MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Huy động vàng để giảm vàng hóa?

22-01-2014 - 14:37 PM | Tài chính - ngân hàng

Làm thế nào để có thể huy động được nguồn vốn vàng trong dân: phát hành chứng chỉ vàng, huy động qua các NHTM hay quy về một mối là NHNN?

Phương thức huy động nào?

Theo dự báo của NHNN, lượng vàng trong dân hiện khoảng 250-300 tấn, trong khi nhiều tổ chức quốc tế ước tính con số này cao hơn. Sau thành công ổn định thị trường vàng của NHNN, tại Hội nghị triển khai công tác 2014 của ngành Ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ đặt ra vấn đề tìm cách huy động vàng để huy động nguồn lực vốn to lớn này vào sản xuất kinh doanh.

Việc tất toán trạng thái vàng được xem là một trong những thành công của NHNN trong thời gian qua, góp phần ổn định thị trường vàng. Song, bên cạnh đó cũng lại thêm nỗi lo khi nguồn vốn vàng trong dân không được khai thác để phục vụ cho đầu tư, phát triển.

Vậy làm thế nào để có thể huy động được nguồn vốn vàng trong dân: phát hành chứng chỉ vàng, huy động qua các NHTM hay quy về một mối là NHNN, đang trở thành chủ đề được nhiều người bàn luận.

Khi phóng viên mang câu chuyện này trao đổi với ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, ông cho rằng, lượng vàng còn cất giữ trong dân rất lớn nên việc khai thác nguồn vốn này là rất quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội… Vì thực tế, nhu cầu về vàng của người dân Việt Nam luôn có và tồn tại qua các năm bởi quan niệm của người dân Việt Nam luôn xem vàng là của để dành, của hồi môn… nên khi có tiền nhàn rỗi thường mua vàng tích trữ.

Trước đây, vàng được ngân hàng huy động với mức lãi suất tuy không cao hơn tiền đồng, ngoại tệ, nhưng cũng có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, kể từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý kinh doanh vàng, các ngân hàng không còn được huy động vàng thì lượng vàng tiết kiệm trong dân không còn chảy vào ngân hàng. Ngược lại, muốn gửi vàng vào ngân hàng, khách hàng phải mất phí giữ hộ…

Vì thế, theo ông Khánh, để khai thác và sử dụng nguồn vốn vàng trong dân một cách hiệu quả cũng có thể phát hành chứng chỉ bằng vàng để huy động vốn. Như vậy, nguồn vốn vàng mới được khai thác một cách hiệu quả và người mua vàng cũng yên tâm. Chứng chỉ vàng quốc gia có thể do NHNN phát hành, có kỳ hạn và lãi suất ở mức phù hợp. Người dân mua chứng chỉ bằng vàng, thay vì gửi ngân hàng giữ hộ và phải mất phí hiện nay.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhận định, ngoài biện pháp phát hành chứng chỉ vàng, cần sớm thành lập “sàn vàng quốc gia”. Đây sẽ là nơi mua-bán vàng tập trung mà tất cả mọi người đều được tham gia. Vì thế, theo ông Long, việc thành lập sàn vàng quốc gia là cần thiết và nên sớm được hình thành.

Trong khi đó, PGS - TS. Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường đại học kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, có thể phát hành trái phiếu bằng vàng để huy động vàng trong dân. Theo PGS - TS. Ngân, trái phiếu bằng vàng được phát hành tương tự như trái phiếu Chính phủ, với lãi suất đủ hấp dẫn để huy động được nguồn vốn vàng từ trong dân cư.

Trước hết phải củng cố kỷ cương thị trường

Ở một góc nhìn khác, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, cần có cái nhìn và đánh giá một cách khách quan, toàn diện về quá trình ổn định thị trường vàng của NHNN năm qua, chứ không thể nói kỷ cương thị trường hiện nay là ngẫu nhiên mà có được. Bởi thực tế, giá vàng thế giới tăng, giảm cũng có tác động đến thị trường vàng trong nước, nhưng chỉ ở một mức độ nhất định.

Việc điều hành thành công đối với thị trường vàng thời gian qua là do Chính phủ và NHNN đã kiên định thực hiện một số giải pháp lớn: Thứ nhất, không cho phép sàn vàng hoạt động. Nhờ đó, loại trừ được tính đầu cơ, cá cược, vì thực tế cho thấy, việc đầu tư vàng qua sàn trước đây chủ yếu là đầu cơ, cá cược và khi thua lỗ nhiều người phải mua vàng thực, vàng vật chất rất lớn.

Thứ hai, cấm các ngân hàng huy động và chuyển hóa vàng ra VND để cho vay, cũng như cấm ngân hàng cho vay vốn bằng vàng cùng với việc tất toán trạng thái vàng huy động vào tháng 6/2013 và hiện đang từng bước tất toán trạng thái dư nợ cho vay bằng vàng thông qua việc thương thảo với khách hàng chuyển sang tiền đồng.

“Việc cho phép ngân hàng huy động vàng chuyển hóa ra VND để cho vay và cho vay bằng vàng chính là nhân tố làm vàng hóa, đô la hóa trong giao dịch dân sự… Do đó, khi giải quyết được sàn vàng và tất toán trạng thái vàng, cũng như quản lý kinh doanh vàng miếng theo như quy định của Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý và hạn chế việc kinh doanh vàng miếng đã góp phần ổn định thị trường vàng trong nước”, ông Ngoạn nói.

Tuy nhiên, đối với vấn đề huy động vàng trong dân, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, không phải lúc này mà lâu nay Nhà nước, Chính phủ cũng đã tính đến việc làm thế nào để huy động được nguồn vốn vàng trong dân nhằm đưa vào phục vụ phát triển kinh tế, đất nước, xã hội… và hiện vấn đề này đang được nghiên cứu.

Song do đây là vấn đề hết sức phức tạp nên không thể vội vàng mà trước hết phải tập trung ổn định thị trường vàng như thời gian qua, sau đó mới có thể bàn đến việc huy động vàng.

Theo Quỳnh Vũ

hangnt

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên