MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

DN chây ì nợ thuế, sướng hơn nợ ngân hàng

22-09-2013 - 06:44 AM | Tài chính - ngân hàng

Nợ ngân hàng thì kiểu gì cũng “chết”, nhưng nợ thuế có thể chây ì, không trả có lẽ cũng “chả ai làm gì được”. Vì thế, nhiều doanh nghiệp đang “trốn”, không chịu nộp hàng trăm tỷ tiền thuế.

Chây ì tiền thuế

Cục Thuế thành phố Hà Nội vừa công bố danh sách 77 DN đang chây ỳ, nợ đọng hơn 1.800 tỷ đồng tiền thuế. Trong đó, có DN nợ thuế lên tới hàng trăm tỷ đồng, cao gấp nhiều lần vốn.

Một điển hình nợ thuế ở mức cao và lặp lại nhiều lần là Công ty cổ phần Sông Đà - Thăng Long (mã STL) - một DN khá nổi tiếng trên TTCK nhưng đã bị buộc phải rời sàn từ hồi tháng 7/2013 do lỗ vượt quá vốn điều lệ thực góp.

Theo báo cáo, STL nợ thuế lên tới 283 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với vốn điều lệ 150 tỷ đồng. Khoản nợ thuế nói trên tăng vọt trong năm 2012, từ mức 40 tỷ đồng đầu kỳ lên 290 tỷ đồng vào cuối kỳ, trước khi giảm một chút xuống con số mà Cục Thuế Hà Nội nêu ở trên.

Soi vào các khoản thuế phải nộp nhà nước, có thể thấy, khoản thuế giá trị gia tăng là cao nhất (hơn 160 tỷ), tiếp đến là thuế khác (hơn 92 tỷ đồng) và thuế thu nhập DN (gần 30 tỷ). Các con số này, cùng với các số liệu trong báo cáo tài chính 2012 cho thấy DN này vẫn còn nguồn thu, nhưng dường như dòng tiền quá nhỏ để triển khai hàng loạt dự án dở dang của mình, để chi phí lãi cho các khoản nợ với tổng lên tới hơn 5.300 tỷ đồng (riêng ngắn hạn là hơn 2.750 tỷ đồng).

Tới cuối quý I/2013, vay nợ ngân hàng và tổ chức, cá nhân của STL vẫn ở mức cao là 1.563 tỷ đồng (gồm 653 tỷ đồng nợ ngắn hạn) và gần 1.500 tỷ đồng nợ dài hạn dưới dạng trái phiếu DN. Đặc biệt, chi phí phải trả lãi vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng của STL ở cuối quý I/2013 là gần 809 tỷ đồng. Các khoản phải trả, phải nộp ngắn hạn khác (như công đoàn, bảo hiểm...) là 243 tỷ đồng.

Các số liệu ở trên cho thấy, DN khó khăn ở mức độ xoay sở sống qua ngày. Tiền thu về chưa đủ để "nộp" cho ngân hàng do vậy việc chây ì đóng thuế, theo nhiều NĐT, có lẽ là khó tránh khỏi và cũng là vì khó khăn không nộp thuế có lẽ cũng "chả chết ai, chả ai làm gì được".

Bên cạnh STL, hàng loạt các DN khác cũng đang nợ thuế hàng chục cho tới cả trăm tỷ đồng như: Cầu 12-Cienco 1 (hơn 81 tỷ đồng); Viglacera Hà Nội (trên 70 tỷ đồng); Cavico cầu hầm (hơn 68 tỷ đồng); Sông Đà 9.06 (hơn 53 tỷ đồng); Điện tử Công nghiệp Việt Nam (hơn 52 tỷ đồng); Đầu tư phát triển đô thị và KCN (hơn 39 tỷ đồng); Cơ khí xây dựng Viglacera (39 tỷ đồng); Công nghiệp tàu thủy Cái Lân (38 tỷ đồng); Xây lắp và Vật liệu công nghiệp (34 tỷ đồng nợ thuế), Xây dựng Hà Nội - Bắc Kinh (34 tỷ); Vinaconex 21 (32,7 tỷ đồng); HUD (31 tỷ đồng); Thái Hòa (30 tỷ đồng)...

Trước đó, hồi đầu năm 2012, Tổng cục Thuế cũng đã công bố danh tính những "đại gia" BĐS nợ thuế. Ngay sau đó, các đại gia đã lập tức lên tiếng cho rằng, việc chậm nộp thuế là do trình tự thủ tục và các khoản nợ chủ yếu do chậm nộp tiền sử dụng đất.

