông ủy quyền cho HĐQT thực hiện việc niêm yết trên cơ sở cân nhắc diễn biến của thị trường, tổ chức chỉ đạo thực hiện việc niêm yết theo đúng quy định của pháp luật.

 

ĐHCĐ của Nam A Bank sáng 17/4

 

Cổ đông hỏi, lãnh đạo ngân hàng trả lời

Cổ đông hỏi:

- Trong báo cáo của ban điều hành, hội đồng quản trị, ban kiểm soát không thấy đề cập đến các chỉ số quan trọng như tỷ lệ an toàn vốn CAR, khả năng chi trả, tỷ lệ ROA, ROE nên cổ đông không biết tình hình hoạt động của ngân hàng ra sao?

- Việc phân phối lợi nhuận, ban lãnh đạo ngân hàng trích trả cổ đông 4% cổ tức, trừ đi các phần trích quỹ còn hơn 27 tỷ đồng giữ lại để làm gì? Vì sao không chia cho cổ đông? Có hay không việc Ngân hàng Nhà nước khống chế tỷ lệ cổ tức 9%, nếu có thì dựa vào đâu, văn bản nào? Đề nghị đại diện NHNN cho ý kiến?

- Kế hoach tăng vốn điều lệ của ngân hàng cụ thể ra sao, bán cổ phần cho nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài?

- Ví sao ông Trần Ngô Phúc Vũ đang điều hành tốt lại từ nhiệm? Việc sang Eximbank có phải đại diện cho Nam Á hay đại diện cho nhóm cổ đông và tổ chức khác?

Chủ tọa đoàn trả lời

Ông Trần Ngô Phúc Vũ thay mặt đoàn chủ tọa trả lời.

Về các chỉ số, theo ông Vũ các chỉ số trong báo cáo không đề cập đến các chỉ số đó vì các chỉ số đều rất cao nên nếu đưa ra thì khá là đi ngược thị trường.

Về tái cơ cấu và chia cổ tức. Nam A Bank không nằm ngoài vòng xoáy tái cơ cấu. Việc tái cơ cấu đã được NHNN cho phép tự tái cơ cấu, đến nay ngân hàng đang đi đúng lộ trình.

Về tỷ lệ cổ tức, với vai trò là người điều hành cao nhất, ông Vũ muốn chia cổ tức tới 10 – 14%, nhưng bối cảnh kinh tế không cho phép và đại diện Ngân hàng Nhà nước sẽ chia sẻ cụ thể về việc hạn chế cổ tức này.

Việc xin từ nhiệm khi mới hoạt động được 2 năm. Theo ông Vũ, việc di chuyển nhân sự từ tổ chức này sang tổ chức khác là xu hướng chung của thị trường nhưng ông khẳng định việc di chuyển cũng không nằm ngoài sự quản lý của ngân hàng Nhà nước.

Việc chuyển nhiệm vụ cũng là nhờ sự tin tưởng của cổ đông, của ngân hàng bạn, của nhà đầu tư. Còn việc sáp nhập với Eximbank, nếu có sáp nhập hay không sáp nhập cũng do cổ đông quyết định, có điều chắc chắn rằng Nam A Bank không phải là đơn vị bị bắt buộc phải sáp nhập. Việc tái cơ cấu hay sáp nhập như thế nào HĐQT đảm bảo sẽ làm những điều tốt nhất cho cổ đông.

Cổ đông hỏi

Cổ đông chỉ quan tâm đến lợi tức, vậy mức cổ tức 4%, lợi nhuận 4% có đủ sống hay không. Cổ phiếu chúng tôi đầu tư 50 nghìn đồng/cp cách đây 5-10 năm, hiện tại chỉ còn 10 nghìn đồng/cổ phiếu mà cổ tức lại chỉ có 4% thì tiền của chúng tôi thế nào? Cổ đông chúng tôi chỉ cần lãnh đạo điều hành giỏi và có lợi nhuận chia cho cổ đông, đủ mức để bù lạm phát.

Lãnh đạo ngân hàng chỉ chia cổ tức chỉ có 4% trong khi 9 thành viên của HĐQT và Ban Kiểm soát là 15 tỷ, tức mỗi người là hơn 1,5 tỷ đồng/năm, vậy điều đó có hợp lý hay không? Warren Buffett đã nói, đừng bao giờ làm mất tiền của cổ đông. Và điều thứ hai là không quên điều thứ nhất.

Ông Trần Ngô Phúc Vũ: Ban lãnh đạo ngân hàng muốn chia cổ tức 9% cho cổ đông nhưng NHNN khống chế ở mức 4% như vậy. Đại diện NHNN sẽ có giải thích cụ thể trong buổi hôi nay.

Về chi phí 15 tỷ đồng cho HĐQT và Ban kiểm soát: Đây không phải là lương và thưởng cho các thành viên mà còn bao gồm chi phí tư vấn, tham mưu cho các chính sách quản trị, hội nghị, hội thảo liên quan đến Ban kiểm soát và Hội đồng quản trị.

Bỏ phiếu và biểu quyết

Đại hội đã biểu quyết thông qua tất cả các tờ trình tại đại hội và bỏ phiếu bầu cử bổ sung thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát.

Theo đó, bà Lương Thị Cẩm Tú được bầu vào HĐQT và bà Nguyễn Thùy Vân được bầu bổ sung vào Ban kiểm soát.

Đại diện NHNN phát biểu

Theo đại diện NHNN, năm 2014 kinh tế khó khăn và ngành ngân hàng trong giai đoạn tái cơ cấu, NHNN yêu cầu các ngân hàng phải đảm bảo các chỉ tiêu tăng trưởng nhưng đi liền đó là hoạt động an toàn gắn với tái cơ cấu. Qua 2014, toàn ngành ngân hàng TPHCM đạt được kết quả khả quan như vốn huy động tăng 15%, dư nợ tăng 12,1%, lợi nhuận ở mức 20%. So với các năm trước thì mức lợi nhuận này không cao nhưng năm 2014 là kết quả đáng ghi nhận.

Với Nam Á nói riêng, ngân hàng đã có những bứt phá mạnh và đáng ghi nhận. Ngân hàng vừa tăng trưởng mạnh vừa đảm bảo an toàn hoạt động, như nợ xấu dưới 2%, các hệ số an toàn đảm bảo. Hoạt động quản trị được nâng cao năng lực. Hệ thống chi nhánh và phòng giao dịch phát triển mạnh.

Về tỷ lệ cổ tức, theo vị đại diện NHNN, hiện rất nhiều TCTD không chia cổ tức, mà chủ trương của NHNN là phải tập trung nội lực. Trên địa bàn TPHCM chỉ có vài tổ chức được chia cổ tức, trong đó Nam Á đứng thứ 2, có những ngân hàng chỉ được chia 1,5% cổ tức.

Nếu so với tỷ lệ tiết kiệm thì không bằng nhưng so mặt bằng chung ngân hàng thì rất cao. "Có những ngân hàng không an toàn, mất hết vốn điều lệ, NHNN mua lại giá 0 đồng thì cổ đông mất hết. Với mức 4% cổ tức thì đó là điều đã rất thành công của ngân hàng",

 

Ông Phúc vũ và ông Dũng từ nhiệm HĐQT và BKS của Nam A Bank

Ông Phúc vũ và ông Dũng từ nhiệm HĐQT và BKS của Nam A Bank

 

 

Tùng Lâm

Nguyễn Hằng

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên