MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi ngân hàng đành phải “soi” ngân hàng

24-09-2012 - 10:36 AM | Tài chính - ngân hàng

Gần một tháng kể từ khi Thông tư số 21 quy định về hoạt động cho vay, đi vay giữa các tổ chức tín dụng có hiệu lực, thị trường đang định hình các tác động và cả một số vấn đề xoay quanh nó.


Ngay trong tuần đầu tiên áp dụng, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng đã sụt giảm rất mạnh, gần 50% cả bằng VND lẫn USD so với các tuần liền trước. Tuần thứ hai, doanh số đã tăng trở lại nhưng vẫn ở mức thấp rõ rệt.

Có ba nguyên do chính có thể đặt ra.

Một là, với cơ chế mới, ngân hàng nào có nợ quá hạn từ 10 ngày trên liên ngân hàng sẽ không được tham gia giao dịch đi vay, lượng thành viên và nhu cầu vay theo đó bị giảm.

Hai là nguyên do mang tính kỹ thuật, khi các khoản tiền gửi trên liên ngân hàng bị chuyển thành tiền vay, các tổ chức tín dụng bị hổng đi một phần để tính cho các tỷ lệ khả năng chi trả theo quy định tại Thông tư 13, một phần nhu cầu giao dịch phải “khựng” lại để cân đối.

Ba là, bên cho vay thận trọng khi thực hiện khung pháp lý mới, quan ngại trước những rủi ro có thể phát sinh.

Hàng chục câu hỏi được các thành viên gửi về Ngân hàng Nhà nước “nhờ” giải đáp đủ để thấy Thông tư 21 là một văn bản có nhiều điểm kỹ thuật cần xác định rõ hơn, có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các thành viên.

Với thị trường và giá trị tín hiệu của nó, việc thực hiện Thông tư 21 cũng phát đi một thông điệp: ngay chính các ngân hàng thương mại cũng phải “soi” nhau kỹ khi thực hiện giao dịch, hay ngay cả môi trường giữa các ngân hàng thương mại cũng đã tiềm ẩn rủi ro.

Thực tế, rủi ro và nghi ngờ lẫn nhau đã có trên thị trường liên ngân hàng từ cuối năm 2011, khi lần đầu tiên trong lịch sử xuất hiện cơ chế phải bảo đảm, thế chấp trong giao dịch sau khi xuất hiện các khoản tiền gửi không thu hồi được đúng hạn. Giá trị của một môi trường giao dịch có độ tin cậy cao nhiều năm qua đã không còn nguyên vẹn.

Và với Thông tư 21, nó đã thay đổi bản chất, hay như cách nói của Ngân hàng Nhà nước là “đưa các giao dịch vốn trên thị trường liên ngân hàng về đúng bản chất”. Theo đó, các khoản tiền gửi giữa các tổ chức tín dụng đã được chuyển thành tiền vay; không được gửi lẫn nhau, ngoại trừ tiền gửi thanh toán.

Có hai tình huống mà các tổ chức tín dụng phải dự phòng: một là, làm sao để tránh việc “không may” cho vay phải thành viên không đủ điều kiện, nếu cho vay thì có thể vướng rắc rối về tính pháp lý của giao dịch; hai là khó kiểm soát được việc sử dụng vốn vay đúng mục đích của bên đi vay.

Ở tình huống thứ nhất, có thành viên đề nghị Ngân hàng Nhà nước thiết lập kênh công bố, cập nhật thông tin về tình trạng nợ của các tổ chức tín dụng để bên cho vay biết trước khi ra quyết định cho vay. Đây cũng là một sự hỗ trợ cần thiết để hạn chế rủi ro trong giao dịch.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đưa ra câu trả lời rằng: Thông tư 21 không quy định Ngân hàng Nhà nước phải cung cấp các thông tin về các tổ chức tín dụng không có đủ điều kiện đi vay cho thị trường biết.

Như vậy, bên cho vay phải tự bảo vệ mình bằng cách “soi” kỹ đối tác; bên vay phải chịu trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin. Mặt khác, nếu không đủ điều kiện mà vẫn đi vay, tổ chức tín dụng đó mặc nhiên là đã vi phạm quy định. Và trường hợp tổ chức tín dụng cho vay phải đối tác không đủ điều kiện, giao dịch đó có được coi là vô hiệu theo quy định tại Điều 128 Bộ Luật Dân sự hay không thì phải nhờ đến tòa án.

Tương tự, ở tình huống thứ hai, theo Ngân hàng Nhà nước, bên vay phải trung thực, chính xác và chịu trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin về mục đích vay. Trường hợp xẩy ra tranh chấp pháp lý, hướng xử lý là hai bên dẫn nhau ra tòa.

Trong cả hai tình huống trên, bên cho vay trở nên đơn độc, ngay cả ở yêu cầu có thông tin hỗ trợ từ cơ quan quản lý và giám sát. Điều này khiến họ thận trọng hơn trong giao dịch trên liên ngân hàng, phải “soi” kỹ hơn các đối tác.

Với một môi trường có những đổi thay như vậy, thị trường liên ngân hàng trở nên chặt chẽ và tăng độ an toàn hơn trước - mục đích mà Ngân hàng Nhà nước hướng đến khi thay đổi bản chất của nó. Song mặt trái là, các dòng chảy sẽ bớt đi sự thông thoáng, kịp thời bởi vướng phải sự dò xét và cẩn trọng trong những tình huống trên. Vai trò điều hòa tiết hỗ trợ thanh khoản, cân đối vốn giữa các thành viên của thị trường liên ngân hàng theo đó cũng bị hạn chế nhất định.

Trong bối cảnh bình thường thì không sao, nhưng khi hệ thống gặp khó khăn thanh khoản, mất cân đối vốn cục bộ, những hạn chế đó sẽ bộc lộ rõ hơn và có thể khiến tình hình càng trở nên xấu hơn.
Theo Minh Đức
Vneconomy

hangnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên