Điều chỉnh tỷ giá có gây bất ổn vĩ mô?
Việc neo tỷ giá để đạt được sự ổn định tạm thời về tỷ giá, về lòng tin, không phải là giải pháp cơ bản và bền vững cho chính sách tỷ giá.
Phá giá chỉ gây ra hoặc làm tăng áp lực lạm phát khi đi kèm với phá giá là một chính sách tiền tệ nới lỏng quá mức bình thường. Nếu song hành với phá giá mà NHNN thu hút lượng VND thặng dư phát sinh do phá giá về kho quỹ của mình thì áp lực lạm phát không hề tăng lên so với trước khi phá giá.
Tương ứng với việc mua USD này của NHNN là một lượng VND được tung ra lưu thông, giả sử là tương đương với 10 đơn vị nữa, qua hệ thống ngân hàng thương mại, làm tăng cung tiền lên thêm 110 đơn vị, tức là vượt hạn mức 100 đơn vị (đã sử dụng hết), và do đó tăng áp lực lạm phát, có thể đẩy lạm phát vượt trên mức mục tiêu 5% cho cả năm 2014.
Ví dụ, kế hoạch tăng cung tiền của NHNN trong năm 2014, trước khi phá giá, là 100 đơn vị (để tương ứng với mục tiêu lạm phá là 5%/năm, tăng trưởng tín dụng là 10%), và giả sử NHNN đã sử dụng hết hạn mức cung tiền này vào quý I, nhận thấy VND đã bị lên giá thực so với USD ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu, NHNN quyết định phá giá VND thêm 1 điểm phần trăm.
Để phá giá VND 1 điểm phần trăm, NHNN cần phải và sẵn sàng mua USD từ hệ thống ngân hàng với tỷ giá 21.246 VND/USD, tăng 1% từ mức trước đây là 21.036 đồng, cho đến lúc các ngân hàng thương mại không còn nhu cầu bán USD cho NHNN tại mức giá này nữa.
Với sự kiên quyết khống chế lạm phát ở mức bằng hoặc thấp hơn 5%, NHNN phải và sẽ tung tín phiếu ngân hàng hoặc dùng công cụ dự trữ bắt buộc để hút 10 đơn vị VND thặng dư do phá giá về kho quỹ của NHNN. Nếu muốn làm và làm được như thế thì hoàn toàn có thể khẳng định rằng phá giá không nhất thiết gây ra lạm phát, và phá giá không nhất thiết phải đi kèm với chính sách tiền tệ nới lỏng (là nguồn gốc của lạm phát và bất ổn vĩ mô).
Sẽ có người phản biện rằng phá giá mà phải thắt chặt chính sách tiền tệ thì sẽ gây ra tác dụng ngược là làm giảm tăng trưởng, chính là mục đích để phá giá (thông qua hỗ trợ xuất khẩu). Nhưng lưu ý từ ví dụ trên, chính sách tiền tệ thực ra vẫn được nới lỏng thêm 100 đơn vị như kế hoạch ban đầu của NHNN, chứ không bị thắt chặt lại chỉ còn, ví dụ, 50 đơn vị cho cả năm 2014, sau khi phá giá. Nói cách khác, nền kinh tế vẫn có đủ tín dụng, đủ thanh khoản để vận động và tăng trưởng như kế hoạch (giả sử kế hoạch này là đúng đắn theo tính toán của NHNN).
Tất nhiên, khi phá giá ở quy mô lớn thì cũng có thể gây ra một sự hoảng loạn nào đó trong dân chúng và giới đầu tư. Nhưng không có lý do gì để NHNN phải phá giá ở mức lớn đến độ gây ra hoảng loạn như vậy.
Chính vì quan niệm phá giá sẽ làm tăng lạm phát, tăng kỳ vọng lạm phát, gây bất ổn vĩ mô đã làm cho NHNN cố gắng neo tỷ giá ở mức “ổn định” nhất có thể, với niềm tin rằng làm thế sẽ làm tăng lòng tin của dân chúng và nhà đầu tư vào VND (trong khi cung tiền tiếp tục được mở rộng để kích thích tăng trưởng gây ra áp lực lạm phát lớn). Nhưng nếu tỷ giá bị neo quá lâu thì sẽ dẫn đến nguy cơ phải thực hiện một đợt điều chỉnh tỷ giá mạnh. Như thế có nghĩa là việc neo tỷ giá để đạt được sự ổn định tạm thời về tỷ giá, về lòng tin, không phải là giải pháp cơ bản và bền vững cho chính sách tỷ giá.
Thay vào đó, cái cần có là một chính sách quản lý tỷ giá linh hoạt sao cho tỷ giá luôn phản ánh sát thực nhất có thể quan hệ cung cầu USD và chênh lệch lạm phát giữa Mỹ và Việt Nam. Khi đã thiết lập được một sự linh hoạt như vậy rồi thì phá giá nếu có chỉ là những bước điều chỉnh nhỏ, không gây xáo trộn lớn trong xã hội (vì xã hội nhận thức rõ và thông cảm được tại sao NHNN phải “điều chỉnh” tỷ giá như vậy), và càng không có lý do gì để e ngại rằng phá giá sẽ làm bất ổn vĩ mô và mất lòng tin vào VND cả!
Cũng liên quan đến việc điều chỉnh tỷ giá, ở một góc độ khác, có ý kiến lo ngại rằng phá giá (mạnh) để cải thiện sức cạnh tranh thì sẽ kích thích các nước khác phá giá theo để duy trì tính cạnh tranh của họ, hoặc sẽ khiến cho những nước khác càng có bằng chứng nói rằng chúng ta “trợ giá” cho nhiều loại đầu vào của nền kinh tế.
Trên thực tế, nếu VND đã lên giá thực (ở mức lớn) so với USD thì Việt Nam hoàn toàn có quyền và có cơ sở hợp lý và chính đáng để tiến hành phá giá (kể cả phá giá mạnh) mà không phải e ngại bất kỳ nước nào dị nghị cả. Và nếu các nước khác bắt trước phá giá theo thì âu cũng là việc bình thường, giống như việc 2 đối thủ tìm mọi cách hạ giá thành để tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. Thêm nữa, trên thực tế, không nước nào điều hành kinh tế theo kiểu bắt chước rập khuôn cả, chính sách phải bắt nguồn từ thực tế.
>>> Tỷ giá cần có lên, có xuống
Theo TS Phan Minh Ngọc