MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi “tây” chia tay nhà băng Việt

29-11-2013 - 09:38 AM | Tài chính - ngân hàng

Trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư vẫn gọi một cách dân dã nhà đầu tư nước ngoài là “khoai tây”, để phân biệt với “khoai ta”.

Ngày 28/11, thị trường xáo động với thông tin cổ đông chiến lược nước ngoài, ngân hàng OCBC (Oversea Chinese Banking Corporation Limited) thoái toàn bộ vốn tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Chuyện đến và đi của dòng vốn, của nhà đầu tư là rất bình thường, theo kế hoạch và chiến lược của họ. Nhưng, với hệ thống ngân hàng Việt Nam, một sự chia tay của khối ngoại là rất đáng chú ý thời điểm này, khi không chỉ có tại VPBank.

Có hơn một cuộc chia tay…

Hơn năm năm về trước, Việt Nam đứng trước ngưỡng cửa WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới). Một cuộc hội nhập sâu rộng sắp mở ra. Đón đầu ở miền đất hứa, dòng vốn đầu tư nước ngoài ồ ạt chảy vào. Dòng vốn đầu tư gián tiếp nổi bật ở các ngân hàng thương mại.

Thời điểm đó, có cổ đông chiến lược nước ngoài dường như là một tiêu chí để so sánh, để minh chứng cho một sự khác biệt, hay giá trị nào đó về thương hiệu, hiệu quả hoạt động và cả sự minh bạch.

Không khó để tìm, những năm 2006 - 2008, phần lớn các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam đều có một chỉ mục kế hoạch tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài trong báo cáo trình đại hội đồng cổ đông thường niên.

Những năm đó, có khoảng 10 ngân hàng thương mại cổ phần kết hôn thành công với nhà đầu tư ngoại.

Song đến nay, những cuộc chia tay đang định hình.

Như trên, OCBC ra đi sau bảy năm chung sống với VPBank. Vẫn có những quan điểm và cả tính toán khác nhau về 14 triệu USD “lãi” qua cuộc hôn nhân này. Sự quan tâm của thị trường hẳn không gói gọn ở con số.

Cũng trong ngày 28/11, chúng tôi nhận được cuộc gọi của một độc giả quen thuộc, là lãnh đạo của một ngân hàng thương mại với gợi ý: “HDBank vừa mua 100% Công ty Tài chính Việt Société Générale (SGVF). Hay nói ngược lại, Société Générale bán lại 100% công ty con tại Việt Nam, rút vốn. Việc rút vốn có thể không dừng lại ở đó…”.

Hẳn nhiều người quan tâm tới sự kiện trên xem đó là một chỉ báo, bởi hoạt động đầu tư của Société Générale tại Việt Nam không chỉ có vậy.

Năm 2008, tổ chức tài chính đến từ Pháp trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài của Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) với tỷ lệ sở hữu 15%. Sau đó họ mua thêm 5%, kịch “room” sở hữu. Chỉ báo trên có sự trùng hợp không ngẫu nhiên, khi phát đi sau 5 năm - thường là quãng thời hạn cam kết nắm giữ cổ phần, hay là ràng buộc về chuyển nhượng.

Nếu OCBC chia tay tại VPBank với khoảng 14 triệu USD “lãi”, thì Société Générale nếu có quyết định tương tự tại SeABank thì sao? Mức giá tham chiếu cho giao dịch 15% cổ phần đợt đầu được “truyền tai” là khoảng 3.5…

Ở tình hình chung, khoảng chục cuộc hôn nhân giữa ngân hàng nội với tổ chức tài chính nước ngoài (chủ yếu cũng là ngân hàng) diễn ra khá nồng ấm thời gian qua, xét ở tỷ lệ cổ tức nhận được. Như tại Sacombank, ACB, Eximbank, Techcombank…. Ngay sau thời điểm rót vốn, cổ đông chiến lược nước ngoài sớm nhận được các tỷ lệ có thể lên tới trên 30%, khá đều, và thấp hơn sau đó cũng trên 10%...

Nhưng sự nồng ấm của cổ tức đã khác đi nhanh chóng ở nhiều trường hợp, về sau. Như tại SeABank, trong báo cáo thường niên những năm gần đây đã vắng mặt chỉ mục tỷ lệ cổ tức. Bởi lẽ, năm 2011, ngân hàng có 5.335 tỷ đồng vốn điều lệ này chỉ có 157 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; năm 2012 thấp hơn nữa với 69 tỷ đồng; năm 2013, với khó khăn và triển vọng chung của ngành, cũng khó có sự đột biến thực sự.

Nếu xét theo lợi ích đo bằng những con số mà cổ đông chiến lược nước ngoài nhận được, SeABank không phải là điểm rơi cá biệt, thậm chí có thể đỡ lo khi vẫn kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu dưới 3% (theo như báo cáo thường niên). Như với HSBC, hẳn họ cũng băn khoăn khi cổ tức nhận được tại Techcombank trong năm qua và trù tính cho năm nay, gắn với đà giảm nhanh và mạnh của lợi nhuận, cũng như tỷ lệ nợ xấu tăng lên khá cao…

Thông thường, theo cách nói quen thuộc của nhiều nhà đầu tư nước ngoài trước khi tính toán một sự chuyển hướng nào đó: khó khăn là ngắn hạn, chiến lược đầu tư là dài hạn…

Sau khi lời chia tay…

Như trên, đến và đi là bình thường, đáng quan tâm là họ đã chung sống thế nào thời gian qua.

Vị lãnh đạo ngân hàng trên chia sẻ: “Không rõ ở các ngân hàng khác như thế nào, còn ở chỗ mình, hàng tháng phải tính toán hàng tỷ đồng chi phí cho các lãnh đạo nước ngoài tham gia quản trị, điều hành với tư cách đại diện cổ đông chiến lược. Lương tối thiểu cả trăm triệu, nhưng còn phải lo nơi ăn chốn ở, đi lại nữa”.

Dễ thấy, tại các ngân hàng có cổ đông chiến lược nước ngoài, ít thì 3 - 4 lãnh đạo cao cấp là người nước ngoài (liên quan), nhiều thì có cả chục người. Song đó không phải là vấn đề chính, về chi phí.

Hồi đầu năm 2012, trước sự kiện Techcombank có tổng giám đốc là người nước ngoài, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần nói với chúng tôi rằng: “Để xem sao. Không hẳn các tay đua công thức 1 vào Việt Nam đều có thể lái giỏi, nhất là với đặc thù lộn xộn trong giao thông nước mình”.

Và quan trọng hơn, nhân tố mới sẽ hòa nhập thế nào với những nhân tố cũ. Hay theo cách nói hình ảnh của Karl Marx, đó có là “củ khoai tây” trong một bao khó gắn kết, nhất là với đặc thù quản trị điều hành và cả cách thức làm việc nói chung ở các doanh nghiệp Việt Nam, để rồi khi lăn đi sẽ gọn gàng riêng nó?

Vấn đề là, sau khi lăn đi nó có để lại sự xây xát nào đó sau lưng.

Nếu như VPBank đã niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, thị trường có thể lập tức cho một câu trả lời trong diễn biến giao dịch. Song, thông thường đó chỉ là một phản ứng trong ngắn hạn. Đáng quan tâm hơn là dài hạn.

Ba nhà đầu tư cá nhân bỏ ra 55,5 triệu USD để mua lại cổ phần của OCBC, một khoản vốn lớn, rất lớn nếu xem xét ở giao dịch của cá nhân. Điểm thú vị là, ở Việt Nam luôn có những doanh nhân - cá nhân có tiềm lực tài chính mạnh mà không hẳn nổi bật và dễ nhận diện trong các dòng chảy thông tin thời gian qua. Nhưng, sự xây xát sau khi “củ khoai tây” lăn đi có nằm ở đây không? Nguồn vốn rất lớn của ba cá nhân đó có đáng ngại ở tình huống vay mượn mà có thể thiếu bền vững?

Thông cáo của VPBank nêu một thông tin gián tiếp trả lời cho câu hỏi trên: “Việc chuyển nhượng đã được Ngân hàng Nhà nước kiểm tra và chấp thuận trước khi thực hiện giao dịch”.

Rộng hơn, sau khi cổ đông chiến lược nước ngoài ra đi, khoảng trống giá trị trong quản lý, điều hành và cả yếu tố chiến lược hoạt động có được lấp đầy, hay sự “xây xát” sẽ đến ở mức độ hẫng đi nào đó? Bởi lẽ, tại một số trường hợp, dù tỷ lệ sở hữu bị giới hạn, song tiếng nói của cổ đông ngoại có sức nặng, thể hiện rõ trong hoạt động thường ngày. Ví như, mỗi một khoản cho vay quan trọng, họ có thể chặn lại ở quyền phủ quyết theo thỏa thuận nội bộ…

Ngược lại, cũng do giới hạn tỷ lệ sở hữu gắn với quyền lực hạn chế, vai trò của cổ đông chiến lược nước ngoài tại một số ngân hàng nội vẫn là “củ khoai tây” khó gắn kết, hay tiếng nói vẫn khá đơn độc.

Về tổng thể, nói gì thì nói, sự tham gia của các định chế tài chính nước ngoài vào hệ thống các ngân hàng Việt Nam với tư cách là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược, diện mạo của hệ thống đã, đang và sẽ có những thay đổi tích cực. Họ góp phần nâng cao năng lực quản trị và điều hành, các chuẩn mực trong hoạt động, mức độ minh bạch, cũng như hỗ trợ kết nối với các đối tác kinh doanh trên thế giới…

Theo đó, cổ đông chiến lược nước ngoài vẫn là một yếu tố cần thiết. Cho nên, sau khi OCBC chia tay, VPBank đang tính tìm đối tác nước ngoài khác thay thế. Hay ở một trường hợp khác, sau khi “bố trí” nhà đầu tư trong nước đối ứng cho lời chia tay tương tự, việc tìm kiếm bên ngoài đang được xúc tiến…

Theo Minh Đức

hangnt

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên