Huy động vàng trong dân: Không thể vội vàng
Chính phủ yêu cầu NHNN sớm có các biện pháp huy động nguồn lực từ vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội... Dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia kinh tế, đây là bước đi cần phải được tính kỹ.
Có những thống kê ước lượng vàng trong dân có khoảng 300 - 500 tấn. Đó mới chỉ là con số tính trên số lượng vàng đã xuất - nhập của mấy năm qua, không bao gồm lượng vàng trong dân đã tích luỹ từ trước, nếu tính gộp có thể lên tới cả ngàn tấn. Nguồn lực rõ ràng rất lớn. Chính vì vậy, trong năm 2014, cùng với yêu cầu quản lý hiệu quả thị trường ngoại hối, thị trường vàng, tiếp tục củng cố kết quả chống vàng hóa, đẩy nhanh chống đôla hóa...
Chính phủ yêu cầu NHNN có các biện pháp huy động nguồn lực từ vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tuy nhiên, “huy động” ở đây có thể hiểu là khác với nghiệp vụ huy động và cho vay thông thường như với các nguồn vốn trong hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại, mà làm sao có các giải pháp kích thích nguồn vốn “chôn” ở vàng chuyển đổi để đi vào sản xuất kinh doanh.
Để huy động được lượng lớn vàng này, thời gian trước đây nhiều chuyên gia đã đề xuất việc phát hành chứng chỉ gửi vàng. Theo phân tích của một số chuyên gia, người gửi không được phép rút vàng trước hạn là ưu điểm lớn nhất của phương thức phát hành chứng chỉ tiền gửi vàng so với hình thức gửi tiết kiệm trước đây. Do đó, số vàng huy động sẽ được sử dụng làm tài sản thế chấp cho các ngân hàng hay tổ chức tài chính nước ngoài để vay ngoại tệ với lãi suất thấp.
Từ đó, đưa vốn vào đầu tư, phục vụ cho các dự án sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Đồng thời, phương thức huy động vàng, thông qua phát hành chứng chỉ còn được xem là một trong những biện pháp ổn định thị trường vàng, bởi sẽ hạn chế tình trạng mua bán ngầm vàng miếng đang diễn ra tràn lan, khó quản lý như hiện nay.
TS Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - cho rằng, chúng ta phải đánh giá khách quan toàn diện với thị trường vàng. Mặc dù có ý kiến cho rằng, giá vàng trong nước thời gian qua giảm là do đồng thời điểm với giá vàng thế giới giảm.
Tuy nhiên, theo quan điểm của ông cần phải có cái nhìn đầy đủ về mọi khía cạnh, mà trong đó không thể phủ nhận vai trò quan trọng trong việc điều hành theo hướng “độc quyền”, siết kỷ cương của NHNN và đến hôm nay có thể nói là thị trường vàng đã bắt đầu ổn định. Về câu chuyện huy động vàng thì khi thị trường đã ổn định, Chính phủ mới quan tâm huy động vàng trong dân để đưa vào phục vụ nguồn lực kinh tế.
Hiện nay, đâu là giải pháp tối ưu thì các chuyên gia vẫn còn nghiên cứu. Và thật sự mà nói, đây vẫn là bài toán khó, do đó chúng ta không vì vậy mà vội vàng - ông Ngoạn nhận định.
Theo Gia Miêu - C.Thắng