MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dịch vụ đổi tiền lẻ gần Tết nguyên đán 2014: Bắt chẹt tới 50% giá trị

29-12-2013 - 10:58 AM | Tài chính - ngân hàng

Bỏ qua lệnh “cấm”, những ngày này, hoạt động trao đổi tiền lẻ vẫn diễn ra khá tấp nập tại các khu vực quen thuộc, vốn được xem là “lãnh địa” của dân buôn tiền lẻ.

Mặc dù Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản đề nghị Bộ Công thương và Bộ Công an phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch trong dịp Tết Nguyên đán 2014, thế nhưng, trên địa bàn Hà Nội, hoạt động đổi tiền lẻ vẫn diễn ra khá rộn ràng. Thậm chí, khoản chênh lệch khi đổi tiền lẻ có mệnh giá nhỏ còn được dân buôn tiền đẩy lên cao chót vót với lý do “khan hàng”, sau khi có thông tin NHNN sẽ ngừng in loại tiền này trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014.

Bỏ qua lệnh “cấm”, những ngày này, hoạt động trao đổi tiền lẻ vẫn diễn ra khá tấp nập tại các khu vực quen thuộc, vốn được xem là “lãnh địa” của dân buôn tiền lẻ như đền Quán Thánh, chùa Hà, chùa Phúc Khánh, Phủ Tây Hồ… Thậm chí, tại một số khu vực trên các tuyến phố như Thái Thịnh, đường Láng… cũng bắt đầu hình thành những điểm đổi tiền lẻ mới. Tại các khu vực này, hoạt động đổi tiền diễn ra khá công khai khi mà hàng trăm xấp tiền lẻ mới được bày biện ngăn nắp trong các ô tủ kính, người đổi tiền cũng lộ diện để sẵn sàng phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Tại một điểm đổi tiền lẻ gần khu vực chùa Phúc Khánh (đoạn gần cầu Ngã Tư Sở), các loại tiền có mệnh giá nhỏ 200 và 500 đồng được chủ cửa hàng “thách” với giá 100.000 đồng ăn 55.000 đồng với lý do “khan hàng” do NHNN không tiếp tục in loại tiền này trong năm 2014. Tương tự, mệnh giá 1.000 và 2.000 đồng cũng được “đẩy lên” ở mức 1 triệu đồng ăn 600.000-650.000 nghìn đồng. Khác với các điểm đổi tiền trên, hoạt động đổi tiền trên phố Đinh Lễ- Đinh Tiên Hoàng (đoạn gần bờ hồ Hoàn Kiếm), hoạt động mua bán diễn ra khá trầm lắng và kín đáo.

Trái với sự “dè chừng” của dân buôn tiền truyền thống, hoạt động mua bán-đổi tiền lẻ trên mạng internet diễn ra rầm rộ và sôi động hơn. Bằng chứng là với từ khóa “đổi tiền lẻ” trên Google sẽ xuất hiện hàng trăm ngàn lời chào mời đổi tiền có số seri đẹp như ngày sinh, tứ quý, tam hoa; cung cấp dịch vụ đổi tiền mới tại nhà qua điện thoại… 

Theo bảng báo giá của một website đổi tiền lớn, các loại tiền lẻ mệnh giá nhỏ 200 đồng, 500 đồng và 1.000 đồng cũng được niêm yết với chiết khấu khá cao, từ 50-60% (tức 100 ngàn đồng ăn 50 đến 60 ngàn đồng)... Ngoài ra, các loại tiền USD có mệnh giá nhỏ 1 USD, 2 USD cũng được rao bán rầm rộ với giá cao gấp nhiều lần, khoảng từ 300.000 đồng - 450.000 đồng/tờ với lý do những đồng tiền đặc biệt này sẽ mang lại may mắn cho người được tặng.

Để “qua mặt” cơ quan chức năng, những người buôn tiền tại đây thường “trú” trong các quán nước vỉa hè hoặc đóng vai xe ôm chờ khách. Tuy nhiên, khi khách có nhu cầu thì cần bao nhiêu tiền lẻ cũng đều có thể đáp ứng. Và điều đáng nói là, tỷ lệ đổi các loại tiền mệnh giá nhỏ như 200 đồng, 500 đồng và 1.000 đồng cũng được giới buôn tiền hét lên đến 55% (tức 100 ngàn đồng ăn 55 ngàn đồng). Trong khi đó, các loại tiền có mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng… đều tương đối ổn định so với thời điểm này của năm 2013, chỉ chiếm tỷ lệ 12-15% (tức 100 ngàn đồng ăn 75 đến 90 ngàn đồng).

Lượng tiền lẻ tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán, chỉ một phần rất nhỏ là được sử dụng đúng chức năng, còn lại phần lớn, đặc biệt là “đầu ra” từ những bàn đổi tiền kiểu này là dùng để rải tại các đền chùa mùa lễ hội. Với 1.200 bao tiền lẻ, có giá trị lên tới hơn 20 tỷ đồng thu được sau mỗi mùa lễ hội, chùa Hương là một trong những điểm “tập kết” tiền lẻ một cách lãng phí. Hình ảnh tiền rải trắng ở đền Giải Oan (Chùa Hương), hay tại các bể, giếng nước ở Đền Hùng: tiền nhét khắp nơi, cả dưới nước, hủy hoại không những hình ảnh đồng tiền mà còn làm hỏng cả chất lượng đồng tiền.

“Thậm chí, vì tiền lẻ không có giá trị lớn, nên nhiều người khi hóa vàng còn “hóa” lẫn cả tiền thật vào để mong gửi được đến tận tay của Thánh, Phật. Điều này rõ ràng là vi phạm pháp luật. Thế nên cần phải dẹp bỏ. Tại sao một việc khó như cấm đốt pháo chúng ta còn làm được, mà việc dùng tiền lẻ rải ở đền chùa lại không làm được? Theo tôi, cùng với việc các cơ quan chức năng vào cuộc, quan trọng nhất vẫn là từ ý thức của người dân. Nếu muốn thể hiện lòng thành thì nên công đức nhà chùa bằng 1-2 tờ tiền mệnh giá lớn, chứ không nên đặt tràn lan tại các ban, và tiếp tay cho các hành động “buôn tiền”, như Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú kiến nghị.

Từ phía NHNN, nhằm hạn chế những tiêu cực xảy ra đối với hình thức kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch, góp phần khuyến khích người dân tham gia lễ hội gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống dân gian, bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam và tiết kiệm chi phí cho xã hội, mới đây, Thống đốc NHNN đã có văn bản đề nghị Bộ Công thương và Bộ Công an phối hợp kiểm tra, xử lý các cá nhân, tổ chức kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch.

Cụ thể, NHNN khẳng định chủ trương và cũng là mong muốn tuyên truyền vận động người dân giảm bớt tình trạng sử dụng tiền nhỏ lẻ không đúng mục đích. NHNN đề nghị Bộ Công thương và Bộ Công an quan tâm chỉ đạo các cơ quan của đơn vị mình ở địa phương phối hợp cùng NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, cơ quan quản lý thị trường và chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố, quận, huyện tăng cường kiểm tra, xử lý các cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch tại các điểm di tích, đền, chùa, lễ hội. Được biết, sau khi nhận văn bản, Cục quản lý thị trường đã tích cực có văn bản gửi các chi cục địa phương, phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn, xem xét kiểm tra, thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao để xử lý.

Theo Lệ Thúy - Huyền Thanh

hangnt

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên