“Hòn than hồng” nợ xấu, một năm nhìn lại
Tròn một năm, 31/5/2013 - 31/5/2014, đề án xử lý nợ xấu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cùng với đó là cơ chế để Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) ra đời.
Một cách so sánh, trạng thái nợ xấu giống như một hòn than trên tay nền kinh tế, không thể ném đi được mà phải lăn qua lăn lại cho bớt nóng, bởi nếu để đứng yên nguyên trạng thì bỏng.
Nổi bật trong các giải pháp đã triển khai trong tròn một năm qua là việc “lăn qua lăn lại” như vậy để nợ xấu bớt nóng, tránh bị bỏng. Hai điểm đến chính của trạng thái này là VAMC và cơ cấu lại nợ (bằng Quyết định 780).
Với VAMC, đến nay đang là giải pháp chủ đạo, tạm gạt một phần lớn nợ xấu sang một bên cho dễ xử lý chính nó và các vấn đề khác liên quan. Cuối 2013, công ty này dồn dập mua lại nợ xấu từ các tổ chức tín dụng, với hơn 39.000 tỷ đồng.
Nhưng, tốc độ từ đầu năm 2014 đến nay đã chậm lại. Ước tính, từ đầu năm đến nay VAMC mới chỉ mua thêm được khoảng 6.300 tỷ đồng nợ xấu, đưa tổng quy mô đã mua lại lên hơn 45.000 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước, tốc độ chậm lại như trên không phải là tiến độ xử lý nợ xấu trong hệ thống chậm lại, mà do một phần từ việc xem xét phương án phát hành trái phiếu đặc biệt.
Ngân hàng Nhà nước vẫn đang mời các tổ chức tín dụng lên trực tiếp làm việc về kế hoạch bán nợ và các khoản nợ xấu cụ thể bán lại cho VAMC. Hiện các hồ sơ gửi về công ty này để đăng ký bán lại nợ xấu có khoảng 30.000 tỷ đồng.
“Chúng tôi tin tưởng, với những giải pháp Ngân hàng Nhà nước đang triển khai cũng như kế hoạch của các tổ chức tín dụng về việc bán nợ xấu cho VAMC, mục tiêu mua được 70-100 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong năm 2014 là có thể đạt được”, ông Nghĩa tính toán.
Với việc cơ cấu lại nợ, một cấu phần đáng kể của “hòn than” cũng đang lăn sang đây, nhưng giới hạn đã nhìn thấy trước. Từ 20/3/2014, cơ chế cho cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm bằng Quyết định 780 được chuyển tiếp vào Thông tư 09, và được áp dụng cho đến 1/4/2015, tức thêm gần một năm nữa rồi sẽ phải trở về nguyên trạng.
Dựa trên số liệu đại diện Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng đưa ra hồi tháng 4/2014, các khoản nợ lẽ ra là nợ xấu nhưng được cơ cấu lại theo chính sách trên vào khoảng 186 nghìn tỷ đồng. Đáng quan tâm hơn, tỷ lệ hồi sinh sau khi được tái cơ cấu trong khối lượng nợ này là bao nhiêu, hiện không có con số công bố cụ thể, trong khi thực tế có hiện tượng nhiều tổ chức tín dụng phải tái đi tái lại cho cùng một khoản…
Nhưng như trên, theo quy định tại Thông tư 09, gần một năm nữa việc tái cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm sẽ phải chấm dứt. Cũng như tinh thần chung của thông tư này, bắt đầu có hiệu lực từ 1/6/2014, áp lực đối với việc nhận diện nợ xấu sẽ lớn hơn.
Chánh thanh tra Nguyễn Hữu Nghĩa nhìn nhận, với Thông tư 09, quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro sẽ chặt chẽ hơn, đưa tỷ lệ nợ xấu lên cao hơn nhưng sát thực hơn và tạo thêm sức ép để thúc đẩy các tổ chức tín dụng tái cơ cấu.
Trong tái cơ cấu, việc tự xử lý nợ xấu cũng là một nội dung đối với các tổ chức tín dụng. Thời gian qua, hoạt động này thể hiện khá rõ nét, cho thấy họ quyết tâm hơn trong việc tự mình cứu mình.
Theo đề án xử lý nợ xấu mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giải pháp đối với các tổ chức tín dụng là đôn đốc thu hồi nợ, bán và phát mại các tài sản đảm bảo, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu theo pháp luật. Trong hai năm qua, ước tính đã có trên 100 nghìn tỷ đồng nợ xấu được xử lý bằng con đường này - được xem là một nỗ lực của các tổ chức tín dụng trong bối cảnh kinh doanh còn nhiều khó khăn. Từ đầu năm 2014 đến nay, ghi nhận nối tiếp là quy mô tự xử lý thêm khoảng 10 nghìn tỷ đồng.
Đó là những ước lượng cơ bản về quá trình xử lý nợ xấu cho đến nay, nhất là sau một năm triển khai đề án tổng thể mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Còn để xử lý triệt để và thành công, “hòn than hồng” nợ xấu thực sự nguội bớt mà không phải lăn qua lăn lại nữa, thì như Ngân hàng Nhà nước từng nêu quan điểm: chỉ riêng ngành ngân hàng là không thể, mà cần sự phối hợp và những chuyển động cụ thể và tích cực từ sự hỗ trợ của các ban, ngành chức năng, cũng như từ sự cải thiện trong sản xuất kinh doanh của chính các doanh nghiệp vay vốn có nợ xấu.
Theo Minh Đức