Khi tín dụng qua thời “Em mang tiền Chính phủ”
Cách nói dí dỏm của TS. Lê Thẩm Dương pha loãng bớt không khí “đau đầu” của hội thảo chiều 7/4 tại Bến Tre.
- 09-04-2015Lãi suất không còn là mối bận tâm quá lớn
- 30-03-2015Tính đến ngày 20/3: Tín dụng tăng 1,25%
- 20-03-2015Tín dụng bất ngờ tăng trưởng nhanh hơn huy động vốn
Tại đồng bằng sông Cửu Long, tín dụng liên tục gia tăng những năm gần đây, nhưng vẫn chưa đủ. Muốn kích thích nữa, TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh (Đại học Ngân hàng Tp.HCM), ví von: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ “bẩy tung” khu vực này lên”.
Đã thành thông lệ, hàng năm Ngân hàng Nhà nước và chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long cùng ngồi lại tổng kết, đánh giá về chính sách tín dụng, những khó khăn và tìm cách tháo gỡ.
Cách nói dí dỏm của TS. Lê Thẩm Dương pha loãng bớt không khí “đau đầu” của hội thảo chiều 7/4 tại Bến Tre. Bởi phần lớn thời gian và dung lượng của nó dày đặc các con số, cùng nhiều băn khoăn về những khó khăn và tồn tại...
Huy động mới vay được
Quen thuộc với cách nói dân dã và hình ảnh, tại hội thảo, chuyên gia Lê Thẩm Dương dẫn lại một khái niệm cơ bản, tín dụng và thực tế yêu cầu hiện nay.
Ông nói vui rằng, bài hát “Em đi làm tín dụng” do nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý sáng tác ngày trước có một số điểm không còn phù hợp nữa. Bài hát có câu “Em mang tiền Chính phủ, cho bản làng vay đủ”, nhưng thực tế hiện nay vốn không phải của Chính phủ, mà ngân hàng phải huy động từ người gửi tiền.
Khác biệt trên gián tiếp nói về vai trò trung gian của các ngân hàng hiện nay. Họ cũng là các doanh nghiệp, phải đi huy động vốn mới có nguồn để cho vay.
Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, dòng vốn được dẫn dắt theo cách đó đang trở nên nổi bật, thậm chí là áp lực lớn.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tại đây, trong nhiều năm qua, lượng vốn các tổ chức tín dụng huy động tại chỗ thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu vay. Dù vậy, tín dụng vẫn liên tục tăng trưởng khá cao.
Cụ thể, tổng dư nợ tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tăng khá nhanh qua những năm gần đây: từ 271.556 tỷ đồng năm 2012 lên 302.794 tỷ đồng năm 2013, lên 334.146 tỷ đồng năm 2014, và đến hết tháng 2/2015 đã lên 353.816 tỷ đồng.
Trong khi đó, tính đến cuối tháng 2/2015, tổng nguồn vốn hệ thống huy động được tại chỗ chỉ đạt 276.043 tỷ đồng. Như vậy, một lượng lớn các ngân hàng phải huy động và điều chuyển từ các khu vực khác về để đáp ứng.
Nhưng, qua phản ánh tại hội thảo, nhiều nhu cầu vốn, đặc biệt là các hộ dân nhỏ lẻ, cá nhân khu vực này vẫn chưa được đáp ứng hoặc khó tiếp cận vốn. Vậy làm sao để “cho bản làng vay đủ”?
Đòn bẩy và điểm tựa
Một số ý kiến từ ngân hàng thương mại đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh cơ chế hiện hành, nhằm kích thích vốn cho doanh nghiệp, nhất là khu vực nông nghiệp nông thôn và xuất khẩu - thế mạnh của đồng bằng sông Cửu Long.
Từ năm 2010, Ngân hàng Nhà nước áp cơ chế ưu tiên tái cấp vốn, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các tổ chức tín dụng có tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn từ 40% trở lên, để lái vốn vào khu vực này; áp trần lãi suất cho vay để hỗ trợ chi phí…
Theo ông Trần Lục Lang, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục xem xét có chính sách hỗ trợ về nguồn vốn và lãi suất để khuyến khích các tổ chức tín dụng chủ động ưu tiên hơn cho phát triển lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn.
Ông Lang cho biết, hiện rất nhiều doanh nghiệp nuôi trồng, thủy sản đang phát sinh nợ xấu ở BIDV và các tổ chức tín dụng khác. Điều này khiến họ quan ngại khi tiếp tục đẩy mạnh cho vay, ở lĩnh vực có nhiều rủi ro.
Vậy nên, Phó tổng giám đốc BIDV đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách phân loại nợ đặc thù, như được cơ cấu lại mà không bị chuyển nhóm, không theo kết quả phân loại nợ từ Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC), hoặc khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ… Như vậy sẽ tạo động lực cho các ngân hàng mạnh dạn hơn khi cho vay.
Trong khi đó, cùng với hướng hỗ trợ của chính sách, TS. Lê Thẩm Dương đề cập đến các vấn đề sâu xa hơn.
Vẫn bằng cách nói hình ảnh, ông cho rằng, để “cho bản làng vay đủ”, để kích thích phát triển kinh tế đồng bằng sông Cửu Long, hãy tạo nên điểm tựa vững chắc đã.
“Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ “bẩy tung” khu vực này lên”, TS. Dương đặt vấn đề, theo câu nói nổi tiếng của nhà toán học, nhà vật lý Archimedes.
Cái lý của chuyên gia này là, muốn lực bẩy mạnh thì đòn tín dụng phải dài, đòn dài nhưng điểm tựa không vững thì có thể bị lún, lung lay; đòn quá dài mà không chắc, điểm tựa không vững thì có thể gãy, khi đó cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp cùng sập bẫy tài chính và nợ xấu.
Chỉ vốn không đủ
Trao đổi bên lề hội thảo với VnEconomy, TS. Lê Thẩm Dương dẫn cụ thể thêm, chừng nào còn có tình trạng bơm tạp chất vào tôm, còn xù hợp đồng nguyên liệu khi giá lên thì cái điểm tựa cho đòn bẩy tín dụng khó mà vững.
Còn ở tầm vĩ mô, tạo nên điểm tựa đó chỉ với nỗ lực kinh doanh của doanh nghiệp, với việc lái vốn ưu tiên và chính sách hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước là chưa đủ. Các miếng ghép khác còn nằm ở các bộ ngành, trong đó đặc biệt là tiến độ và kết quả tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp - gắn trực tiếp với vùng nông sản đồng bằng sông Cửu Long.
Không chỉ riêng tại đồng bằng sông Cửu Long, vai trò của các miếng ghép để tạo điểm tựa cho đòn bẩy tín dụng có thể thấy ở các vùng kinh tế khác.
Đơn cử như tại khu vực Tây Nguyên, khi mà diện tích cây cà phê già cỗi đang tăng lên, yêu cầu tái canh trở nên cấp bách, Ngân hàng Nhà nước tuyên bố đã sẵn sàng gói 12.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất để hỗ trợ các hộ dân và doanh nghiệp tái canh.
Thế nhưng đã hơn một năm qua, nhiều lần đầu mối hỗ trợ vốn này lý giải rằng, gói 12.000 tỷ đồng chưa mở hẳn ra được vì phải chờ... Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch tái canh cụ thể…
Vậy nên, trong nhiều tình huống, mới chỉ có vốn, có ưu tiên và ưu đãi chưa hẳn là đã đủ.
Theo Minh Đức