Chẳng hạn, Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị Việt Nam (HUD) nợ gần 400 tỷ đồng, Gleximco nợ hơn 220 tỷ đồng, Công ty Phát triển Đô thị Quốc tế Việt Nam (Park City) nợ 152 tỷ đồng, Nam Cường nợ 69 tỷ đồng...

Gần đây, Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải đã kêu cứu lên Chính phủ về sự "khó khăn đặc biệt", "nguy cơ tạm ngừng hoạt động, hàng nghìn lao động mất việc làm" và xin thành công được gia hạn 1.200 tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu.

Khó trốn ngân hàng

Sự khó khăn của cộng đồng DN trong vài năm gần đây là có thật. Nhiều DN suy sụp vì các thị trường trầm lắng, sức tiêu thụ tụt giảm, lãi suất ngân hàng cao chót vót, đòn bẩy tài chính cao, đầu tư dàn trải, nóng vội...

Có hàng trăm lý do khiến việc chậm nộp thuế xảy ra, song gần đây, khó khăn ở nhiều đơn vị đã lộ rõ. STL đã lộ diện "chúa Chổm". Nhiều doanh nghiệp bị nghi ngờ khả năng trả nợ thuế như S96, V21, NVC, THV... trong khi Trường Hải cũng phải cầu cứu chính quyền.

Có thể thấy, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc chây ì nợ thuế dường như khá dễ dàng. Tuy nhiên, với ngân hàng, chuyện nợ nần có lẽ không đơn giản như vậy.

Gần đây, giới đầu tư chứng kiến rất nhiều vụ xử lý nợ của ngân hàng như trường hợp SHB nắm giữ 50% Bianfishco của đại gia Diệu Hiền; Maritime Bank mua dự án Điện Biên và 51% dự án cà phê tại Lào của Thái Hòa (THV); nghi án 11% cổ phần EVE với TienPhong Bank; vụ 7 ngân hàng bao vây xiết nợ DN cà phê 600 tỷ đồng ở Bình Dương; vụ bao vây hút cồn của nhà máy để bán xử lý nợ quá hạn ở Quảng Nam; vụ chặn xe, mắc võng bao vây DN ở Thường Tín, Hà Nội...

Hiện tượng các ngân hàng dùng nhiều chiêu đòi nợ như: tự ý lấy tài sản đảm bảo, gửi thư, nhắn tin đe dọa, chặn các nguồn tiền, chặn hàng hóa... xảy ra khá nhiều trong vài năm gần đây.

Theo nhiều chuyên gia, 2012 là một năm sóng gió với ngành ngân hàng. Tình trạng nợ xấu, mất thanh khoản, đổi CEO, thay tướng, bắt bớ, kiện tụng... diễn ra liên tục. Quá trình tái cấu trúc vẫn chưa có kết quả rõ rệt và do vậy, năm nay sóng gió sẽ vẫn đến với ngành này. Điều đó có thể đồng nghĩa với việc các ngân hàng sẽ tiếp tục "mạnh tay" với các DN - con nợ.

Có vay có trả. Đây là quy luật với bất cứ chủ nợ, con nợ nào. Tuy nhiên, với nhà nước - một chủ nợ khá chung chung, là ngân sách, là toàn dân, DN dường như dễ chây ì hơn, dễ kêu khó hơn. Nhiều DN thậm chí không khó khăn quá nhưng cũng viện "tình hình chung" để chậm thuế, trốn thuế hưởng lợi.

Còn với ngân hàng, ở Việt Nam, các tổ chức này nhiều khi là khắc tinh với "thượng đế". DN không dễ vay ngân hàng, muốn vay được nhiều khi phải "quan hệ", phải quen biết, phải có "tài sản đảm bảo", và phải chấp nhận lãi suất cao, lãi suất thả nổi. Còn nếu khó khăn, tất nhiên, DN sẽ nhanh chóng bị xử lý, bị phát mại, bị mua lại tài sản với giá rất rẻ bởi theo lý thuyết, ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế, không thể bất ổn.

Ở chiều ngược lại, nhiều chuyên gia và nhà đầu tư cho rằng, tình trạng nợ nần ngập đầu của DN, nợ xấu "ăn hết vốn" của ngân hàng là hậu quả của chính các chủ thể này. DN và ngân hàng đã tự dễ dãi với chính mình và phải chịu trách nhiệm về những hậu quả mình gây ra.

Theo Huấn Tú

hangnt

VEF

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên