MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gửi tiết kiệm bằng VND hấp dẫn hơn USD

15-05-2015 - 09:55 AM | Tài chính - ngân hàng

Xét trong bối cảnh hiện nay, với những người không có nhiều tiền và tạm thời chưa dùng đến thì nên gửi VND, vì lãi suất đang cao hơn USD rất nhiều.

Việc NHNN sử dụng nốt room 1% điều chỉnh tỷ giá ngay thời điểm giữa năm khiến người dân có những ứng xử rất khác nhau: người vội vàng đem bán USD vì nghĩ “đô” đã lên trần. Người khác lại kỳ vọng, cuối năm, theo thông lệ, khi cầu ngoại tệ tăng thì tỷ giá cũng sẽ tăng. Những suy đoán này, dù sao vẫn là… suy đoán.

Còn thực tế, làm phép tính đơn giản: lãi suất tiền gửi ngoại tệ hiện chỉ có 0,75%/năm áp dụng cho tất cả các kỳ hạn. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi VND kỳ hạn dưới 6 tháng cũng được 5%/năm; kỳ hạn từ 12 trở lên có thể lên đến 7,2 %/năm, gấp khoảng 10 lần lãi suất tiền gửi ngoại tệ. Như vậy cho dù chỉ gửi kỳ hạn 6 tháng - tức đến hết năm 2015, người gửi tiền bằng VND vẫn có lợi hơn.

Khi được hỏi về việc sẽ gửi “đô”, hay “đồng” chị Minh Trang (Thành Công, Hà Nội) đã quả quyết: Tôi vẫn sẽ gửi tiết kiệm USD. Dù tỷ giá có thay đổi, nhưng bản thân tôi thấy giá đô bây giờ đang tăng, tuy lãi suất không cao bằng VND, nhưng mang tính ổn định hơn. Tôi sẽ chỉ gửi VND với kỳ hạn ngắn...

Sự ổn định của đồng USD mà chị Trang nói chưa hẳn đúng. Vì thực tế, đồng tiền này mới lấy lại vị thế của mình sau một thời gian bị đồng Yên, đồng Nhân dân tệ lấn lướt. Giới chuyên gia cho rằng, nếu ai đó có định “kinh doanh” ngoại tệ thì cần xem xét trên nhiều góc độ. Ví dụ, động thái của FED; xét đồng đô la Mỹ trong mối tương quan với một số đồng tiền khác như đồng Euro, Yên của Nhật, Nhân dân tệ của Trung Quốc; đồng Bảng của Anh … Thậm chí, những thay đổi trên chính trường thế giới cả về quân sự lẫn chính trị đều có những tác động rất lớn đến vị thế của các đồng tiền mạnh. Với rất nhiều yếu tố phức tạp và khó kiểm soát như vậy đòi hỏi người đầu tư phải rất am hiểu và phải có số vốn lớn.

Còn ở trong nước, thì một trong những nhiệm vụ quan trọng của NHNN là giữ ổn định giá trị đồng tiền. Chính vì thế NHNN có những biện pháp linh hoạt trong điều hành tỷ giá nhưng luôn tuân thủ mục tiêu này. Việc duy trì khoảng cách lãi suất giữa đồng USD và VND là một đòi hỏi tất yếu.

Bên cạnh đó, NHNN đã và đang triển khai nhiều biện pháp chống đô-la hóa trong nền kinh tế. Vai trò thanh toán của đồng USD trong nền kinh tế không còn lớn như trước. Và nếu như trước đây người ta có thể mua bán ngoại tệ ngay trên vỉa hè một số con phố, thì nay việc này chỉ được thực hiện tại những điểm được cấp phép thu đổi ngoại tệ. Ngành NH đã phối hợp các ngành chức năng thành lập các đoàn công tác để thanh tra, kiểm tra trên thị trường.

Được biết, Đề án Chống đô la hóa trong nền kinh tế đang được NHNN xây dựng và dự kiến sẽ được trình trong tháng 6/2015. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để cơ quan quản lý áp dụng những biện pháp mạnh trong điều hành, quản lý thị trường.

Trở lại vấn đề gửi tiết kiệm bằng “đô” hay “đồng”, ý kiến của một chuyên gia kinh tế cho rằng, để chia sẻ rủi ro thì nguyên tắc là “không nên để tất cả trứng vào một giỏ”. Xét trong bối cảnh hiện nay, với những người không có nhiều tiền và tạm thời chưa dùng đến thì nên gửi VND, vì lãi suất đang cao hơn USD rất nhiều. Đặc biệt, nếu người dân đang gửi tiết kiệm bằng VND mà chưa tới kỳ hạn rút thì không nên vì thấy tỷ giá tăng mà chuyển đổi sang USD bởi sẽ bị thiệt nhiều hơn do rút trước kỳ hạn.

Nếu dư dả, khách hàng cũng có thể chọn lựa việc gửi tiết kiệm bằng cả tiền USD và VND. Tuỳ theo nhu cầu cá nhân, người dân có thể vẫn chọn lựa USD để phù hợp với mục đích sử dụng cho việc đi du lịch, khám chữa bệnh hay gửi tiền cho con em học tập tại nước ngoài…

Nắm giữ VND hay ngoại tệ, mỗi người sẽ có lựa chọn khác nhau, tùy theo mục đích của mình. Nhưng chúng tôi xin đưa ra số liệu tổng hợp làm cơ sở để người dân tham khảo cho quyết định của mình: Số liệu mới công bố của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), đến 8/5/2015, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống đạt 3,69% - mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây.

Các số liệu thống kê cũng cho thấy tiền gửi khu vực dân cư trong 4 tháng đầu năm 2015 vẫn tăng mạnh, trong đó tiền gửi VND tăng cao hơn so với tiền gửi ngoại tệ. Cụ thể hơn, báo cáo mới nhất của NHNN chi nhánh TP.Hồ Chí Minh cho thấy: tín dụng 4 tháng đầu năm trên địa bàn thành phố tăng 4%; tiền gửi tiết kiệm tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là gửi tiết kiệm VND, tiền gửi USD chỉ tăng khoảng 0,6%.

>>> Người có tiền nhàn rỗi nên giữ VND hay USD?

Theo Thảo Minh

PV

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên