MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm bớt gánh nặng về vốn cho hệ thống ngân hàng

26-05-2013 - 14:05 PM | Tài chính - ngân hàng

Thực trạng hoạt động của hệ thống các thị trường tài chính trong những năm qua cho thấy, gánh nặng của việc huy động vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng... đè nặng lên hệ thống các tổ chức tín dụng.


Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ đầu năm 2013 đến 25.04.2013, nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư (thị trường 1) vẫn tăng trưởng khá tốt, tăng 161.325 tỷ đồng. Sử dụng vốn tăng đến 205.560 tỷ đồng do sử dụng nguồn tăng thêm từ thị trường 1 là 161.325 tỷ và giảm bớt số dư tiền gửi tại NHNN, giảm bớt số dư tiền, vàng tại Quỹ. Bốn kênh sử dụng vốn chủ yếu là: trái phiếu, chứng khoán Chính phủ và tín phiếu NHNN; tín dụng và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp; giảm trả nợ vay NHNN và giảm tiền gửi tại nước ngoài.

Với biến động của các kênh sử dụng vốn ngân hàng trong gần 4 tháng đầu năm 2013, chúng ta nhận thấy 2 dấu hiệu đáng chú ý. Một, tín dụng đối với tổ chức kinh tế và dân cư tăng trưởng thấp thể hiện khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu. Hai, các tổ chức tín dụng đẩy mạnh đầu tư vào các kênh có mức sinh lời thấp nhưng đảm bảo an toàn và có tính thanh khoản cao.

Điểm tích cực là dù tín dụng trong những tháng đầu năm tăng trưởng thấp nhưng vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác, tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá cao, phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.

Điều chỉnh tỷ lệ sử dụng vốn về mức an toàn

Nếu xét số liệu lũy kế từ trước đến thời điểm 25.4.2013 (nguồn: Cơ quan Thanh tra giám sát, NHNN), chỉ tiêu cho vay trên tiền gửi hiện vẫn rất cao - khoảng 95%. Cuối năm 2012, chỉ tiêu cho vay trên tiền gửi khoảng 101% và đã được cải thiện, giảm nhẹ dần qua các tháng đầu năm nay: cuối tháng 1: 98,97%; cuối tháng 2: 96,90%; cuối tháng 3: 95,05%.

Mặc dù tỷ lệ cho vay trên tiền gửi còn cao, song việc giảm mạnh tỷ lệ này trong thời gian gần đây là tín hiệu tích cực phản ánh hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Đây cũng là nhóm nguyên nhân cơ bản giải đáp cho câu hỏi vốn ngân hàng huy động đang trú ngụ ở đâu. Thông lệ quốc tế về an toàn hoạt động ngân hàng, trong đó chỉ tiêu cho vay trên tiền gửi ở ngưỡng khoảng 80%. Như vậy, về lâu dài và trong lộ trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại cũng cần điều chỉnh tỷ lệ này xuống dưới 80%.

Cần giảm bớt gánh nặng về vốn cho hệ thống ngân hàng

Chúng ta cũng cần xét đến cấu trúc của hệ thống tài chính và mối quan hệ giữa tài chính và tăng trưởng. Cấu trúc tài chính bao gồm hệ thống các công cụ, trung gian và thị trường tài chính có mối liên quan tới tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế thực. Thực trạng hoạt động của hệ thống các thị trường tài chính trong những năm qua cho thấy, gánh nặng của việc huy động vốn trong xã hội nhằm tài trợ vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng... đè nặng lên hệ thống các tổ chức tín dụng. Nếu nền kinh tế phụ thuộc quá lớn vào vốn vay ngân hàng thì khi các doanh nghiệp yếu kém sẽ tác động xấu đến các ngân hàng và ngược lại, khi hệ thống ngân hàng khó khăn thì nền kinh tế rất dễ bị tổn thương.

Nhiều chuyên gia kinh tế đã chỉ ra, hệ thống tài chính phát triển với quy mô lớn và sâu, có sự tồn tại đa dạng các cơ chế trung gian tài chính như ngân hàng và thị trường chứng khoán… sẽ giúp bảo vệ nền kinh tế trước những cú sốc từ bên ngoài, giúp giảm bớt những khó khăn về thanh khoản cho doanh nghiệp và thúc đẩy đầu tư dài hạn, thúc đẩy chất lượng quản trị công ty. Ts Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế cũng đã cho rằng: “Nếu tiếp tục đặt gánh nặng này cho hệ thống ngân hàng thì dù có đạt kết quả nhất thời nhưng sẽ tích tụ thêm nguy cơ cho cả hệ thống. Hệ thống ngân hàng dù phát triển đến đâu cũng không thể chịu được gánh nặng cung cấp 6 - 7 đồng tín dụng để tăng một đồng GDP!”.

Tổng lượng vốn huy động từ nền kinh tế vào hệ thống ngân hàng đang được phân phối theo các kênh sử dụng vốn thông thường của hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, trong đó chất lượng tín dụng hiện nay được coi trọng hơn để trách tích lũy thêm, tích lũy quá nhiều nợ xấu.

Tăng trưởng tín dụng quá nóng sẽ dẫn đến hệ lụy gia tăng nợ xấu lớn trong tương lai. Ngược lại, tăng trưởng tín dụng ngân hàng đối với tổ chức kinh tế và dân cư thấp trong thời gian dài sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Thời gian tới, ngành ngân hàng cần có giải pháp để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, bao gồm cả lãi suất cho vay VNĐ và lãi suất cho vay ngoại tệ; hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiếp cận vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, việc cấp tín dụng ngân hàng phải trên cơ sở chất lượng, hiệu quả tín dụng, trên cơ sở nhu cầu hợp lý của sản xuất kinh doanh thực và lành mạnh.

Tăng trưởng tín dụng ngân hàng đối với tổ chức kinh tế và dân cư hiện nay thấp có nguyên nhân gốc, nguyên nhân rất quan trọng là yếu kém của khu vực nền kinh tế thực; từ ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng tài chính toàn cầu đến nền kinh tế Việt Nam. Vốn chưa phải là yếu tố quan trọng nhất, trước hết phải là năng lực thực của doanh nghiệp về công nghệ, về quản trị, về nhân lực và động lực của các doanh nhân trong kinh doanh. Để có hệ thống tài chính phát triển góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế bền vững, cần phát triển thị trường chứng khoán, thị trường vốn dài hạn song hành cùng hệ thống ngân hàng.

Chúng ta phải quyết liệt nhưng cũng cần bình tĩnh, sáng suốt, kiên định mục tiêu để tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu hệ thống ngân hàng theo định hướng phát triển bền vững, hiệu quả, ổn định.

Ts
Nguyễn Thị Thanh Hương

hangnt

Người đại biểu ND

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên