MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải mã ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn

21-01-2014 - 16:21 PM | Tài chính - ngân hàng

Tình hình tăng trưởng tín dụng không mạnh như mong đợi, nhưng các ngân hàng vẫn đẩy mạnh huy động vốn.

Ngay từ đầu tháng 12.2013, khi các nguồn tiền đổ về các tài khoản tổ chức và cá nhân, thì nhiều ngân hàng đã tung ra chương trình khuyến mại, quà tặng lớn cho khách hàng gửi tiền tiết kiệm. Điều thắc mắc là tại sao tình hình tăng trưởng tín dụng không mạnh như mong đợi, nhưng các ngân hàng vẫn đẩy mạnh huy động vốn. Câu trả lời có một phần mang tên “trái phiếu”, phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ đầu năm đã thành công, khi 5.550 tỷ đồng được mua/6.000 tỷ đồng đấu thầu.

Phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ (TPCP) đầu năm 2014 có tổng khối lượng gọi thầu khá lớn, 6.000 tỷ đồng với 3 loại kỳ hạn: 2 năm, 3 năm và 5 năm, mỗi loại 2.000 tỷ đồng. Khá đông các thành viên tham dự đấu thầu, từ 13 đến 15 tổ chức/loại kỳ hạn. Kết thúc đấu thầu, trái phiếu kỳ hạn 2 năm có lãi suất trúng thầu 6,85%/năm; kỳ hạn 3 năm với lãi suất 7,23%/năm; và kỳ hạn 5 năm có lãi suất 8,25%/năm. Tất cả các mức lãi suất này đều thấp hơn từ 0,15 đến 0,25% so với phiên đấu thầu cuối của năm ngoái.

Trở lại câu chuyện các ngân hàng đẩy mạnh huy động tiền. Khoảng một tháng trở lại đây, các ngân hàng đồng loạt đưa ra các gói thu hút tiền gửi hấp dẫn, nhiều quà tặng, giải thưởng, đánh vào tâm lý của người gửi tiền có tiền lương, thưởng vào dịp cuối năm. 

Khi mức lãi suất huy động khá tương đương nhau, thì các gói quà tặng sẽ giúp lôi kéo khách hàng gửi tiền. Đa số các ngân hàng đều có mức lãi suất huy động ngắn hạn tương đương nhau, còn lãi suất kỳ hạn từ 2 năm trở lên đã có sự chênh lệch khá lớn. Ví dụ kỳ hạn 36 tháng, có ngân hàng 8%/năm, nhưng có ngân hàng huy động với mức giá 9,7%/năm. Song phổ biến vẫn ở mức 8,5 đến 9%/năm.

Trở lại câu hỏi là các ngân hàng cho vay không lớn, thì việc huy động nhiều thực sự có hợp lý không? Thực tế các ngân hàng cũng đã có lối ra cho vốn, đó chính là đầu tư vào trái phiếu. Từ trước đến nay, các ngân hàng vẫn là người mua chính của trái phiếu, đặc biệt là TPCP. Theo một nghiên cứu của Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ, BIDV, năm 2014, dự kiến có khoảng trên 200.000 tỷ đồng vốn TPCP. Nguồn cung lớn, trong khi đây vẫn là kênh an toàn, nên nhu cầu về trái phiếu cũng được dự báo sẽ tăng, giúp hấp thụ vốn lượng trái phiếu này.

Hơn nữa, các tổ chức, các quỹ đầu tư đã đầu tư trái phiếu từ các năm trước, thì thời điểm đáo hạn vào năm 2014 dự báo khá lớn, trên 130.000 tỷ, nên việc tái đầu tư là tất yếu.

Về lãi suất trái phiếu năm 2014, nhiều tổ chức kinh tế dự báo sẽ không thấp hơn mức thấp nhất của năm 2013, dù đã giảm. Tháng 12.2013, lãi suất TPCP kỳ hạn 2 năm dao động từ 7,3-7,5%/năm. Còn năm 2014, lạm phát được kỳ vọng sẽ khoảng 7%, mức khá thấp. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu năm 2014 được Công ty chứng khoán VCB dự báo sẽ khoảng như quý III.2013. Điều này cho thấy, các ngân hàng có thể yên tâm đầu tư vào trái phiếu.

Dù mức lãi suất huy động vốn của các ngân hàng không hề thấp, nhưng với nhiều loại tiền gửi kỳ hạn khác nhau, thì khả năng các ngân hàng sẽ có lãi khi đầu tư trái phiếu. Thêm vào đó, dù lãi suất TPCP không phải cao như cho vay DN và nền kinh tế, thì rủi ro của TPCP rất thấp. Chưa kể các ngân hàng mua TPCP có thể dùng để vay tái chiết khấu tại NHNN, hoặc bán trái phiếu trên thị trường khi cần, thậm chí là vay mượn giữa các ngân hàng.

Ngoài ra, có một kênh đầu tư nữa cũng khá hấp dẫn là trái phiếu doanh nghiệp. Trong khi lãi suất TPCP khoảng 7 – 7,5 hay 8%, thì lãi suất trái phiếu doanh nghiệp khá cao. Có những đơn vị huy động vốn với mức 14 – 15%/năm trong năm ngoái, và năm nay dự báo khoảng 12-13%/năm. Tuy nhiên, một số dự báo cho rằng, độ hấp dẫn của trái phiếu doanh nghiệp năm nay sẽ kém hơn năm ngoái. Trước đó cũng đã có những cảnh báo của chuyên gia kinh tế về việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thể dùng đảo nợ, hoặc có nguy cơ gia tăng nợ xấu cho chính các ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp.

Theo Quang Minh

hangnt

Đại biểu nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên