MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi lãi suất cho vay chế biến lùi về 8%

24-03-2014 - 17:33 PM | Tài chính - ngân hàng

Việc NHNN ra văn bản chỉ đạo hạ lãi suất cho vay đối với lĩnh vực chăn nuôi, chế biến là rất kịp thời và chắc chắn mang lại hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp.

Ngày 19/3, NHNN đã ban hành văn bản 1691/NHNN-TD, yêu cầu 5 NHTM gồm: Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, MHB giảm lãi suất cho vay phục vụ chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm, cá tra và tôm về mức tối đa 8%/năm. Trao đổi với phóng viên TBNH, đại diện một số TCTD phía Nam cho biết, họ không bị động và sẵn sàng hưởng ứng chủ trương trên, trong khi nhiều DN đón nhận thông tin này khá hồ hởi.

Cân đối được

Theo ông Võ Khắc Hiển, Phó giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai, việc hạ lãi suất cho vay lĩnh vực chăn nuôi, chế biến xuống 8%/năm mặc dù mới được NHNN chỉ đạo, nhưng trước đó từ tháng 8/2002, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 1149/TTg-KTN về chính sách ưu đãi đối với chăn nuôi và thủy sản. Sau đó, NHNN cũng ban hành Thông tư 08/2014/TT-NHNN quy định về mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn. Do đó, trên thực tế các khoản vay của DN và người dân phục vụ trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, chăn nuôi chế biến thủy sản thời gian qua đã được hưởng lãi suất khá thấp, từ 9-11%/năm. Vì vậy, việc giảm thêm lãi suất 1% không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thành Truyền, Giám đốc Agribank chi nhánh Khu công nghiệp Biên Hòa (Đồng Nai) cho rằng, việc hạ lãi suất cho vay thời điểm này đối với đơn vị rất ít tác động. Bởi trong bối cảnh giá bán sản phẩm chăn nuôi xuống thấp, lượng khách hàng là trang trại tự nuôi đã giảm mạnh. Chủ yếu khách hàng vay vốn chăn nuôi, chế biến hiện nay là các DN lớn, có nguồn vốn mạnh và trả nợ đúng hạn; người chăn nuôi nhiều địa phương chuyển sang nuôi gia công, trả dần nợ cũ. Do vậy, tính đến thời điểm hiện nay, Agribank Khu công nghiệp Biên Hòa vẫn cho vay được khoảng hơn 600 tỷ đồng đối với lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, chiếm 58% tổng dư nợ của chi nhánh, trong khi tỷ lệ nợ xấu chỉ 2-3%.

Còn tại TP. Hồ Chí Minh, ông Trần Trung Định, Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Củ chi cho biết, hiện chi nhánh đang có khoảng 160 tỷ đồng đã huy động trước đây và đang phải trả với lãi suất cao hơn mức trần huy động mới. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất theo chủ trương của NHNN không làm ảnh hưởng lớn tới hoạt động của ngân hàng. “Đối với những khách hàng cũ đã huy động với lãi suất cao trước đây, chúng tôi vẫn tiếp tục trả lãi theo cam kết và chúng tôi hoàn toàn có thể cân đối được”, ông Định nói.

Vấn đề còn là sức hấp thụ vốn

Về phía DN, trao đổi với phóng viên TBNH, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre) cho rằng, việc NHNN ra văn bản chỉ đạo hạ lãi suất cho vay đối với lĩnh vực chăn nuôi, chế biến như trên là rất kịp thời và chắc chắn mang lại hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp. Bởi hiện nay, các DN đang triển khai chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo. Các NHTM cho vay với lãi suất vay ưu đãi sẽ giúp DN bớt áp lực trả nợ, đỡ phải bán tháo gạo, tạo điều kiện mua được lúa giá tốt hơn cho nông dân.

Ở lĩnh vực chăn nuôi và chế biến thịt gia cầm, ông Châu Nhật Trung, Giám đốc Công ty TNHH Huỳnh Gia Huynh Đệ cho rằng, việc hạ lãi suất cho vay thời điểm này là hợp lý bởi người chăn nuôi 2 năm nay đang chịu lỗ. Tuy nhiên, theo ông Trung, do hiện nay các hộ nuôi nhỏ lẻ và trang trại đã cạn vốn, các tài sản thế chấp thì cũng đã cầm cố ở nhiều ngân hàng để vay trước đó nên cũng sẽ khó vay mới. Nếu muốn hỗ trợ các đối tượng này cần thêm những điều kiện nới rộng về xét duyệt hồ sơ vay. Trong đó, việc khoanh nợ cũ hoặc giãn nợ, cho vay đối với các phương án kinh doanh chứng minh được hiệu quả cần tiếp tục thực hiện.

Vấn đề lớn nhất hiện nay là sức hấp thụ vốn của các DN yếu sau khi một lượng lớn thực phẩm nhập khẩu dịp Tết Giáp Ngọ 2014 với kỳ vọng tiêu thụ tốt hơn, nay đang trở thành hàng tồn kho. Vì vậy, theo ông Trần Trung Định, việc triển khai cho vay lãi suất 8% sẽ giải ngân được nhiều hơn nếu NHNN có thể gia hạn thêm thời gian thực hiện công văn 7558/NHNN-TD (về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với TCTD và khách hàng liên quan đến điều kiện và thủ tục tín dụng). Bởi công văn này NHNN ban hành ngày 14/10/2013 đã hết hiệu lực thi hành từ cuối tháng 12/2013, khiến việc xem xét miễn, giảm, giãn thu nợ lãi, hoặc cho vay mới đối với các khách hàng đang còn nợ đọng bị hạn chế.

Theo Thạch Bình

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên