Đừng vì vài hiện tượng mà thay đổi chính sách
Nhiều chính sách của ngành Ngân hàng vào cuộc sống đã tháo gỡ, tạo sức bật cho DN, đồng thời tạo điều kiện tổ chức tín dụng đưa vốn ra nền kinh tế.
Theo số liệu mới nhất của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), đến ngày 31/8, tín dụng nền kinh tế tăng 10,23% so với cuối năm 2014. Đây là con số tăng trưởng khá ấn tượng, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Vậy đâu là nguyên nhân thúc đẩy tăng trưởng tín dụng (TTTD) tốt như vậy? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Nguyễn Tiến Đông xung quanh vấn đề này.
Ông có thể cho biết, đâu là lực đẩy TTTD trong 8 tháng đầu năm?
Yếu tố đầu tiên phải nhắc đến đó là nền kinh tế trong nước bắt đầu phục hồi. Theo công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm khả quan. Kinh tế tăng trưởng cao kéo theo nhu cầu tín dụng tăng lên. Đặc biệt, trong quá trình điều hành tín dụng, Thống đốc NHNN đã có chính sách nắn chỉnh dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời triển khai thêm nhiều chương trình tín dụng để tháo gỡ khó khăn cho các DN...
Cụ thể, chương trình kết nối NH - DN tổ chức tại nhiều tỉnh, thành phố đã góp phần đưa vốn ra hỗ trợ DN phục hồi sản xuất; tín dụng nông nghiệp nông thôn được đẩy mạnh với sự ra đời của Nghị định 55 sửa đổi bổ sung một số quy định quan trọng tại Nghị định 41 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn; Nghị định 67 cho vay phát triển thủy sản; tín dụng cho nhà ở...
Tất cả các chương trình trên đi vào cuộc sống đã tháo gỡ, tạo sức bật cho DN, đồng thời tạo điều kiện TCTD đưa vốn ra nền kinh tế. Kết quả là từ đầu năm đến nay, tín dụng tăng trưởng tương đối đều đặn, trung bình 1,1 - 1,2%/tháng, khác hoàn toàn so với những năm trước. Với diễn biến như hiện nay, tôi cho rằng, mục tiêu TTTD 16 - 17% trong năm nay sẽ đảm bảo đạt được.
Có một điều khác trong TTTD năm nay là những năm trước đây, TTTD ngoại tệ thường cao hơn nội tệ. Nhưng 8 tháng đầu năm nay, tín dụng nội tệ tăng 10,1% trong khi tín dụng ngoại tệ chỉ tăng hơn 8% so với cuối năm 2014. Cơ cấu tín dụng ngoại tệ thấp, chỉ 400 nghìn tỷ đồng/tổng tín dụng 3 triệu tỷ đồng, nhưng đây là tín hiệu tích cực. Nguyên do, trước đây chênh lệch lãi suất giữa VND và USD cao, các DN xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ nghiêng về vay USD.
Hiện nay, chênh lệch giữa lãi suất cho vay nội tệ và ngoại tệ không lớn như trước thì DN vay ngoại tệ ít hơn, vừa tránh rủi ro tỷ giá, kiểm soát chi phí đầu vào, hoạt động kinh doanh không bị xáo trộn khi tỷ giá biến động. Các DN tính toán lợi ích ổn định hơn thì người ta lựa chọn như vậy.
Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, nhất là những tháng cuối năm tín dụng thường tăng mạnh hơn, làm thế nào vẫn đảm bảo ổn định vĩ mô, thưa ông?
Việc đưa chỉ tiêu TTTD ở mức nào có liên quan đến lạm phát, lãi suất, cung cầu vốn. Từ đầu năm đến nay, tăng trưởng huy động vốn thấp hơn TTTD ở khoảng 8%. Như vậy, các NH muốn đẩy mạnh cho vay thì phải cân đối vốn giữa huy động và cho vay, vừa đáp ứng tỷ lệ an toàn vừa nắn dòng vốn đi đúng hướng vào nền kinh tế.
Hiện nay, tỷ lệ sử dụng vốn/huy động - LDR của toàn hệ thống ở mức hơn 80%. Có nghĩa là về cơ bản vốn huy động đã được đưa vào nền kinh tế phục vụ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tất nhiên, một nguồn vốn nhất định nào đó vẫn chảy vào kênh trái phiếu.
Trước đây có những thời điểm tỷ lệ LDR vượt 100%, để có đủ vốn cho vay các NH vay mượn trên thị trường 2 và những bất cập nảy sinh từ đây. Nhưng trong vài năm trở lại đây, cùng với bài học nhãn tiền, hiện các NH huy động vốn phải tính toán vừa đảm bảo dự trữ và an toàn thanh khoản rồi mới bắt đầu cho vay ra.
Hay nói cách khác, từng TCTD đang thực hiện tái cấu trúc tài sản bên nợ - có. Việc duy trì tỷ lệ này ở mức hơn 80% trong một thời gian tương đối dài chứng tỏ thanh khoản của các NH được đưa vào quỹ đạo.
Chương trình kết nối NH - DN đã góp phần đưa vốn ra hỗ trợ DN phục hồi sản xuất
Chỉ số giá tiêu dùng CPI 8 tháng đầu năm tăng ở mức khá thấp, nhiều ý kiến đề xuất cần gói kích thích kinh tế. Ông nghĩ sao?
Nhìn nhận chung, đúng là chỉ số CPI nếu thấp hơn nữa, hoặc như hiện tại thì không phù hợp với tăng trưởng kinh tế của một nước mới nổi như Việt Nam, đang vào ngưỡng phát triển cần phải có tỷ lệ lạm phát nhất định. Nhưng đối với NHNN, nhiệm vụ số một phải là ổn định lạm phát, giá trị đồng tiền, tạo niềm tin NĐT trong và ngoài nước.
Trong phạm vi nào đấy, để đưa một gói hỗ trợ, liều lượng ra sao… phải tính toán rất thận trọng, chứ không phải vì một vài hiện tượng cá biệt mà chúng ta thay đổi ngay chính sách đã bao nhiêu công sức gây dựng.
Không phủ nhận trong lúc này phải có động thái hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng tôi nghĩ rằng, không chỉ đến từ ngành NH mà rất cần hỗ trợ từ nguồn lực khác như chi tiêu của ngân sách... Tất nhiên trong giai đoạn hiện nay, ngân sách đang gặp khó với ràng buộc nợ công, hạn mức bội chi…
Đây là bài toán vĩ mô đòi hỏi người điều hành phải có nhìn nhận, cân đối bài toán tổng thể. Ngân sách có những lúc chấp nhận bội chi để tạo nguồn thu, tức thì để hỗ trợ các thành phần kinh tế phát triển mới có tiền nộp ngân sách, chứ không nên bó cứng mục tiêu nào. Hoặc Việt Nam đang có thị trường chứng khoán, trái phiếu, tín phiếu... đang phát triển và đều có thể huy động nguồn lực vốn từ các kênh này đưa vào đầu tư, phát triển kinh tế chứ không nhất thiết phải là tín dụng.
Thực tế, không nền kinh tế nước nào khi cần tăng trưởng kinh tế chỉ đòi hỏi các NH phải đưa tiền ra phục vụ mục tiêu này. Các nước trên thế giới, nhiệm vụ chính của NHTW là ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, còn huy động nguồn lực đầu tư chủ yếu đến từ các kênh khác, mạnh hơn nhiều như thị trường vốn... NH chỉ hỗ trợ bổ sung cho hoạt động của tất cả các thành phần kinh tế trong một giai đoạn nhất định. Dựa gần như hoàn toàn vào tín dụng như nền kinh tế Việt Nam, đến 80%, mà tăng hơn nữa sẽ khó kiểm soát.
Người đồng hành