MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải quyết nợ xấu: Quyết định đang nằm trong tay của Bộ Tài chính?

06-02-2015 - 12:26 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo Đề án xử lý nợ xấu đã được Bộ Chính trị thông qua và Chính phủ phê duyệt thì Bộ tài chính là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc hình thành, phát triển và quản lý thị trường mua bán nợ.

Tóm tắt:

- Năm 2015 là năm bản lề của việc thực hiện Đề án xử lý nợ xấu và năm cuối cùng thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD

- Vấn đề nợ xấu được giải quyết trong bối cảnh còn nhiều yếu tố không thuận lợi như sản xuất kinh doanh còn khó khăn, thị trường bất động sản phục hồi chậm, cơ chế, chính sách xử lý tài sản bảo đảm còn nhiều bất cập

- Việc mua bán nợ hiện mới được thực hiện như việc mua bán tài sản dựa trên thỏa thuận giữa các tổ chức, cá nhân, chưa hình thành thị trường mua bán nợ tập trung, có tổ chức. Năm nay sẽ hình thành, phát triển thị trường mua bán nợ

- Theo Đề án xử lý nợ xấu đã được Bộ Chính trị và Chính phủ phê duyệt thì Bộ tài chính là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc hình thành, phát triển và quản lý thị trường mua bán nợ.


Tại buổi thông báo về Chỉ thị 01 và 02 do Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng chủ trì diễn ra cuối tháng trước, vấn đề nợ xấu đã một lần nữa được khẳng định sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của NHNN trong năm 2015, để cuối năm nay sẽ đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới mức 3% như Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/1/2015 và Nghị quyết số 77/2014/NQ-QH13 ngày 10/11/2014 của Quốc hội.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, năm 2015 là năm bản lề của việc thực hiện Đề án xử lý nợ xấu và năm cuối cùng thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD. Tuy nhiên, vấn đề nợ xấu được giải quyết trong bối cảnh còn nhiều yếu tố không thuận lợi như sản xuất kinh doanh còn khó khăn, thị trường bất động sản phục hồi chậm, cơ chế, chính sách xử lý tài sản bảo đảm còn nhiều bất cập, hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng suy giảm cùng với khó khăn của nền kinh tế... Đặc biệt không có nguồn tài chính từ bên ngoài hỗ trợ xử lý nợ xấu.

Theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, năm nay sẽ hình thành, phát triển thị trường mua bán nợ, đây là nội dung quan trọng nhằm hình thành đầy đủ thể chế cho việc xử lý nợ xấu.

Hiện nay, việc mua bán nợ mới được thực hiện như việc mua bán tài sản dựa trên thỏa thuận giữa các tổ chức, cá nhân, chưa hình thành thị trường mua bán nợ tập trung, có tổ chức.

Được biết, theo Đề án xử lý nợ xấu đã được Bộ Chính trị thông qua và Chính phủ phê duyệt thì Bộ tài chính là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc hình thành, phát triển và quản lý thị trường mua bán nợ.

NHNN và các cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm phối hợp để thúc đẩy thị trường mua bán nợ. Về phía NHNN, NHNN triển khai các giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của VAMC trong mua, bán, xử lý nợ xấu để đóng vai trò như là động lực thúc đẩy cung, cầu về mua, bán nợ xấu thông qua tăng vốn điều lệ cho VAMC, triển khai mua bán nợ theo cơ chế thị trường, các hoạt động đấu giá, định giá nợ và tài sản bảo đảm;

Thứ hai, khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia mua nợ, tài sản bảo đảm của TCTD và VAMC;

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 53/2013/NĐ-CP, Quy chế cho vay, quy chế mua bán nợ của các TCTD và các văn bản pháp lý có liên quan.

Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã khẳng định: Năm 2015, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu, trước hết là các giải pháp thuộc phạm vi trách nhiệm của ngành Ngân hàng như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng, xử lý nợ xấu, tăng cường trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, bán, xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, đặc biệt là phát huy đầy đủ hiệu quả của VAMC trong xử lý nợ xấu để đưa nợ xấu về mức dưới 3%.

Khánh Nhi

Hạnh Lệ

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên