MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hôm nay Thống đốc Nguyễn Văn Bình “đăng đàn” trả lời chất vấn

29-09-2014 - 08:07 AM | Tài chính - ngân hàng

Đây là lần thứ 2, Thống đốc trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Lần trước là vào tháng 8/2012.

Theo kế hoạch dự kiến của Phiên họp thứ 31 Ủy ban thường vụ Quốc hội, hôm nay 29/9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ “đăng đàn” trả lời chất vấn Quốc hội về các vấn đề liên quan tái cơ cấu, xử lý nợ xấu và kế hoạch cung ứng tín dụng cho nền kinh tế.

Đây là lần thứ 2, Thống đốc trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban thường vụ. Lần trước là vào tháng 8/2012.

Theo số liệu vừa được công bố tại Diễn đàn kinh tế mùa thu cuối tuần qua ở Ninh Bình, cho đến cuối tháng 8, VAMC đã mua 60.000 tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng, trong tổng số 150.000 tỷ đồng nợ xấu và xử lý được 1.200 tỷ đồng, tương đương 2% tổng số nợ xấu đã mua.

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng hoạt động mua bán nợ xấu của VAMC vẫn chưa thực sự hiệu quả. VAMC cần thay đổi cách tiếp cận nợ xấu và xử lý nhanh các tài sản đảm bảo, đặc biệt là với bất động sản. Bên cạnh đó, Nhà nước phải trao quyền độc lập hơn cho VAMC cũng như tăng tiềm lực cho đơn vị này.

Trước đó, nhiều chuyên gia cũng kiến nghị VAMC cần phải có “tiền tươi thóc thật” để đẩy nhanh xử lý nợ xấu, chứ không chỉ bằng các “biện pháp kỹ thuật” làm sạch bản cân đối kế toán ngân hàng như hiện nay.

Dẫu vậy, Chính phủ vẫn giữ nguyên quan điểm xử lý nợ xấu qua VAMC không sử dụng ngân sách. Tại nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8, Chính phủ đã yêu cầu NHNN trước ngày 30/9 phải xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý nợ xấu qua VAMC theo cơ chế thị trường, không trực tiếp sử dụng ngân sách nhà nước. Đồng thời, nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 53 về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC nhằm tăng năng lực của đơn vị này trong xử lý nợ xấu.

Về tín dụng, số liệu mới nhất của NHNN cho thấy, đến 24/9 tín dụng mới tăng trưởng 6,7%, cách khá xa so với mục tiêu đề ra là 12 – 14%.

Đối với hoạt động tái cơ cấu, các chuyên gia tham dự Diễn đàn kinh tế mùa Thu cho rằng tái cơ cấu còn chậm, “cục máu đông” nợ xấu và sở hữu chéo vẫn là 2 vấn đề lớn cản trở đà phát triển của nền kinh tế và cần phải mạnh tay hơn nữa để loại bỏ các “ung nhọt này”. Nhưng cũng thừa nhận rằng, sau 3 năm đại phẫu, ngành ngân hàng đến nay đã lành mạnh hơn so với giai đoạn trước tái cơ cấu.


Tùng Lâm

hangnt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên