MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng quên vàng nữ trang

11-06-2013 - 07:03 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước chỉ nên giám sát và kiểm soát số vàng xuất nhập sao cho đúng mục tiêu, phù hợp với chức năng và quy định của pháp luật

Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng quy định: Ngân hàng (NH) Nhà nước độc quyền xuất nhập khẩu vàng. Thế nhưng, do cơ quan này chủ yếu có chức năng quản lý, giám sát thị trường nên về lâu dài không thể cứ tự xuất nhập khẩu vàng mà cần tính tới một giải pháp hợp lý hơn.

Nên ủy thác xuất nhập vàng

Thực tế, NH Nhà nước đã và sẽ chi hơn tỉ USD để nhập khẩu 25,3 tấn vàng bù lại cho số vàng dự trữ đã bán ra thời gian gần đây. Với giá bán luôn cao hơn giá vàng thế giới từ 3-5 triệu đồng/lượng, NH Nhà nước có thể thu về cho ngân sách hàng ngàn tỉ đồng.

Kể từ ngày NH Nhà nước bắt đầu mua lại vàng qua tài khoản nước ngoài, thị trường ngoại tệ biến động không đáng kể, chứng tỏ cơ quan này đã chủ động được nguồn cung USD. Đây chính là điểm khác biệt so với tình hình những năm trước đây. Lúc đó, Nhà nước cấp quota nhập khẩu vàng cho từng doanh nghiệp (DN). Lập tức, DN phải thu mua USD bằng mọi giá để nhập khẩu vàng làm rối loạn thị trường ngoại tệ, khiến giá vàng trong nước tăng nóng, kích thích đối tượng nhập lậu vàng thu gom ngoại tệ, tiếp tục đẩy tỉ giá hối đoái đi lên. Mặt khác, sau khi DN nhập khẩu vàng về, NH Nhà nước không biết được số vàng đó đã đi về đâu...

Hiện nay, NH Nhà nước là đơn vị duy nhất sản xuất, cung ứng vàng miếng, sau đó có thể thanh tra, kiểm tra nên cơ quan này sẽ biết được mục đích mua vàng của các NH và DN. Từ đó, NH Nhà nước sẽ tính toán được nhu cầu của thị trường vàng, thu xếp nguồn ngoại tệ để nhập khẩu vàng ở mức hợp lý, không làm ảnh hưởng đến tỉ giá hối đoái...

Tuy vậy, NH Nhà nước không nên duy trì mãi chức năng kinh doanh vì theo thông lệ quốc tế, ít có NH trung ương nào đứng ra xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất, kinh doanh vàng miếng thu lợi nhuận. Do đó, việc xuất nhập khẩu vàng nên chọn lọc ủy thác cho một số DN thực hiện. NH Nhà nước chỉ nên giám sát và kiểm soát số vàng xuất nhập sao cho đúng mục tiêu, phù hợp với những quy định của Nghị định 24.

Khơi thông sản xuất nữ trang

Một vấn đề nữa là hiện nay, do thị trường tập trung vào việc cung ứng vàng miếng nên NH Nhà nước gần như "bỏ quên" nguồn cung cho vàng nữ trang.

Những năm qua, các DN sản xuất vàng nữ trang thường cần hơn 10 tấn vàng nguyên liệu/năm (riêng Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã có nhu cầu hơn 3 tấn vàng nguyên liệu/năm). Vì thế, NH Nhà nước nên ủy thác nhập khẩu vàng nguyên liệu dành cho sản xuất nữ trang theo hướng DN phải chứng minh năng lực sản xuất và nhu cầu vàng nguyên liệu theo từng quý, năm hoặc đã ký hợp đồng xuất khẩu có hậu kiểm được Bộ Công Thương xác nhận. Như thế, các DN mới chủ động được nguyên liệu đầu vào, hoạch định được phương án sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm…

Ngoài ra, Việt Nam hiện vẫn còn thả nổi chất lượng các sản phẩm về vàng, nhất là vàng nữ trang. Do đó, nhà nước cần sớm ban hành Bộ Tiêu chuẩn chất lượng vàng Việt Nam; thành lập Trung tâm Kiểm định Vàng quốc gia để cấp chứng nhận chất lượng sản phẩm, hạn chế tình trạng gian lận về tuổi vàng, giảm thiểu thiệt hại cho người tiêu dùng...

Liên quan đến việc chế tác vàng nữ trang, với những quy định chặt chẽ về vốn và quy mô sản xuất, NH Nhà nước sẽ dần dần xóa bỏ được tình trạng sản xuất nữ trang manh mún, tạo tiền đề cho việc tập trung sản xuất, chế tác vàng nữ trang vào các DN có đủ năng lực cạnh tranh với sản phẩm của các quốc gia trong khu vực và thế giới. NH Nhà nước cần khuyến khích việc tập hợp các cơ sở sản xuất vàng nữ trang, phát triển thành những DN có tầm cỡ và hoạt động theo mô hình của các công ty vàng bạc đá quý như PNJ, DOJI, SJC, SBJ… Từ đó có thể thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để đầu tư trang thiết bị và công nghệ sản xuất hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường, cho ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, quy cách quốc tế nhằm mở rộng việc xuất khẩu vàng nữ trang.

Mặt khác, kênh phân phối vàng nữ trang cũng cần phát triển theo hướng hiện đại hóa các hình thức giao dịch, mua bán. Đơn cử như Công ty PNJ là đơn vị tiên phong mở rộng mạng lưới phân phối lên đến 200 điểm giao dịch trên phạm vi toàn quốc, với nhiều sản phẩm, nhãn hàng đa dạng, bảo đảm chất lượng và hàm lượng vàng của sản phẩm, thực hiện tốt chế độ hậu mãi…Từ đó, các công ty như SJC, DOJI, SBJ… cũng phát triển sản xuất và kinh doanh nữ trang theo mô hình tương tự.

Có thể thành lập Sở Giao dịch vàng

Một yếu tố không kém phần quan trọng đối với thị trường vàng là nhà nước cần xây dựng đề án thành lập Sở Giao dịch vàng, dưới sự quản lý của NH Nhà nước.

Theo đó, NH Nhà nước có thể chọn lọc khoảng 10 DN làm thành viên nòng cốt. Các DN này sẽ giao dịch với nhau theo nhu cầu của thị trường, rồi tiến hành chốt giá có sự giám sát của cơ quan quản lý. Như thế, việc giao dịch và cung ứng vàng vật chất tại sàn giao dịch này vẫn nằm trong vòng kiểm soát của NH Nhà nước.


Theo Huỳnh Trung Khánh 
Cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam

hangnt

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên