MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Họp quốc hội]: Nội dung phiên thảo luận tại Quốc hội chiều 01/11 về tái cơ cấu nền kinh tế

01-11-2014 - 14:36 PM | Tài chính - ngân hàng

Các đại biểu cho rằng tái cơ cấu nền kinh tế là chủ trương đúng đắn, kịp thời, tuy nhiên việc triển khai đến nay vẫn còn chậm, thời gian tới phải quyết liệt hơn nữa.

Chiều 01/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tình hình kinh tế, trong đó trọng tâm là hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế (tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng).

>>> Nội dung phiên thảo luận sáng 01/11

Phát biểu đầu phiên buổi chiều, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, đoàn đại biểu Thái Nguyên cho rằng cần phải xem xét một cách nghiêm túc việc tăng lương cho người lao động.

Về vấn đề tài cơ cấu, ông Hùng cho rằng không nên đặt ra yêu cầu quá cao về kết quả mà nên xem đi đúng hướng hay chưa. Cụ thể, tái cơ cấu đầu tư cần có cơ chế thuận lợi cho nhà đầu tư, cần đảm bảo nguồn vốn đáp ứng phát triển, giảm tỷ lệ đầu tư nhà nước, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Về cơ chế, phải giảm cơ chế cấp vốn nhà nước, tăng cơ chế tín dụng. Tăng cường cơ chế công khai, minh bạch. Tăng thẩm quyền đầu tư, phân bổ nguồn vốn. Về cơ hội cho nhà đầu tư, với lĩnh vực có lợi nhuận cần tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, tuy nhiên với vùng khó khăn có chính sách khuyến khích.

Đồng thời cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư tụt 6 bậc, nộp thuế tụt 2 bâc…ảnh hưởng lớn đến tình hình đầu tư. Đặc biệt, phải đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, cần phải tích cực, giảm chi phí vô lý, nhũng nhiễu phiền hà cho nhà đầu tư.

Ông Hùng cho rằng muốn tái cơ cấu có hiệu quả cần có sự giám sát toàn diện. Tăng cường giám sát quốc hội, cơ quan quốc hội về đầu tư, nợ xấu, pháp luật, đầu tư công…

Xác định lĩnh vực trọng tâm để tăng cường giám sát đầu tư công, giám sát tài chính…phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam. Hiện nay mô hình giám sát còn phân tán ở lĩnh vực: ngân hàng, tài chính, chứng khoán…nên chưa hiệu quả.

Về vấn đề nguồn nhân lực, ông Hùng cho rằng tỷ lệ lao động khu vực nông nghiệp ở nông thôn có giảm nhưng rất chậm chạp, Mỗi năm có giảm được 0,3%. Trong khi mục tiêu, đến 2020 nhiệm vụ giảm xuống 30%, như vậy phải cần đến 20 năm mới hoàn thành. Theo ông Hùng, cần nghiên cứu để tăng lương cho người lao động. Đây là vấn đề cần nghiêm túc thực hiện chứ không chỉ nêu ra rồi để đấy.

Nhận định về kết quả tái cơ cấu trong thời gian qua, Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh – Tỉnh Hòa Bình cho biết, sau hơn 3 năm thực hiện tái cơ cấu kinh tế, nền kinh tế nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Kinh tế vĩ mô ổn định hơn, duy trì tốc độ tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người tăng, Lạm phát kiềm chế, các chương trình mục tiêu quốc gia đã đạt kết quả tích cực, các cân đối lớn chuyển biến rõ rệt, khoa học công nghệ được tăng cường, xây dựng giao thông y tế nông nghiệp được ứng dụng rộng rãi …

Đánh giá về kết quả tái cơ cấu đầu tư công, đại biểu cho rằng đây là nội dung có nhiều điểm sáng, nổi bật là Chính phủ và quốc hội đã ban hành nhiều chính sách quan trọng làm tiền đề cho tái cơ cấu. Đồng thời, tái cơ cấu trong thời gian qua đã tránh phân tán lãng phí. Công tác quản lý đầu tư, từ khâu quy hoạch, duyệt đề án triển khai giám sát, bố trí vốn đầu tư, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản … đã có chuyển biến tốt.

Nhiều dự án được bố trí vốn tập trung đã góp phần đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả. Việc phân bổ vốn trung hạn giúp các bộ ngành và các địa phương chủ động hơn trong quản lý và thực hiện nguồn vốn được giao. Việc thực hiện các dự án đầu tư công đã được thực hiện theo cơ chế công khai, minh bạch và mang lại hiệu quả kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, Đại biểu cũng chỉ ra một số nội dung: Báo cáo cần đánh giá tác động của tái cơ cấu trên các lĩnh vực, địa bàn như lĩnh vực nông nghiệp. Tái cơ cấu có làm ảnh hưởng đến việc phân bổ nguồn vốn cho các dự án nông nghiệp hay không? Bao nhiêu dự án công trình thủy lợi bị đình hoãn, ảnh hưởng đến nông nghiệp nông dân và nông thôn.

Đối với lĩnh vực y tế, tái cơ cấu đầu tư công có giúp nâng cao công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân hay không. Lĩnh vực giao thông cũng cần đánh giá toàn diện về kết quả phát triển nâng cấp các dự án giao thông trên cả nước.

Huy động nguồn lực cho các vùng miền núi, liên quan đến phân bổ nguồn lực, miền núi vùng khó khăn dân tộc thiểu số. Trong 4 năm qua đầu tư công chỉ phân bổ từ ngân sách TW và trái phiếu chính phủ nhưng xu hướng ngày càng giảm. Nhiều dự án chậm phát huy hiệu quả, gây thất thoát lãng phí.

Đại biểu nhấn mạnh, đầu tư từ ngân sách sẽ là nguồn đầu tư chủ yếu, quyết định hiệu quả kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh. Do vậy, cần đánh giá đầy đủ tái cơ cấu liên quan đến hoạt động của DN, vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ xấu, những ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của DN xây dựng liên quan đến vốn.

Đại biểu Bùi Văn Phương, tỉnh Ninh Bình cho rằng tái cơ cấu kinh tế trong lúc bối cảnh rất khó khăn, nguồn lực không có gì đáng kể. Có những lĩnh vực như ngân hàng triển khai sớm nhưng hơn 1 năm nay, những kết quả đạt được là điều đáng ghi nhận.


Về vấn đề tái cơ cấu đầu tư công ông Phương đề nghị, Chính phủ cần có chỉ đạo các địa phương trung thực tổng hợp đầy đủ, chính xác, cơ bản vấn đề nợ công hiện nay, Trong báo cáo, Chính Phủ nói nợ 44 ngàn tỷ đồng. Cũng trong báo cáo xem qua 16 địa phương nợ công đã lên tới 33 nghìn tỷ đồng. Nếu cả nước hợp lại con số rất lớn. Chính phủ cần chỉ đạo điều hành vấn đề này không chỉ trong năm tới các doanh nghiệp bất động sản sẽ phá sản hàng loạt.

Trong bối cảnh khó khăn, thu ngân sách gặp khó, trần nợ công lớn quan ngại cần đẩy mạnh công tác quản lý. Cụ thể, những dự án cầu, đường có thể huy động tư nhân…Nhà nước chỉ nên đầu tư vào những cái thiết yếu. Cần phải đa dạng hoá đầu tư mới giảm bớt áp lực cho đầu tư công.

Về tái cơ cấu ngân hàng ông Phương ghi nhận những kết quả đã đạt được. Về vấn đề nợ xấu, ngân hàng đã cố gắng. Trong vài năm qua chỉ ngân hàng đứng ra mua bán nợ xấu đã giải quyết được 50% nợ năm 2012.

Ông Phương kiến nghị phải tạo nhận thức hơn nữa về nợ xấu. Không xử lý được nợ xấu không thể phát triển kinh tế. Khắc phục nợ xấu nhiệm vụ của các ngành kinh tế. Đối với VAMC còn nhiều bất cập về cơ sở pháp lý, nguồn lực, pháp lý…

Ông Phương kết luận, hiện nay, ngân sách không thể lo cho nợ xấu. Cần nỗ lực tập trung cao, cái gì bất cập có thể sửa được ngay.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình – TP Hà Nội phát biể, vấn đề tài cấu trúc hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 do Chính phủ phê duyệt đã tập trung lành mạnh hóa các tổ chức tín dụng, nâng cao trật tự kỷ cương của hoạt động ngân hàng.

Đánh giá một cách khách quan, Đại biểu cho rằng NH nhà nước đã làm tốt quá trình tái cơ cấu và đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong công tác tái cơ cấu đã từng bước lập lại kỷ cương trên thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối, lãi suất đã giảm đáng kể. Tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng mạnh, an toàn tài chính quốc gia, góp phần ổn định tài chính, kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh cơ cấu tổ chức tín dụng…

Đại biểu cho rằng nhiệm vụ tái cơ cấu trong thời gian tới cần các ưu tiên sau:

Thứ nhất, việc xử lý các ngân hàng yếu kém, sáp nhập còn chậm, cần đẩy nhanh hơn nữa.

Thứ hai, cần đưa các Ngân hàng nhà nước lớn có tiềm lực tài chính mạnh tham gia tái cấu trúc ngân hàng nhỏ để tạo thêm sức mạnh.

Thứ ba, tái cấu trúc TCTD là vấn đề của cả nền kinh tế, nên NH nhà nước không nên đứng độc lập trong quá trình này. Cần phát huy sức mạnh của các bộ ngành địa phương và cả hệ thống pháp luật.

Thứ tư, cần đề xuất một cơ chế xử lý tài sản đảm bảo đơn giản hơn để giúp VAMC và hệ thống NH thương mại đẩy nhanh xử lý nợ xấu.

Thứ năm, về việc xử lý nợ xấu trong thời gian qua, NH nhà nước đã triển khai quyết liệt khẩn trương các hoạt động như bán nợ, cắt giảm chi phí, hạn chế lương thương, bán nợ xấu cho VAMC.... Đến tháng 9/2014 đã xử lý được 54,3% tỷ lệ nợ xấu. Con số đã ghi nhận sự cố gắng của các TCTD trong hoàn cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. VAMC bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực, gỡ khó cho khách hàng.

Đại biểu Y Khút Ni ê, đại biểu tỉnh Đắc Lắk phát biểu, sau 3 năm tổ chức tái cơ cấu kinh tế đã mang lại kết quả đáng trân trọng: kinh tế vĩ mô ổn định, GDP tăng, xuất siêu tăng, giảm tỉ lệ nghèo, chính sách an sinh xã hội, người có công được đảm bảo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Tuy nhiên, tốc độ GĐP 2011-2015 đạt 5,78% không đạt được chỉ tiêu đề ra, năng suất lao động vẫn bị đánh giá thấp ở Đông Nam Á. Đây là bài học để chúng ta suy ngẫm nghiêm túc với mong muốn đưa đất nước sánh vai với họ.



Về đầu tư công, đại biểu đánh giá cao kết quả đạt được. Hạ tầng kinh tế kĩ thuật ngày càng được hoàn thiện. Tuy nhiên, do áp lực quá lớn, trình độ quản lý còn nhiều hạn chế, nhiều dự án gây thất thoát, nhân dân thất vọng. Nguyên nhân được cho là quá trình phê chuẩn nhiều dự án không có trọng điểm dự án nào, đầu tư dàn chải, vị phạm về chất lượng công trình, nhiều dự án kém chất lượng.

Ông Y Khút Ni ê cho biết chưa đi nước ngoài được nhiều nhưng thấy rằng ở nước ngoài họ rất tiết kiệm, làm gì cũng tính đến hậu quả chứ không lãng phí như Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiến, Vũng Tàu phát biểu, kết quả đầu tư công rất tích cực, nhiều đột phá trong luật đầu tư công. Ngành giao thông vận tải, đã tạo ra hiệu quả rõ rệt. Ngân hàng đã có bước đi tự tin, xử lý ngân hàng yếu kém, cá nhân vi phạm. Điều đó phản ánh niềm tin của người dân.

Đối với nước ta, nguồn vốn đầu tư có hạn, cần phải ưu tiên, tạo động lực, nguồn thu cho lớn cho ngân sách. Hiện nay Nhà nước đang cho xây dựng cảng nước sâu Thị Vải, nhưng hiện nay tàu bè không có. Nguyên nhân có liên quan đến: tiến độ di dời cảng, chưa tạo được kết cấu hạ tầng với cảng...

Theo ông Hiến, cần chống được tham nhũng, lãng phí trong đầu tư công. Đại biểu cũng đề nghị phải tái cơ cấu trách nhiệm, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đại biểu TP.HCM cho rằng quá trình tái cơ cấu nước ta là kế hoạch dài hạn, mới triển khai gần đây nhưng đã đạt được những kết quả ghi nhận, đặc biệt về hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật. Đây là cơ sở đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu.

Qua 3 năm tái cơ cấu: kinh tế vĩ mô ổn định tạo điều kiện để phát triển toàn diện.

Ông Ngân đề xuất Chính Phủ phải xác định rõ hơn mô hình phát triển kinh tế, xác định rõ cơ cấu cho từng ngành, vùng, thành phần và từng địa phương về kinh tế.

Ông Ngân nhận định, tái cơ cấu đầu tư công thời gian qua có quá nhiều vấn đề. Một số dự án đầu tư không hợp lý, công trình hoàn thành nhưng không như mong đợi. Chính phủ vẫn cần làm rõ trách nhiệm các bên liên quan đến các dự án yếu kém trong đầu tư công.

Về vấn đề cổ phần hoá, trong 3 năm đã cổ phần được 170 doanh nghiệp, đề án được 180 doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp nhà nước còn chần chừ. Chính Phủ phải xác định rõ nhiệm vụ chính, không chỉ tập trung vào số lượng mà còn về chất lượng của cổ phần hoá.

Doanh nghiệp Nhà nước phải chịu trách nhiệm với nhân dân về hành động của mình. Ông Ngân cho rằng cần tăng tính minh bạch, công khai của doanh ngiệp nhà nước. Chính Phủ cần tăng cường chức năng giám sát hiệu quả, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân


Đại biểu Phan văn Quý – Nghệ An phát biểu, trong 3 năm qua, nền kinh tế nước ta có nhiều giai đoạn thăng trầm, nhiều doanh nghiệp phá sản. Nhưng nhìn tổng thể, chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế của Đảng, Quốc hội, của Chính phủ đã đi đúng hướng. Nhiều lĩnh vực đã chuyển mình và đạt được những kết quả quan trọng.

Về tái cơ cấu thị trường tài chính với trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính. Trong thời gian qua, doanh nghiệp phải tiếp cận với nguồn vốn vay cao, thang bậc xếp hạng tín nhiệm thấp, việc tái cơ cấu ngân hàng đã đạt được những kết quả đáng kích lệ. Một số ngân hàng yếu kém đã được sáp nhập, nguồn vốn vay từng bước được khai thông phục vụ cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, nhiều chính sách về ngân hàng và tiền tệ đã được ban hành góp phần phát huy tác dụng trong công tác quản lý và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng…Những kết quả đạt được đã góp phần tạo ra thị trường tài chính, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, sản xuất kinh doanh đã dần ấm lên.

Trình bày về giải pháp, Đại biểu Phan Văn Quý cho rằng, chúng ta cần thúc đẩy các ngân hàng sáp nhập hợp nhất, khuyến khích tạo điều kiện cho ngân hàng mạnh và ngân hàng yếu sáp nhập.

Đồng thời, cần tích cực giám sát nợ xấu, minh bạch hóa thông tin về nợ xấu của các tổ chức, đơn vị. Kiểm tra giám sát chặt chẽ hoạt động đảm bảo thông tin phù hợp với quy định và thông lệ quốc tế, đánh giá phân loại và công bố khả năng thu hồi nợ của các khoản nợ.

Tình trạng sở hữu chéo hiện nay đã đến mức báo động, do đó cũng cần minh bạch sở hữu chéo. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu, cần tập trung xây dựng thị trường tín dụng và thị trường vốn minh bạch.

Ngoài ra, Đại biểu cũng đề xuất nên xây dựng và áp dụng luật bảo hiểm tiền gửi nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, đảm bảo an toàn cho hệ thống tín dụng. Cùng với đó là xây dựng hệ thống xếp hạng ngân hàng để người dân phân loại ngân hàng tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp để gửi tiền. Nếu làm được điều này, nó sẽ là đòn bẩy để các ngân hàng cạnh tranh lành mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Đại biểu cho rằng, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, cần hoạt động theo luật doanh nghiệp. Do vậy cần có chính sách yêu cầu giải thể các ngân hàng yếu kém, như việc giải thể các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả.

Đại biểu Đỗ Kim Tuyến, TP. Hà Nội cho biết, tái cơ cấu kinh tế không thể thành công nếu không đảm bảo an ninh xã hội.

Theo đó, ông Tuyến khẳng định trước hết nhiệm vụ to lớn phải đảm bảo an ninh trong lĩnh vực trước tiên là tín dụng ngân hàng, tham nhũng, sở hữu chéo, chính sách thuế. Phải đảm bảo an ninh trật tự, hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro, thiệt haị cho nền kinh tế.

Ông Tuyến cho biết, trong bối cảnh kinh tế còn rất nhiều khó khăn như hiện nay có rất nhiều các thế lực thù địch có âm mưu chống phá nhà nước, phá hoại nền kinh tế. Nhiệm vụ đặt ra là phải vô hiệu hoá các âm mưu chia rẽ đất nước, gây bất ổn chính trị, chống phá kinh tế.

Đặc biệt, ngành côgn an đảm bảo an ninh tín dụng, ngoại tê, thị trường vàng, mua bán bất động sản, sở hữu chéo, thị trường tiền tệ,… đảm bảo an ninh thị trường tiền tê, tránh đổ vỡ hệ thống.

Ông Tuyến cho biết, từ đầu năm đến nay đã điều tra 76 vụ việc về ngân hàng, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng, ví dụ như vụ Nguyễn Đức Kiên, Trần Công Danh, Hà Văn Thắm, Ngân hàng nông nghiệp hoặc các tiêu cực trong các sàn giao dịch vàng...

Ông Tuyến đề xuất các nhiệm vụ sau:

Một là, Chính Phủ phải đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế gắn với an ninh xã hội. Các thế lực thế địch với phương thức tinh vi nên nhiệm vụ đặt ra là không để các thế lực chông phá, nhũng nhiễu, chống phá đất nước và nền kinh tế.

Hai Là, Chính Phủ tiếp tục tập trung tháo gỡ rào cản, sửa đổi bổ sung, luật tín dụng, vàng, ngoại tê, các vấn đề liên quan đến các yêu cầu thoái vốn, nợ xấu trong thời gian tới.

Ba là, Chính Phủ tăng cường kiểm tra sai phạm đầu tư công, tránh thất thoát tài sản lớn trong tái cơ cấu, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

Bốn là, Chính Phủ phải tăng cường nắm tình hình, phòng ngừa đảm bảo an toàn an ninh xã hội. Xử lý nghiêm minh vi phạm, giảm thiệt hại tổn thất cho kinh tế và tránh hình sự hoá các vụ việc dân sự.

Ông Tuyến khẳng định, tái cơ cấu kinh tế chỉ đạt được kết quả tốt khi quản lý chất lượng, đội ngũ quản lý có trình độ cao, sáng tạo. Vị vậy, Chính Phủ cần cơ cấu lại đôi ngũ cán bộ quản lý, đảm bảo năng lực quản lý trong giai đoạn tái cơ cấu.

>>> Nội dung phiên thảo luận tại Quốc hội chiều 30/10

>>>Nội dung phiên Thảo luận tại Hội trường sáng ngày 30/10

>>> Nội dung phiên thảo luận tại Quốc hội sáng 31/10

>>> Nội dung phiên thảo luận sáng 01/11


Đại biểu Lê Công Đỉnh – Long An cho rằng các mục tiêu như tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, tăng trưởng ở mức hợp lý … về cơ bản đã đạt được, song cần có những đánh giá thận trọng và hiệu quả hơn. Chẳng hạn như tiết kiệm bằng hoặc cao hơn tổng mức đầu tư sẽ không còn ý nghĩa nếu như hàng tồn kho tăng cao, tín hiệu tiêu dùng giảm hoặc người dân không có khả năng đầu tư.

Tương tự, chỉ số giá giảm, liên tục xuất siêu không thể nói hoàn toàn tích cực, khi ở mặt khác, đây cũng là tín hiệu cho thấy tổng cầu và khả năng đầu tư giảm.

Theo Đại biểu, trong tình hình hiện nay, để đánh giá nền kinh tế và “sức khỏe” nền kinh tế cần quan tâm đến 4 nhóm mục tiêu cơ bản: “sức khỏe” doanh nghiệp, khả năng huy động nguồn lực, kích cầu trong sản xuất tiêu dùng và “sức khỏe” ngân sách.

Các mục tiêu này có liên quan đến 3 lĩnh vực trọng tâm: tái cơ cấu doanh nghiệp, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tái cơ cấu đầu tư công. Trong đó, quyết định cuối cùng cho các mục tiêu này là hệ thống thể chế; do vậy cần tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế.

Đánh giá về quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Đại biểu cho rằng Chính phủ và nhà nước cần vào cuộc quyết liệt, cụ thể và thuyết phục hơn. Tuy đã có đề án tái cơ cấu ngành nhưng cần xác định rõ quan điểm nông dân hay sản xuất là đối tượng quyết định tái cơ cấu nông nghiệp? Cần xem nông dân là đối tượng chủ yếu của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, cũng như doanh nghiệp là đối tượng trung tâm của quá trình tái cơ cấu công nghiệp và dịch vụ.

Đại biểu Lê Công Đỉnh đề cập một số vấn đề cần quan tâm và giải quyết sớm trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

(i) Chuỗi giá trị trong liên kết sản xuất - chế biến – tiêu thụ, tương quan lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp chưa được nghiên cứu đầy đủ. Đồng thời phải gắn kết hai nhà: nhà nước và nhà khoa học. Có cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào kênh liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thị nông sản.

(ii) Mô hình tổ chức quản lý hiện này còn trì trệ kéo dài, do đó cần phải có cơ chế hợp tác trên quy mô lớn.

(iii) Phải chủ động kiểm soát thị trường giá cả.

Về tái cơ cấu công nghiệp, Đại biểu nhận định, giá trị gia tăng trên giá trị sản xuất công nghiệp hiện nay còn thấp. Cải tiến công nghệ mới chỉ là nhập thiết bị đầu tư, công nghiệp hỗ trợ còn kém, chưa có chiến lược rõ ràng.

Trên cơ sở đó, Đại biểu đưa ra một số giải pháp như: Xác định chiến lược cải tiến phát triển công nghệ, nghiên cứu giải pháp phát triển cụm liên ngành, hạn chế thu hút đầu tư tràn lan; quan tâm hơn nữa doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo điều kiện thu hút vốn tín dụng, trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Đại biểu Hoàng Thị Hoa, Đại biểu Bắc Giang yêu cầu Chính Phủ cần chú trọng đến các lĩnh vực khác bên cạnh 3 trọng tâm trong tái cơ cấu.

Bà Hoa yêu cầu Chính Phủ cần phải có đề án xem xét cụ thể về các lĩnh vực: văn hoá, lao động, y tế, giáo dục,...Đây là cơ hội tạo ra sự đồng bộ, phát triển toàn diện đất nước.

Bà Hoa cho rằng tái cơ cấu văn hoá là lĩnh vực quan trọng bởi văn hoá là động lực, mục tiêu phát triển. văn hoá góp phần thúc đẩy phát triển về kinh tế. Tái cơ cấu kinh tế, văn hoá có mối quan hệ chặt chẽ, liên quan trực tiếp đến tăng năng suất lao động, gắn bó với khát vọng cống hiến của từng công dân.

Bà Hoa lấy ví dụ, trên thế giới có nhiều nước không có tài nguyên, nguồn lực mạnh…đây là bài học cho Việt Nam.

Bà Hoa cho rằng, đất nước ta có truyền thống cần cù lao động, sáng tạo để phát huy thế lợi thế đó đòi hỏi mỗi người phải thắp một ngọn nến khát vọng để kết quả đạt được như mong đợi.

Đại biểu Lê Bộ Lĩnh – An Giang cho biết, tái cơ cấu phải đặt trong tổng thể. Mục tiêu tái cơ cấu là hướng đến chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên hiệu quả và đảm bảo sự cạnh tranh của nền kinh tế. Đó cũng chính là đích đến và mục tiêu của quá trình tái cơ cấu.

Mô hình tăng trưởng của VN chủ yếu dựa vào tài nguyên và vốn. Hạn chế của nó là năng suất thấp, sức cạnh tranh thấp, mức tăng trưởng của chúng ta là dưới mức tăng trưởng tiềm năng.

Mức tăng trưởng tiềm năng được đánh giá là dưới 7%, nhưng chúng ta chỉ tăng trưởng từ 5-6%. Như vậy tái cơ cấu phải giải quyết 2 vấn đề: làm cho nền kinh tế tăng trưởng sát mức tiềm năng và mở rộng biên độ tăng trưởng tiềm năng để chúng ta có thể tăng trưởng cao trên 7%.

Do vậy, Đại biểu kết luận, VN phải tăng trưởng hai giai đoạn với mô hình hai tốc độ.

Giai đoạn đầu, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập để tăng trưởng sát mức tiềm năng. Đây là giai đoạn mà VN đang thực hiện, làm giảm bất ổn về vĩ mô, giảm tác hại của nợ xấu, đầu tư dàn trải để khắc phục những yếu tố đẩy nền kinh tế tăng trưởng sát mức tiềm năng. Về dài hạn, nền kinh tế phải tăng trưởng cao hơn, tăng trưởng nhưng không gây bất ổn vĩ mô.

Giai đoạn hai, chúng ta phải tập trung cải cách thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Để thay đổi mô hình tăng trưởng, Đại biểu nhấn mạnh, chúng ta “không thể dàn hàng ngang, mà phải đi theo mô hình hai tốc độ”.

Bên cạnh đó, đối với những ngành có chu kỳ ngắn, tạo giá trị gia tăng cao, khả năng cạnh tranh lớn như điện tử, công nghiệp chế biến thì có thể đi thẳng. Lao động của VN có tốc độ tăng trưởng lớn, cần tập trung vào những ngành sử dụng nhiều lao động.

Đại biểu kiến nghị, trong thời gian tới cần xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá để đo lường sức khỏe nền kinh tế; rà soát lại các chiến lược quy hoạch để tích hợp và đảm bảo sự thống nhất; chuyển trọng tâm chính sách theo hướng không chạy theo số lượng, mà tập trung vào tác động vào các yếu tố tăng trưởng như công nghệ, lao động, thể chế …

Đại biểu Trần Du Lịch, TP.HCM đánh giá tái cấu kinh tế là một qúa trình trăn trở, là một chủ trương là cao nhất của Nhà nước. Chúng ta đặt mục tiêu lớn là tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế. Đề án tổng thể đã chọn 3 đột phá để làm chứ không phải không biết đang làm cái gì.

Ông Lịch cho rằng, tái cơ cấu kinh tế còn nhiều ngổn ngang bởi liên quan đến lợi ích nhóm.

Theo ông Lịch, mục tiêu cuối cùng cũng là đổi mới phát triển kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh.

Mười nội dụng trong báo cáo giám sát đã được đưa đến các đại biểu nhưng không ai phản đối nên ông Lịch đề nghị đưa vào nhóm biện pháp vào nghị quyết về giám sát. Như vậy, chúng ta sẽ đạt được sự đồng bộ: luật đầu tư, ngân sách. Chúng ta cần cải cách đồng bộ, giải quyết được vấn đề thể chế của chúng ta.

Ông lịch đề xuất:

Một là, về đầu tư công lĩnh vực rất chậm. "Tôi đến tỉnh Hậu Giang, năng suất cây mía lên 250 tấn/ha, rất mừng. Đầu tư công có mục tiêu quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp".

Hai là, tái cấu trúc ngân hàng thương mại, đây là lĩnh vực cực kì khó khăn. "Những gì làm được tôi ghi nhận kết quả. Bây giờ những cái nợ xấu là sản phẩm của thị trường nên phải tạo điều kiện cho thị trường giải quyết".

Ba là, về cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước: "Tôi đề nghị, cần giải pháp cụ thể từng vấn đề cụ thể, sao các ông nói nhiều quá, bớt những cái không cần thiết đi. Cái nào cần thiết thì làm, không thì để nguồn vốn đó hỗ trợ xây dựng bệnh viện, hỗ trợ nông dân, ngư dân..."

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo, Vĩnh Phúc phát biểu: tái cơ cấu trong lĩnh vực ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phát triển kinh tế. Sáng kiến lập VAMC là một sáng kiến trong xử lý nợ xấu. Nhưng ông Bảo đề xuất, nếu muốn giải quyết tận gốc nợ xấu cần chính sách công cụ mua bán nợ, tăng vốn điều lệ hơn nữa nếu nợ xấu coi là mặt hàng dùng để mua bán thì phải phải dùng tiền tươi tóc thậy để giao dịch chứ không thể bằng tiền ảo.

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ông Bảo cho rằng phải đổi mới hơn nữa, áp dụng khung quản trị kinh doanh theo quy luật thị trường trong nước và quốc tế. Đổi mới doanh nghiệp nhà nước phải tạo ra sự hài hoà với các khu vực kinh tế khác.

Về phát triển khu vực kinh tế tư nhân cần thận trọng bởi đây là khu vực dễ bị tổn thương nhất. Theo thống kê, năm 2013 cả nước có 67 nghìn doanh nghiệp giải thể. Số doanh nghiệp đã giải thể xong là hơn 9 nghìn doanh nghiệp, số doanh nghiệp gặp khó khăn là hơn 50 nghìn doanh nghiệp.

"Trong xu thế hội nhập, theo tôi doanh nghiệp vừa và nhỏ có vai trò quan trọng trong lĩnh vực: công nghiệp phụ trợ, chế biến... Các doanh nghiệp này có thể mua các cổ phần các doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hoá. Tôi đề nghị Quốc Hội ban hành luật để luật doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể sớm ổn định, tăng hiệu quả kinh doanh, mở rộng khả năng đáp ứng huy động nguồn vốn cho Nhà nước”, ông Bảo nói.

Cuối cùng ông Bảo nhấn mạnh tái cơ cấu phải có một tư duy đổi mới, thống nhất quản lý nguồn lực.

Đánh giá về đề án tái cơ cấu, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, CPI năm 2010 là 11,75%, đến cuối năm 2011 đã tăng lên đến đỉnh điểm là 18,13%. Đây là con số so với tháng 12 năm trước, nếu theo thông lệ quốc tế (tính theo cùng kỳ) thì CPI của VN còn cao hơn rất nhiều. Trước thực trạng đó, Chính phủ và nhà nước đã đưa ra Nghị quyết thực hiện tái cơ cấu với mục tiêu trong 3 năm đầu là tập trung ổn định vĩ mô để kiểm soát CPI.

Trước khi thực hiện tái cơ cấu, lạm phát ở đỉnh điểm, đồng tiền mất giá, tỷ giá hối đoái thay đổi liên tục, hệ thống ngân hàng đứng trước bờ vực phá sản; đến nay vĩ mô đã được kiểm soát. CPI đến hết tháng 10/2014 là 2,36%; chỉ số lạm phát dưới 4%. Tăng trưởng tăng từng năm, năm 2012 là 5,25%; năm 2013 là 5,42; năm nay khả năng gần như chắc chắn là 5,8% ... Đó là những kết quả lớn nhất của quá trình tái cơ cấu.

Bộ trưởng nhấn mạnh, tái cấu trúc nền kinh tế là một việc lớn, lại phải thực hiện trong điều kiện bất ổn, nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, đã cho thấy những cố gắng lớn của cả nước. Mục tiêu cuối cùng của tái cấu trúc là: nâng cao năng suất lao động, áp dụng tiến bộ công nghệ tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm và nâng cao tính cạnh tranh.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng thẳng thắn thừa nhận, quá trình tái cơ cấu vẫn chậm và chưa được như mong đợi. Đi sâu vào bản chất, đó là chất lượng của nền kinh tế có vấn đề, động lực tăng trưởng cũng có vấn đề. Do vậy bước đi chiến lược trong thời gian tới là phải thay đổi thể chế, chính sách, tạo điều kiện cho phát triển nguồn lực con người.

Bộ trưởng cho rằng, bài toán khó của đầu tư hiện nay là chúng ta vẫn thu hút được các dự án lớn mà không đẩy nợ công lên cao.

Phát biểu cuối cùng trong phiên thảo luận, Đại biểu Bùi Văn Cường – Đoàn đại biểu Gia Lai cho rằng chủ trương tái cơ cấu kinh tế là chủ trương đúng đắn, kịp thời, làm căn cứ để ra các Nghị quyết, chính sách. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chuyển dịch cơ cấu đúng hướng. Đầu tư công đã hạn chế dàn trải, an toàn ngân hàng được đảm bảo, nợ xấu được xử lý tăng cường công khai minh bạch, hoạt động hiệu quả.

Đại biểu đánh giá quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã được triển khai quyết liệt, thực hiện theo lộ trình đã được duyệt, cổ phấn hóa, thoái vốn, sáp nhập, tái cơ cấu sản phẩm thị trường, nguồn nhân lực lao động.

Mục đích của cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là nhằm thay đổi mô hình quản trị. Hiện nay các doanh nghiệp đang thực hiện đúng lộ trình đã đặt ra. Theo chủ trương, tính đến nay đã có 4/10 tập đoàn đã cổ phần hóa; các đơn vị thành viên tập đoàn, tổng công ty đã CPH được 14/90 đơn vị; đã thoái vốn 197/534 doanh nghiệp; thu về 8.346 tỷ đồng …

Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu còn chậm, định giá tài sản còn nhiều vướng mắc, thoái vốn còn nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp còn gặp khó khăn về vốn và đó là rào cản của quá trình sản xuất kinh doanh. Nguyên nhân do suy giảm kinh tế, nguồn lực xã hội khó khăn, tìm kiếm nhà đầu tư khó; việc xử lý, tháo gỡ vướng mắc còn chậm …

Đại biểu Bùi Văn Cường cũng đưa ra một số kiến nghị trong thời gian tới như: Chính phủ và Quốc hội cần quan tâm chỉ đạo để bổ sung thêm các ngành, lĩnh vực khác vào lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế; cần có cơ quan độc lập chịu trách nhiệm trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; bổ sung ban hành cơ chế chính sách để xử lý tài sản đảm bảo, sớm đưa dòng tiền vào sản xuất kinh doanh; nghiên cứu chính sách tiền lương, tạo động lực cho người lao động …

>>> Nội dung phiên thảo luận tại Quốc hội chiều 30/10

>>>Nội dung phiên Thảo luận tại Hội trường sáng ngày 30/10

>>> Nội dung phiên thảo luận tại Quốc hội sáng 31/10

>>> Nội dung phiên thảo luận sáng 01/11
Hướng Dương - Nguyệt Quế

hangnt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên