MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GDP quý I bất ngờ tăng cao: Đừng vội quên những nỗi lo!

05-04-2015 - 21:17 PM | Tài chính - ngân hàng

Lạm phát và tăng trưởng kinh tế chỉ thay đổi mạnh khi nào số nợ xấu và những rủi ro trong nền kinh tế được xử lý và kiểm soát một cách triệt để.

Nội dung nổi bật

-Tổng cục Thống kê cho biết tăng trưởng GDP quý 1 đạt 6,03%

-TS Bùi Quang Tín cho rằng, bên cạnh niềm vui tăng trưởng mạnh mẽ thì vẫn còn 3 vấn đề vẫn cần tiếp tục được chú trọng trong thời gian tới đó là: tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ hệ thống ngân hàng, điều hành linh hoạt chính sách tỷ giá, tín dụng ngoại tệ và kiểm soát tốt lạm phát.


Theo số liệu ngày 30/3/2015 của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2015 tăng 6,03% so với cùng kỳ năm 2014. Đây là mức tăng cao nhất của quý I trong vòng 5 năm qua.

Con số trên cho thấy, sự nỗ lực trong tái cơ cấu kinh tế, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tranh thủ và tận dụng mọi cơ hội nên hoạt động sản xuất kinh doanh quý I năm nay của hầu hết các ngành, lĩnh vực đạt kết quả khả quan. Thị trường bất động sản bước đầu ấm lên, tỷ lệ giao dịch bất động sản thành công tăng, lãi suất ngân hàng tiếp tục giảm, các điều kiện cho vay mua nhà được nới lỏng. Thị trường chứng khoán giao dịch sôi động trở lại trên các sàn giao dịch. Nhìn chung, kinh tế nước ta quý I có những chuyển biến rõ nét về phục hồi tăng trưởng: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, sản xuất công nghiệp tăng cao, môi trường kinh doanh có những dấu hiệu được cải thiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những niềm vui trên trong quý I năm 2015, tác giả vẫn cho rằng việc phát triển bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2015 là vô cùng quan trọng. Trong đó, có ba vấn đề vẫn cần tiếp tục được chú trọng trong thời gian tới, đó là: tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ hệ thống ngân hàng, điều hành linh hoạt chính sách tỷ giá, tín dụng ngoại tệ và kiểm soát tốt lạm phát.

Về tái cơ cấu

Công cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới. Thách thức lớn của tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là tình trạng tái cơ cấu sở hữu, bởi tình trạng sở hữu chéo và lũng đoạn rất lớn, cùng với đó là sự thiếu minh bạch về nguồn gốc vốn góp do năng lực vốn ảo, trong khi thiếu các chế tài để xử lý triệt để vấn đề sở hữu cũng sẽ khiến hệ thống ngân hàng gặp khó khăn khi tái cơ cấu.

Các ngân hàng sau hợp nhất, sáp nhập, mặc dù đã tăng lên đáng kể về quy mô vốn và tài sản nhưng các thương vụ sáp nhập, hợp nhất thời gian qua mới chỉ về mặt cơ học, chứ chưa có sự cải thiện đáng kể về mặt tài chính và quản trị. Ngoài ra, các vấn đề khác của hệ thống ngân hàng như sở hữu chéo, cải thiện hệ thống quản trị ngân hàng, đặc biệt về quản trị rủi ro, quản trị đạo đức ngân hàng thì cho đến nay chưa có bằng chứng để tạo được niềm tin cho xã hội là đã giải quyết tốt.

Hoạt động quản trị rủi ro trong toàn hệ thống ngân hàng còn kém xa các chuẩn mực quốc tế. Theo đề án cơ cấu lại các TCTD thì đến cuối năm 2015, các TCTD mới đạt mức vốn tự có đủ để bù đắp rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro tác nghiệp theo quy định của Basel II trong khi nhiều nước trên thế giới đã và đang áp dụng các tiêu chuẩn an toàn hệ thống của Basel III. Ngân hàng ACB - một ngân hàng được đánh giá cao về năng lực quản trị và chất lượng dịch vụ ở Việt Nam, nhưng qua sự kiện ngày 20/08/2012 tại ngân hàng này khiến các nhà quản lý và công chúng thực sự lo lắng về nhân sự và quản trị của các NHTM. Quản trị công ty, dù đã trở nên ngày càng phổ biến và ngày càng có nhiều văn bản điều chỉnh, nhưng trong lĩnh vực ngân hàng, các văn bản vẫn còn nhiều bất cập và việc chế tài chưa đủ mạnh khiến cho các NHTM Việt Nam chưa thực sự quan tâm dẫn đến có điểm quản trị công ty chưa bằng so với các ngành khác.

Tỷ giá và tín dụng ngoại tệ

Tỷ giá USD/VNĐ đang được NHNN cam kết duy trì mức tăng năm 2015 không quá 2% so với tỷ giá của năm 2014. Tuy nhiên, áp lực tỷ giá gia tăng vẫn còn đó, với các lý do sau:

Thứ nhất, khi tỷ giá rất ổn định trước đó, nhiều ngân hàng sử dụng trạng thái âm ngoại tệ để hưởng chênh lệch lãi suất giữa VND với USD. Họ kỳ vọng và tin tưởng tỷ giá sẽ không biến động nhiều. Nhưng khi có thay đổi tâm lý trên thị trường, các ngân hàng phải đóng trạng thái lại, tạo nên áp lực nhất định.

Thứ hai, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cũng kỳ vọng tỷ giá không nhiều biến động nên bán kỳ hạn, bán trước mặc dù doanh thu chưa về. Việc bán này là tốt cho họ, giúp họ hưởng thêm phần chênh lệch lãi suất giữa VND với USD. Khi có biến động, họ cũng đóng lại các hợp đồng trước hạn. Khi đóng như vậy thì ngân hàng phải làm ở chiều ngược lại, đi ra thị trường để mua ngoại tệ.

Thứ ba, bản thân khi nhìn vào trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng hiện nay, ẩn trong đó là sản phẩm mà họ đã chào khoảng hai năm trở lại đây: cho vay VND với lãi suất USD. Các ngân hàng phải làm âm trạng thái, dùng VND chuyển đổi được để cho vay. Có hai trạng thái, trạng thái chuyển đổi USD để lấy VND cho vay, trạng thái mua bán ngoại tệ. Khi nhìn tổng trạng thái của các ngân hàng thì thấy vẫn cân bằng, nhưng ở trạng thái chuyển đổi để lấy VND thì nó đã âm đáng kể, ngân hàng giữ một trạng thái dương cho danh mục kinh doanh ngoại tệ. Nhìn tổng thể thì khá cân bằng, nhưng khi phải đóng trạng thái chuyển đổi thì cũng ảnh hưởng nhất định đến thị trường.

Thứ tư, trong nước, dự báo cán cân vãng lai 2015 của Việt Nam thâm hụt nhiều so với 2014. Công cụ tỷ giá hối đoái là rất quan trọng để giảm cán cân vãng lai. Điều chỉnh tỷ giá hối đoái tăng là một trong các công cụ hữu hiệu nhất cho hỗ trợ cán cân vãng lai, hỗ trợ xuất khẩu. Sức khỏe đồng USD cũng được hỗ trợ khi kinh tế Mỹ tiếp tục phát đi tín hiệu tích cực. Sức ép hồi phục của USD khiến các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ mất giá, kể cả Euro. Do cả Mỹ và EU đều là những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, nên việc đồng USD mạnh lên, trong khi đồng euro lại mất giá đều tác động xấu lên nền kinh tế Việt Nam, làm giảm xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này. Vì vậy, việc điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VND được cho là cần thiết để giảm thiểu những tác động xấu đến xuất khẩu, qua đó giữ được những thị trường xuất khẩu lớn cho hàng hóa của Việt Nam.

Trong khi đó, xu hướng tín dụng ngoại tệ tăng đang dần quay trở lại. Nguyên nhân sâu xa vẫn là do lãi suất cho vay bằng tiền đồng đang cao hơn lãi suất cho vay bằng đô la Mỹ trong khi rủi ro tỷ giá ở mức khá thấp, dễ dự đoán nên có thể lập kế hoạch phòng ngừa trước. Đến đây lại quay trở về định hướng phải tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay tiền đồng, không những để kích thích tăng trưởng tín dụng mà còn để phòng ngừa tình trạng đô la hóa nền kinh tế.

Tín dụng ngoại tệ thời điểm hiện tại có thể mang lại lợi ích rất nhanh đồng thời cũng có thể mang lại rủi ro cho người vay nó bất cứ lúc nào. Hiện nay, lãi suất vay USD chỉ bằng nửa so với lãi suất tiền đồng, cùng với tỷ giá ngoại hối ổn định nên các doanh nghiệp có xu hướng vay ngoại tệ là điều bình thường. Khi đó, chi phí tài chính của doanh nghiệp sẽ thấp, hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh tăng lên. Doanh nghiệp một mặt vay USD, một mặt có thể gửi VND tiết kiệm hưởng chênh lệch giá.

Tuy nhiên, khi tỷ giá biến động do các yếu tố khách quan theo xu hướng VND mất giá thì doanh nghiệp sẽ gặp rủi ro thanh khoản, đặc biệt là với các doanh nghiệp không có nguồn thu ngoại tệ.

Do đó, việc điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt và kiểm soát tốt tín dụng ngoại tệ là rất cần tiếp tục được chú trọng trong giai đoạn hiện nay.

Lạm phát thấp  

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tăng trưởng thấp, sản xuất bị thu hẹp do những ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu và quá trình tái cơ cấu mới đang được triển khai, thì việc lạm phát được kiểm soát ở mức thấp đã đóng vai trò quan trọng để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, gia tăng niềm tin vào nền kinh tế, thúc đẩy mở rộng sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, lạm phát thấp đạt được trong bối cảnh thành tựu ổn định kinh tế vĩ mô chưa vững chắc như nợ công, nợ xấu, nợ đọng (xây dựng cơ bản, thuế, nợ các doanh nghiệp với nhau) còn cao; doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; thị trường bất động sản chưa thực sự phục hồi, thị trường chứng khoán còn bấp bênh; mô hình tăng trưởng chưa thay đổi với tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm đang và sẽ tạo ra nhiều khó khăn cho Việt Nam trong thời gian sắp tới. Duy trì lạm phát thấp như hiện nay là thực sự chưa bền vững. Lạm phát và tăng trưởng kinh tế chỉ thay đổi mạnh khi nào số nợ xấu và những rủi ro trong nền kinh tế được xử lý và kiểm soát một cách triệt để.

Bên cạnh đó, chú trọng quá đến mục tiêu kiểm soát lạm phát sẽ dễ dẫn đến việc tăng trưởng kinh tế dưới tiềm năng, trong tương lai có thể gây mất cân đối cung - cầu hàng hóa và tạo ra lạm phát do thiếu cung. Lạm phát thấp kéo theo sức mua ì ạch, hoạt động kinh tế cũng ngưng trệ theo, người tiêu dùng tạm hoãn chi tiêu để chờ giá giảm sâu hơn. Giới doanh nghiệp ngừng đầu tư và tuyển dụng để tiết kiệm chi phí.

Lạm phát quá thấp sẽ “gặm nhấm” doanh số và nguồn thu thuế, cản trở việc tăng lương, ăn mòn lãi suất cận biên. Chúng cũng đè gánh nặng nợ nần lên các công ty và Chính phủ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cũng cảnh báo rằng kể cả một giai đoạn lạm phát ổn định nhưng thấp cũng có thể gây tác hại rất lớn cho nền kinh tế của một quốc gia. Ngoài ra, lạm phát thấp hiện nay còn tạo ra nhiều thách thức khác đối với kinh tế Việt Nam như thu ngân sách sẽ khó khăn hơn, Chính phủ tiếp tục thiếu tiền cho đầu tư, trả nợ và thực hiện các nhiệm vụ cải cách, phát triển kinh tế - xã hội. Giá cả thấp sẽ không khuyến khích đối với đầu tư nhìn từ phương diện hoàn vốn và thu lãi cao, thất nghiệp sẽ tăng lên, tăng trưởng kinh tế vì vậy khó đạt được mức độ cao, mức độ tụt hậu so với các nước vì vậy ngày càng xa.

Lạm phát thấp nếu kéo dài cộng thêm với thâm hụt ngân sách liên tiếp diễn ra như thực trạng hiện nay thì rất dễ dẫn tới suy thoái kinh tế trong trung dài hạn, hoặc hiện tượng lạm phát cao sẽ quay trở lại, phá vỡ sự ổn định của các cân đối vĩ mô và kinh tế sẽ bị rối loạn.

Do đó, việc đạt được mức tăng trưởng của GDP 6,03% trong quý I năm 2015 là một tín hiệu rất đáng mừng và làm tiền đề để chúng ta tiếp tục phấn đấu trong các quý còn lại của năm 2015. Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì sự phát triển và ổn định kinh tế vĩ mô, tác giả vẫn cho rằng, chúng ta cần tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ hệ thống ngân hàng, điều hành linh hoạt chính sách tỷ giá và kiểm soát tốt tín dụng ngoại tệ cũng như tỷ lệ lạm phát hiện nay.

TS. Bùi Quang Tín

CTV Hàng hóa

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên