MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hãy đòi ngân hàng thẻ ATM bảo mật cao

07-08-2014 - 07:42 AM | Tài chính - ngân hàng

Thẻ ATM bị lộ thông tin, lỗi có thể do ngân hàng, doanh nghiệp hoặc khách hàng.

Theo thông tin từ các báo, kể từ đầu năm đến nay, liên tục xảy ra các trường hợp thẻ ATM bị rút tiền trong khi khách hàng không giao dịch.

Bị mất tiền mà không biết

Mới đây, một ngân hàng (NH) đã thông báo về tình hình tội phạm làm thẻ giả để rút tiền của khách hàng.

Theo đó, chỉ trong vòng ba ngày từ 22 đến 25-4, 13 khách hàng tại Lâm Đồng không tiến hành giao dịch rút tiền nhưng trong tài khoản bị trừ tổng số tiền hơn 202 triệu đồng. Điều tra cho thấy đối tượng đã dùng thẻ ATM giả với đầy đủ các thông tin của 13 khách hàng để rút tiền tại các máy ATM ở khu vực quận 1, TP.HCM và thông tin bị lấy cắp là tại trụ ATM ở Lâm Đồng...

Tại Hà Nội, từ tháng 5 đến tháng 6 xuất hiện một nhóm người nước ngoài chuyên sử dụng thẻ giả để rút tiền. Nhóm này đã bị Công an TP Hà Nội bắt.

Không chỉ diễn ra ở TP.HCM, Hà Nội, Lâm Đồng mà ở một số thành phố khác cũng từng có trường hợp tương tự như vậy. Hiện nay thẻ ATM đang trở thành miếng mồi ngon cho những đối tượng phạm tội.

Theo ông Đặng Quốc Tiến, nguyên Phó Tổng Giám đốc NH Quân đội Mbbank, các loại thẻ ATM bị ăn cắp thông tin đa số là thẻ từ. Với loại thẻ này, chỉ cần ăn cắp được mật khẩu thì kẻ gian dễ dàng làm ra thẻ từ giả. Tuy nhiên, với loại thẻ chip thì rất khó để làm giả.

Đồng quan điểm này, bà Vũ Thị Quỳnh Anh, Quyền Giám đốc Trung tâm Thẻ HDBank, cho rằng tình trạng kẻ gian làm thẻ giả diễn ra phổ biến trên thị trường thế giới. Hacker sẽ chọn những quốc gia mà chủ thẻ chưa hiểu rõ về việc sử dụng thẻ cũng như việc bảo mật thông tin thẻ còn thấp để tấn công. Ngoài ra, công nghệ thẻ cũng là một yếu tố đáng lưu tâm. Ở Việt Nam, tỉ lệ NH đã triển khai các công nghệ bảo mật hiện đại (EMV, 3D Secure…) chưa cao nên thường xuyên bị tấn công.

Theo các chuyên gia, hiện nay một số NH đã đầu tư hệ thống bảo mật cao như Sacombank, ACB, DongA, VIB… Hay như Eximbank, hiện đã cung cấp cho khách hàng một công nghệ mới, hiện đại nhận diện và xác thực giao dịch bằng vân tay thay cho chứng minh nhân dân, thẻ ATM nên rất an toàn. Còn tại HDBank, tất cả máy ATM đều có thiết bị chống ăn cắp thông tin thẻ hiện đại, kết hợp camera trong và ngoài trụ ATM để giám sát, triển khai nghiệp vụ giám sát giao dịch rủi ro tại trung tâm thẻ, dịch vụ cảnh báo giao dịch qua SMS… Tuy nhiên, việc đầu tư vào hệ thống ATM hiện không đồng đều và nguyên nhân bị mất thông tin thẻ ATM đến từ nhiều phía.

Lộ thông tin từ ai?

Một lãnh đạo NH cho biết các trường hợp khách hàng bị lộ thông tin, lỗi đến có thể từ NH - doanh nghiệp - khách hàng. Chẳng hạn vụ việc nhân viên một siêu thị do vô tình đã cung cấp danh sách khách hàng và thông tin thẻ kèm theo cho kẻ gian. Những trường hợp này không phổ biến do các doanh nghiệp/NH đều có những quy định rất chặt chẽ về bảo mật thông tin khách hàng. Song một khi sự việc xảy ra thì lại ảnh hưởng trên số đông khách hàng. Còn lại phần nhiều là do khách hàng sơ hở bị lộ thông tin.

Theo ông Đặng Quốc Tiến, sở dĩ thẻ nội địa đang bị tấn công và số lượng các vụ liên quan tăng so với các năm trước đây do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, kẻ phạm tội hiện nay ngày càng tinh vi vì họ giỏi về công nghệ, thậm chí đó là những người tạo ra các sản phẩm của công nghệ. Thứ hai, các NH có phần lơ là trong việc không cảnh báo cho khách hàng thận trọng trong khi giao dịch tại ATM. Cụ thể không chỉ lắp camera là xong, vì những tên tội phạm này có thể vô hiệu hóa ngay, NH phải có hệ thống cảnh báo bằng âm thanh, làm sao để khách hàng lưu ý quan sát xung quanh khi giao dịch.

Thứ ba, quản trị mạng của máy ATM của NH phải thông tin cho khách hàng sớm nhất. Khi thẻ ATM bị rút tiền bất cứ lúc nào thì khách hàng cũng phải nhận được tin nhắn báo vào điện thoại, email... Nếu là thẻ giả cũng chỉ được rút tiền một lần với số tiền cố định nào đó.

>>> Mở hàng trăm thẻ ATM để chiếm đoạt tài sản


Theo YÊN TRANG

hangnt

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên