Đổ xô đi bán nợ xấu
SHB có đề xuất nhiều hồ sơ nhưng chưa đủ điều kiện đáp ứng; còn với Navibank cũng đã làm việc để tiến hành mua bán khoản nợ 200 tỷ.
Chưa đầy một tuần sau khi hoàn thiện các quy định, VAMC đã mua khoản nợ xấu đầu tiên từ ngân hàng (NH) thương mại. Trong khi đó, có rất nhiều NH khác đổ đến VAMC để chào bán nợ xấu.
Thương
vụ nợ xấu đầu tiên: Hơn 1700 tỷ
Chiều 1/10, Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức
tín dụng Việt Nam (VAMC) đã ký hợp đồng mua nợ xấu đầu tiên với Agribank. Trong
đợt này, 11 khoản nợ của khách hàng DN đủ điều kiện với tổng dư nợ gốc dự kiến
bán 2.534 tỷ đồng, tổng giá bán dự kiến cho VAMC 1.723 tỷ đồng.
Đổi lại, VAMC sẽ thanh toán cho Agribank bằng trái
phiếu đặc biệt do VAMC phát hành, Agribank được sử dụng để vay tái cấp vốn tại
Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Với việc bán các khoản nợ xấu cho VAMC đợt này, NH
giảm được 7,56% tổng nợ xấu.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Tổng giám đốc VAMC cho biết,
hiện chúng tôi đã có danh sách 10-15 NH đăng ký bán nợ xấu cho VAMC, trong đó
có 7 đơn vị đã gửi hồ sơ bao gồm cả những tổ chức tín dụng lớn của nhà nước.
Ngay trong tuần này, VAMC sẽ tiếp tục ký mua nợ với SCB, SHB, PG bank.
Đại diện VAMC cũng cho biết, ngay sau các hội nghị
giới thiệu về VAMC ở Hà Nội và Sài Gòn đã có nhiều NH chủ động đặt vấn đề bán nợ
xấu. Hiện có rất nhiều hồ sơ gửi đến và còn rất nhiều lời mời đàm phán mua bán
nợ. Một điều đáng mừng là trong các tổ chức tín dụng bán nợ cho VAMC có 4 tổ chức
có nợ xấu ưới 3% đăng ký bán nợ.
Từ nay đến 31/10 sẽ xử lý khoảng 10 ngàn tỷ. VAMC sẽ
ký tiếp với Agribank đợt 2-3, các ngân hàng SHB, PG và SCB…
Ông Hùng cho biết, mục tiêu từ nay đến cuối năm,
VAMC sẽ xây dựng phương án phát hành trái phiếu từ 30-35 ngàn tỷ đồng để trình
NHNN
Theo ông Hùng, chính sách xử lý nợ xấu đã nhanh
chóng đi vào thực tế. Ngay sau khi có các quy định về mua bán nợ xấu, rất nhiều
tổ chức tín dụng đã tự cơ cấu lại nợ, danh mục đầu tư để thực hiện bán những
khoản nợ đủ điều kiện cho VAMC.
Ngân hàng chào bán nhiều, VAMC cũng có nhu cầu mua
nhưng đạt được thỏa thuận mua bán một khoản nợ là điều không dễ dàng. Điều khó
nhất là phải giải thích để tổ chức tín dụng và VAMC hiểu nhau.
Thứ hai là hồ sơ đảm bảo đáp ứng được điều kiện quy
định ví như việc phân loại nợ đã trích dự phòng rủi ro là bao nhiêu để xác định
giá trị khoản nợ.
Cụ thể, trong trường hợp của Agribank, trong tổng số
2.500 tỷ thì NH đã trích 800 tỷ đồng còn lại là bán nợ cho VAMC hơn 1700 tỷ.
Trong khoảng 1 tuần, VAMC đã rà soát phân loại trong mấy chục hồ sơ để tìm ra
11 DN khách hàng đủ điều kiện mua bán nợ. VAMC sẽ ký hợp đồng chi tiết từng khoản
nợ, phát hành trái phiếu ghi sổ của Agribank.
Trong khi đó, SHB có đề xuất nhiều hồ sơ nhưng chưa
đủ điều kiện đáp ứng; còn với Navibank cũng đã làm việc để tiến hành mua bán
khoản nợ 200 tỷ.
“Những khoản nợ xấu mà NH đề nghị bán đều được VAMC
xem xét. Khoản nợ đủ điều kiện sẽ được xem xét trước; NH nợ xấu trên 3% sẽ được
xem xét trước. Các tổ chức tín dụng muốn bán nợ cho VAMC phải có bảng kê tổng
thể, giá trị khoản nợ, tài sản dự phòng trích lập rủi ro… Từ đó, lãnh đạo VAMC
sẽ xem xét và triển khai cụ thể”, ông Hùng nhấn mạnh.
Tháo
“vòng kim cô” nợ xấu
“Không phải mua nợ để đấy hay bán tài sản đảm bảo mà
sau khi mua sẽ thực hiện phân loại nợ, cơ cấu lại nợ và hỗ trợ DN ổn định phát
triển. Khi bán nợ cho VAMC, DN sẽ được vay vốn. Tin chắc rằng thời gian tới các
DN sẽ phát triển ổn định NH thoát được nợ xấu cũng trở nên lành mạnh hơn”, ông
Hùng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đức Hưởng – Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng
Liên Việt cho rằng, đây như việc phá “vòng kim cô” cho cả DN và NH.
Trước đây, DN chỉ cần dính một khoản nợ xấu thì tất
cả các khoản nợ còn lại cũng đều bị xếp loại xấu và không thể vay vốn được. NH
thấy DN có nợ xấu cùng không dám cho vay. Nay khoản nợ xấu được xử lý coi như
phá được “vòng kim cô” không chỉ mang lại lợi ích cho DN , NH mà cả nền kinh tế.
Đây là một mũi tên trúng 3 đích. DN được vay vốn, NH
lành mạnh hơn và kích hoạt được tín dụng, nền kinh tế được kích cầu khi dòng vốn
được kích hoạt”.
Cụ thể hơn, ông Hưởng phân tích, sau khi bán nợ NH có
cơ hội cơ cấu lại chính mình để đảm bảo hoạt động an toàn. NH có thể sử dụng
trái phiếu đặc biệt vay vốn NHNN tối đa 70% để đảm bảo nguồn vốn cho vay tới
DN.
Khi nợ xấu giảm, trong điều kiện trích dự phòng rủi
ro tối thiểu chỉ 20%/năm sẽ giúp họ đạt chuẩn nợ xấu theo quy định, nâng được
uy tín trong và ngoài nước.
Còn DN sau khi bán nợ cũng được lợi là tái cơ cấu,
có khả năng trả nợ, được xem xét miễn giảm lãi. Tài sản đảm bảo của khách hàng
không phải bán rẻ nên họ và ngân hàng đều được lợi.
Đặc biệt, trong khi BĐS trầm lắng hiện nay thì bán rẻ
thì phí nên thông qua xử lý nợ, NH và DN đều giữ được tài sản, vẫn có vốn để hoạt
động. Sau khi bán nợ các DN cũng được xem xét vay các khoản mới.
Thông qua hoạt động này, tảng băng nợ xấu sẽ dần được
gỡ. Trong chuỗi xử lý nợ xấu này, VAMC đóng vai trò đầu mối hỗ trợ các tổ chức
tín dụng và DN ngồi với nhau để tháo gỡ khó khăn. Qua đó cơ cấu để DN có thể ổn
định từng bước để phát triển.
Nói như ông Hưởng, một khoản nợ xấu thực chất là một
khối vốn ‘chết’ đe dọa cả DN và NH, nay thông qua VAMC NH lại có vốn để cho vay
mới, DN cũng thoát khỏi nợ xấu mà không phải bán rẻ tài sản.
Sau 5 năm, DN làm ăn tốt có thể trả nợ, NH trích lập
đủ dự phòng thì cả hai được lợi. Khi đó, nếu kinh tế tốt, DN lại bán được tài sản
với khoản hời lớn, còn NH lại hoàn nhập trích lập có được lợi nhuận đột biến. Cả
hai đều có lợi.
Theo Ngọc Sơn