MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Dụng” đã ổn, “tín” thì chưa: Đằng sau những “hầu bao” mua sắm

17-08-2013 - 19:28 PM | Tài chính - ngân hàng

Xài trước trả sau là cách thức tiêu dùng của xã hội đương đại. Thế nhưng, khi nhu cầu cá nhân vượt quá khả năng thu nhập, con người sẽ rơi vào vòng xoáy của nợ nần.

Bởi thế, thẻ tín dụng (TTD) đang tạo ra một “ảo giác thanh khoản” khiến người sử dụng cảm thấy thỏa mãn, đầy đủ, quên đi những khế ước vay tiền phải trả trong tương lai. Và như thế, nợ xấu trong tiêu dùng TTD lại bắt đầu manh nha một “tai biến” mới trong kinh doanh.

Sướng nhưng... méo mặt!

TTD kích thích người tiêu dùng vì cách sử dụng chi trước trả sau. Người sử dụng cảm thấy họ đang có trong tay phương tiện tạo ra tiền. Do đó, họ có ít khả năng nhớ chi tiết về những thứ cần mua và dễ dàng sắm thêm một vài sản phẩm không cần thiết. Khi mua sắm, ăn uống, du lịch, khách hàng (KH) bao giờ cũng cảm thấy tự tin, an toàn thay vì móc ví trả tiền một cách đắn đo và do dự. Chính vì vậy, nếu “vô tư” chi tiêu, số dư nợ TTD có thể lên hàng trăm triệu đồng. Tất nhiên, lãi vay sẽ tăng lên cộng vào với tiền gốc phải trả hằng tháng. “Gánh nặng” nợ nần sẽ đeo bám chủ thẻ với quán tính chi tiêu qua thẻ, buộc người sử dụng phải có thu nhập ổn định để thanh toán theo định kỳ. Người dùng thẻ nếu không tỉnh táo, khoa học thì sẽ vướng “bẫy” tiêu dùng êm ái đang chờ đợi phía sau của “thiên đường mua sắm” này.

Thói quen rút tiền mặt từ TTD đã tạo nên chi phí tốn kém không đáng có. Tỷ lệ phí phải trả 2% (có nhiều NH áp dụng 4-5%) trên tổng số tiền được rút ra từ máy ATM nhằm hạn chế sử dụng tiền mặt trong thanh toán. Trường hợp rút tiền ở nước ngoài, chủ thẻ còn trả thêm khoảng 3,5% phí chuyển đổi ngoại tệ, chưa kể những khoản phụ phí nếu rút từ ATM ngoài hệ thống.

Nhiều chủ thẻ “xù nợ”

Phí thường niên cho TTD từ 100 - 300 ngàn đồng đối với NH nội nhưng có thể lên đến 1,2 triệu đồng (thẻ bạch kim) đối với các NH nước ngoài. Nếu nộp phí trễ, có nhà băng phạt tối thiểu đến 200.000 đồng. Việc chi tiêu qua thẻ, KH không phải trả lãi suất trong 45 ngày. Tuy nhiên, sau thời điểm này, nếu không kiểm soát, chủ thẻ sẽ rơi vào nợ với lãi suất cao hơn nhiều so với mặt bằng lãi suất thị trường khoảng 2,6%/tháng (tương đương 31,2%/năm). Nếu chậm thanh toán, tỷ lệ phạt 3-5% số nợ tối thiểu phải trả.

Trong điều kiện nền kinh tế còn sử dụng nhiều tiền mặt như hiện nay, TTD tại Việt Nam thường dùng để rút tiền mặt nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách, đa dạng của chủ thẻ. Một số NH đã từng lên tiếng cảnh báo về “nạn” sử dụng tiền mặt qua TTD. Số tiền này thường được sử dụng cho mục đích “đảo nợ” các khoản tín dụng trong hoặc ngoài luồng (tín dụng đen) đã quá hạn với lãi suất “cắt cổ”. 

TS Cao Sỹ Kiêm (thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ Quốc gia) cho biết, trong lúc điều kiện vay vốn đang siết chặt, KH bế tắc, buộc họ phải đi vòng qua kênh TTD để xoay tiền mặt nhằm thanh toán các khoản nợ khác, bất chấp các khoản phí rút tiền mặt lên đến 2 - 4%/số tiền mặt rút từ máy ATM cộng với lãi suất đắt đỏ của TTD. Điều này có nghĩa, dư nợ TTD ẩn chứa nhiều rủi ro khi KH “nhắm mắt” vay bằng mọi giá. Một khi nợ xấu xuất hiện, NH khó thu hồi vì không có tài sản đảm bảo, thậm chí tìm không ra địa chỉ KH để xử lý.

Với bản photo CMND, hợp đồng lao động, sổ hộ khẩu, sao kê bảng lương 3 tháng gần nhất, KH có thể được cấp TTD sau khoảng 1 tuần. Hạn mức của TTD đôi khi gấp 10 lần thu nhập hằng tháng, thậm chí tới 500 triệu đồng, riêng hạn mức thẻ plamium lên đến tiền tỷ với các ưu đãi bậc nhất trong các chính sách tiêu dùng. Chính vì điều kiện tín dụng dễ dãi, đặc biệt không cần tài sản đảm bảo, TTD đã được “tung” ra ào ạt, tranh giành lãnh địa, cho vay trùng lắp, nhiều KH sở hữu 3 đến 5 TTD. Đây là “lỗ hổng” trong kiểm soát tín dụng, tạo điều kiện cho nợ xấu gia tăng, thất thoát qua kênh cho vay tiêu dùng bằng thẻ. Cuối cùng các khoản vay qua TTD vỡ ra, đến khi NH tìm gặp để đòi nợ thì chủ thẻ đã “cao chạy xa bay”.

Nguy cơ gia tăng nợ xấu TTD

Nguy cơ nợ xấu từ TTD đang hiện hữu. Trong tín dụng NH, khi mở rộng quá mức, người cho vay lơi lỏng trong kiểm soát, bỏ qua những tiêu chuẩn tối thiểu, nợ xấu sẽ bùng phát và khó dập tắt. Nợ xấu từ TTD trên cả nước tăng từ 1.000 tỷ đồng (2011) lên 2.000 tỷ đồng (2012). Tốc độ tăng 100% như một lời cảnh báo nghiêm túc nhất về sự dễ dãi của các nhà băng trong tín dụng tiêu dùng qua phương thức phát hành TTD. 

Không công bố nhưng một số NHTM đã bắt đầu âm thầm “siết van” đối tượng này. Điều kiện vay không còn dễ dàng như trước, các NH lui về ngưỡng an toàn để phòng ngừa rủi ro khi nền kinh tế chưa thoát khỏi khó khăn, thu nhập của KH ngày càng bị giảm sút. Cuối tháng 7, Sacombank gửi thông báo đến KH điều chỉnh các điều kiện phát hành, sử dụng TTD. Techcombank cũng khống chế lượng tiền mặt rút ra từ TTD không quá 50% hạn mức. Một số NHTM quốc doanh bắt đầu dè dặt, chỉ mở thẻ khi KH có tài sản thế chấp hoặc có thanh toán lương qua NH phát hành thẻ.

Để đối phó với tình trạng chủ thẻ “xù nợ”, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, NH có 2 cách để hạn chế rủi ro. Thứ nhất, hạn mức tín dụng trên TTD phải được cấp vừa phải, phù hợp với thu nhập. Thứ hai, NH phải khảo sát, điều tra, nghiên cứu kỹ khả năng thanh toán của KH. Mỗi KH cần có một thang điểm để căn cứ vào đó cấp hạn mức TTD, thậm chí phải cập nhật thường xuyên dữ liệu từ Trung tâm Thông tin Tín dụng từ NHNN.

TTD phát triển là tín hiệu tích cực của nền kinh tế. Tuy nhiên, để thị trường nay phát triển lành mạnh, kích cầu tiêu dùng, các NHTM cần phải có một cơ chế kiểm soát cẩn trọng. Câu chuyện “mất bò mới lo làm chuồng” một lần nữa được nhắc đến như một lời cảnh báo về khối nợ xấu của TTD trong tương lai.


Theo Văn Khoa

hangnt

Công an Đà Nẵng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên