Hình sự hóa trong lĩnh vực ngân hàng làm giảm khả năng thu hồi vốn
Việc hình sự hóa trong lĩnh vực ngân hàng làm giảm khả năng thu hồi vốn, tài sản cho Nhà nước và nhân dân, đồng thời có thể làm gia tăng chi phí cơ cấu lại.
Đó là ý kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại báo cáo giải trình chất vấn tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 29/9.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, thời gian qua đã triển khai đầy đủ, quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) và đạt được kết quả quan trọng. Hệ thống các TCTD được bảo đảm an toàn và trong tầm kiểm soát của NHNN, nguy cơ gây đổ vỡ, mất an toàn hệ thống đã được đẩy lùi, khả năng chi trả của các TCTD được bảo đảm, tài sản của Nhà nước và tiền gửi của nhân dân được an toàn, kể cả ở các NHTM yếu kém.
Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và kỷ cương, kỷ luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng được thiết lập và ngày càng củng cố. Hệ thống ngân hàng tiếp tục hoạt động an toàn, hiệu quả và không gián đoạn cung cấp dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế trong quá trình tái cơ cấu. Hiệu quả kinh doanh của các TCTD có chiều hướng giảm, phù hợp với tình hình kinh tế khó khăn và những giải pháp chia sẻ khó khăn của ngành ngân hàng đối với doanh nghiệp và người dân.
Về tình hình xử lý nợ xấu và hoạt động của Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt nam, NHNN cho hay, đến cuối tháng 7/2014, tổng nợ xấu nội bảng là 162,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,11% tổng dư nợ (cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu là 3,61%). Nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm 2014 do tình hình kinh tế vĩ mô chưa có nhiều cải thiện, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn, TCTD áp dụng chuẩn mực mới về phân loại nợ chặt chẽ hơn để phản ánh chính xác hơn chất lượng tín dụng và thực trạng nợ xấu, từ đó thúc đẩy xử lý nợ xấu.
Tuy nhiên, NHNN cũng cho rằng, quá trình cơ cấu lại các TCTD gặp không ít khó khăn do khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu các nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, quản trị, thủ tục, trình tự xử lý và thương lượng giữa các nhà đầu tư mất nhiều thời gian. Việc tái cơ cấu xử lý những tồn tại, yếu kém ở một số TCTD, nhất là các TCTD thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước chưa được triển khai quyết liệt. Sự an toàn lành mạnh của hệ thống ngân hàng được cải thiện rõ rệt nhưng chưa đồng đều giữa các TCTD.
Cũng theo NHNN, khuôn khổ pháp lý về dân sự, kinh tế, đầu tư, tài chính, ngân hàng còn chưa rõ ràng, đồng bộ; cơ chế thực thi pháp luật có nơi, có lúc chưa bảo đảm nghiêm minh, công bằng, đặc biệt chưa bảo vệ quyền của chủ nợ. Trình tự, thủ tục xử lý tài sản, tố tụng và thi hành án phức tạp, kéo dài gây tốn kém thời gian và chi phí cho TCTD.
Đặc biệt, NHNN cho rằng, việc hình sự hóa trong lĩnh vực ngân hàng làm giảm khả năng thu hồi vốn, tài sản cho Nhà nước và nhân dân, đồng thời có thể làm gia tăng chi phí cơ cấu lại. “Phương châm của ngân hàng là không hình sự hóa các quan hệ dân sự. Qua thanh tra, kiểm tra chúng tôi muốn phát hiện sai phạm và tạo điều kiện cho các bên khắc phục. Đến khi không khắc phục được thì sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật, kể cả là biện pháp hình sự” – Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhận trách nhiệm về sai phạm tại Ngân hàng Xây dựng
Theo Thành Văn