Hãy xem vàng như cỏ rác!
Khi gặp biến động, sự hoài niệm thức dậy, người ta nhớ đến vàng và đưa tiền "trốn" vào vàng. Nhưng vàng vẫn chỉ là thứ kim loại lấp lánh. Cha ông xưa đã có câu "mua vàng thì lỗ, mua thổ thì lời"!
Theo dự báo, vàng sẽ tiếp tục mất giá trong thời gian tiếp theo khi kinh tế thế giới phục hồi mạnh mẽ. Việt Nam không thể thoát khỏi xu hướng đó dù hiện nay vẫn duy trì giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới suốt một thời gian dài. Điều gì sẽ xảy ra khi giá vàng trong nước sẽ hạ hơn nữa?
Chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn có cuộc trao đổi với Tuần Việt Nam.
'Mua vàng thì lỗ, mua thổ thì lời'
Kinh tế thế giới đang ấm lại, doanh nghiệp nhiều nước đang dần dần phục hồi nên có 2 thứ đang tăng.
Thứ nhất, cổ phiếu doanh nghiệp tăng do nhà đầu tư đổ tiền vào mua cổ phiếu. Nhờ vậy, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.Thứ hai,doanh nghiệp đang cần vốn từ mọi nguồn ngân hàng, nguồn huy động nên lãi suất tiền gởi sẽ tăng.
Còn một kênh nữa rất đáng chú ý. Nhờ kinh tế hồi phục, người lao động có công ăn việc làm nên nhiều nhu cầu được đáp ứng. Trong đó có bất động sản Mỹ và châu Âu đang phục hồi thị trường BĐS rất mạnh.
Ngày trước suy giảm kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, người ta dồn dập bán cổ phiếu, rút tiền gởi từ ngân hàng để tiền vào đầu tư vàng. Thực chất đầu tư vào vàng chẳng có lợi lộc gì.
Ông Huỳnh Bửu Sơn. Ảnh: VietNamNet |
Nay tình hình đã xoay chuyển, người ta ào ào bán vàng. Đó là nguyên nhân giá vàng xuống. Kinh tế càng hồi phục mạnh thì vàng sẽ bị rớt giá. Theo nhận định của tôi, giá vàng sẽ rớt mạnh trong giai đoạn 2013 - 2014.
Quan tâm tới vàng quá mức như ở Việt Nam ta chẳng có lợi gì cho nền kinh tế. Khi vàng tăng giá, để tránh tâm lý "bầy đàn" hoảng loạn và giới đầu cơ trục lợi, nhóm lợi ích thao túng, đừng quan tâm tới vàng nữa. Chừng nào chúng ta xem vàng như cỏ rác thì mới tốt cho nền kinh tế. Ông Huỳnh Bửu Sơn. |
Là chuyên gia tài chính ngân hàng, ông có vẻ 'kỳ thị' với vàng?
Quan điểm của tôi rất rõ. Sau khi vàng đã mất vai trò thanh toán, gọi là kim bản vị, thì vàng chỉ còn là một loại hàng hóa mà tính hữu dụng rất ít. Giá trị tâm lý nhiều hơn thực tế.
Người ta nghĩ đến vàng như sự hoài niệm. Khi gặp biến động, sự hoài niệm thức dậy, người ta nhớ đến vàng và đưa tiền "trốn" vào vàng. Nhưng vàng vẫn chỉ là thứ kim loại lấp lánh. Với bản chất một đất nước nông nghiệp như nước ta, cha ông xưa đã có câu "mua vàng thì lỗ, mua thổ thì lời" kia mà!
Trong thần thoại Hy Lạp có vị vua tên Midat rất mê vàng. Ông ta được thần Zeus cho quyền năng biến ước mơ vàng thành sự thật. Vị vụa này đụng vào cái gì lập tức thứ đó biến thành vàng! Tuy nhiên, vì "giấc mơ vàng thành hiện thực" nên vua Midat chết vì vàng bởi thức ăn ông đụng vào cũng biến thành vàng! Vua Midat đã chết trong đống vàng là vậy. Triết lý sâu xa của câu chuyện thần thoại này rất đáng suy nghĩ.
Tuy nhiên, tập quán trữ vàng vẫn còn "thâm căn cố đế" đến mức như thờ phụng vàng vậy! Đó là tiết kiệm bất động, tiết kiệm không khả dụng, làm nền kinh tế bị đóng băng, bất động. Đây là điều vô cùng tai hại!
Trong bài báo "Tỉnh giấc mơ vàng" của ông được giới chuyên gia tài chính chú ý, ông cho rằng chấm dứt hiện tượng "vàng hóa", ông cho rằng vàng không còn là bạn đồng hành với đồng tiền quốc gia nữa, mà là "sát thủ"! Vậy theo ông phải có chính sách hay biện pháp như thế nào để ngăn ngừa "sát thủ" vàng?
Nhà nước 'cứu' ai?
Trong thần thoại Hy Lạp có vị vua tên Midat rất mê vàng. Ông ta được thần Zeus cho quyền năng biến ước mơ vàng thành sự thật. Vị vụa này đụng vào cái gì lập tức thứ đó biến thành vàng! Tuy nhiên, vì "giấc mơ vàng thành hiện thực" nên vua Midat chết vì vàng bởi thức ăn ông đụng vào cũng biến thành vàng! Vua Midat đã chết trong đống vàng là vậy. Triết lý sâu xa của câu chuyện thần thoại này rất đáng suy nghĩ. |
Nên coi vàng như "cỏ rác" hơn là tôn vinh nó! Muốn vậy chính sách phải làm cho người tin tưởng để gởi tiền vào ngân hàng hoặc đưa đầu tư vào sản xuất kinh doanh mới đúng!
Một chính sách đúng đắn là phải đảo ngược cho được tiến trình vàng hóa, bằng cách tạo ra những động lực mạnh mẽ để người dân không tích góp vào vàng, bán vàng ra lấy tiền đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Hay chí ít đi nữa là gởi ngân hàng.
Khi giá vàng lên cao, Nhà nước đã can thiệp bằng cách nhập vàng về để "bình ổn giá"! Nay giá vàng đang xuống, đang có dư luận cho rằng Nhà nước sẽ nhập vàng về cũng để "bình ổn", không cho giá vàng rớt quá thấp! Ông nhận thấy sự can thiệp của Nhà nước như vậy có cần thiết không?
Đã có nhiều ý kiến về sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước vào thị trường vàng. Người ta nói không phải không đúng đâu. Bởi Ngân hàng Nhà nước có vai trò quản lý tiền tệ chứ không phải kinh doanh! Việc Ngân hàng Nhà nước tham gia quá thường xuyên và dùng ngoại tệ độc quyền nhập khẩu vàng về bán như vậy tất nhiên phải có lãi lớn rồi. Nhưng dù nộp ngân sách nhiều thì cũng không nên vui mừng vì không có lợi lộc gì cho nền kinh tế cả.
Nay nếu giá vàng đang xuống và khả năng sẽ xuống nhiều, nếu can thiệp để "cứu", thì cần phải xem xét tới lợi ích của đất nước! Bởi, "cứu" đây là "cứu" ai?
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã nhập khoảng 65 tấn vàng về bán lại để "bình ổn", thực chất là "bình ổn" để giá trong nước cao hơn giá quốc tế. Nay nếu vàng rớt giá thì những ai đang "ôm" 65 tấn vàng này sẽ bị thiệt hại. So với thời điểm "ôm" vào và giá vàng rớt xuống hiện nay, giới đầu cơ đã trót "ôm" 65 tấn vàng sẽ bị lỗ khá nặng đấy.
Đây sẽ là dấu hỏi lớn nếu như Nhà nước tiếp tục có động thái can thiệp!
Xin cảm ơn ông!
Theo Duy Chiến