Giật mình từ những “phi vụ” giao dịch tiền tỷ
Nhiều người khó hiểu trước sự “tốt bụng” của phía MHB Cần Thơ nhất là khi dám cho Hùng vay gần bằng 98% giá trị tài sản thế chấp trong khi quy định không được phép cho vay quá 70% so với giá trị HĐ.
Đối tượng này vào ngày 11/9 vừa qua đã phải nhận bản án 20 năm tù vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cho tới khi vụ án này được phanh phui, người ta mới giật mình khi thấy các “chủ nợ”, trong đó có một số tổ chức tín dụng có tiếng nhưng lại quá cẩu thả, mất cảnh giác góp phần tiếp sức cho tội phạm có điều kiện thực hiện trót lọt nhiều “phi vụ”…
Ngày 9/10/2007, Hùng đại diện pháp nhân DNTN Huỳnh Thanh Hùng ký hợp đồng (HĐ) với Công ty CP XDCT 586- chủ đầu tư dự án Khu dân cư Phú An (gọi tắt là Công ty 586) mua 14 căn nhà dạng xây thô có số liên tục từ F11 đến F24, với giá 6,44 tỷ đồng. Sau khi ký HĐ, Hùng không làm đúng như thỏa thuận mà chỉ thanh toán lại cho bên bán 30% giá trị HĐ. Để có tiền thanh toán khoản nợ còn lại, Hùng đã thế chấp cho MHB Cần Thơ (phòng giao dịch quận Ninh Kiều) bằng chính 14 bản HĐ vừa ký, vay 6,3 tỷ đồng. Thực tế dù lúc đó, Hùng đã bán cho người khác 2 căn (F11 và F19) nhưng Hùng cam kết sẽ không bán cho ai nếu chưa có sự đồng ý của MHB.
Do Công ty 586 chưa có GCNQSDĐ và QSHN 14 căn nhà thô kể trên nên để đảm bảo duy trì tài sản thế chấp, MHB đã ký HĐ liên kết với Công ty 586, giúp khách hàng có nhu cầu mua nhà không đủ tiền thì ngân hàng hỗ trợ. Căn cứ HĐ liên kết, MHB đã đề nghị Công ty 586 xác nhận phong tỏa 14 căn nhà rồi giải ngân cho Hùng. Có điều, khi nhận được tiền vay, Hùng tiếp tục dùng pháp nhân bán 12 căn còn lại. Trong số những người mua nhà, có 5 người yêu cầu phải chuyển sang tên họ trong HĐ nên Hùng đã giải chấp ngân hàng (số tiền 3,703 tỷ đồng), nhận lại giấy tờ nhà đưa cho bên mua. Còn số người mua còn lại, đều tin và chấp nhận lời Hùng nói: chờ DN Hùng hoàn thiện nhà, sẽ xúc tiến việc làm thủ tục...
Khi vụ án bị khám phá, nhiều người thật sự khó hiểu trước sự “tốt bụng” của phía MHB Cần Thơ nhất là khi dám cho Hùng vay gần bằng 98% giá trị tài sản thế chấp trong khi quy định không được phép cho vay quá 70% so với giá trị HĐ. Chưa hết, theo quy định pháp luật, việc nhận thế chấp là QSDĐ phải được đăng ký giao dịch bảo đảm mới có hiệu lực, nhưng sau khi phát vay, MHB Cần Thơ đã không cùng chủ đầu tư xúc tiến việc làm GCNQSDĐ cho Hùng nên Hùng đã không bỏ qua cơ hội để lừa đảo.
Đối với ngân hàng VIB, khi tiến hành thẩm định căn nhà L1C-23 (tài sản mà Hùng đưa vào thế chấp cùng với căn C8-40 để vay 2 tỷ đồng - PV), cán bộ của VIB phát hiện trong nhà này đang có người ở, nhưng nghe Hùng nói rằng “nhà đang cho thuê” (thực chất là chủ nhà, đã mua lại từ Hùng trước đó – PV), vội tin ngay. Sau công đoạn này, VIB Cần Thơ đã giải ngân cho Hùng. Đã vậy, chẳng bao lâu sau đó, VIB Cần Thơ còn để cho Hùng rút được giấy tờ có liên quan đến tài sản thế chấp còn lại - căn nhà C8-40, và Hùng tiếp tục lừa bán cho người khác với giá 1,8 tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, trong suốt quá trình quản lý, cán bộ tín dụng của VIB không lập biên bản kiểm tra, không báo cáo hiện trạng để bộ phận chức năng VIB nắm, xử lý. Mặc khác, tại thời điểm đề nghị vay tiền VIB. Tài sản của Hùng đang thế chấp tại nhiều tổ chức tín dụng khác, kể cả tài sản định thế chấp tại VIB nhưng cán bộ tín dụng vẫn đồng ý và lập báo cáo thẩm định đề nghị cho vay. Khi thẩm định qua Trung tâm thông tin tín dụng (CIC – thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), cán bộ tín dụng VIB biết rõ Hùng đang có quan hệ với ba tổ chức tín dụng khác và có dư nợ số tiền lớn nhưng không đưa vào nội dung báo cáo khi lập tờ trình tín dụng.
Khoản vay mà Hùng thế chấp bằng tài sản kể trên chưa giải chấp nhưng ngày 27/9/2010, Giám đốc VIB Cần Thơ vẫn ra thông báo giải tỏa.
Trụ sở của DNTN Huỳnh Thanh Hùng. |
Khi chúng tôi tìm tư liệu thực hiện bài viết này thì tin từ TAND quận trung tâm Ninh Kiều (Cần Thơ) cho biết một “đại gia” khác - Công ty TNHH Thanh N (ngành nghề chế biến, bảo quản thủy sản, xay xát lúa gạo- PV) đang trong tình trạng “chết lâm sàng”.
Một thẩm phán TAND quận Ninh Kiều cho biết mới… sờ qua 5 hồ sơ khởi kiện của các “con nợ” gồm cá nhân, DN và ngân hàng, đòi khoản nợ gần 50 tỉ đồng, nơi đây đã phát hiện một điều khó ngờ, đó là chủ DN này đã lấy địa chỉ “ma” để ký các HĐ. Chẳng hạn như khi xác minh địa chỉ đăng ký kinh doanh của DN trên tại số 11/7, CMT8, P. An Hòa thì Tòa mới biết đó chỉ là miếng đất trống, không hề có có trụ sở làm việc nào. Trong khi đó, khi được Tòa triệu tập đến làm việc, giám đốc DN này không đến.
Theo Binh Huyền