MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khó giữ lãi suất cho vay không tăng

29-01-2016 - 11:59 AM | Tài chính - ngân hàng

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng năm nay dự báo có nhiều yếu tố thúc đẩy lãi suất tăng lên, khó có thể có yếu tố nào giúp giảm mặt bằng lãi suất. ​

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
295 bài viết
  • Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn
  • Để phổ biến các vấn đề tài chính xanh, tín chỉ carbon, các nhà phát hành cần quan tâm việc sử dụng vốn ra sao, hiệu quả thế nào, khả năng trả nợ, dự án đã được thẩm định chặt chẽ...

Những tuần gần đây, lãi suất huy động (LSHĐ) đã được một số NHTM điều chỉnh tăng. Một số NH niêm yết LSHĐ ngắn hạn tiệm cận hoặc kịch trần 5,5% mà NHNN quy định. Lãi suất cho vay nhiều khả năng sẽ nóng dần lên.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - NH đã có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh câu chuyện “cũ nhưng vẫn mới” này.

Thưa ông, LSHĐ tăng có phải chỉ do yếu tố mùa vụ?

Theo tôi, LSHĐ tăng có yếu tố mùa vụ, nhưng cũng có cả yếu tố khác. Yếu tố mùa vụ là điều dễ nhìn thấy, đó là chu kỳ của nền kinh tế. Bởi thời điểm cuối năm việc chi trả trong toàn xã hội nhiều hơn, người dân nhu cầu mua, thanh toán tăng lên, các NH đẩy mạnh huy động vốn để có tiền chi trả.

Về yếu tố khác, đó là việc tăng trưởng mạnh tín dụng năm 2015 lên tới 18%, tỷ lệ huy động tăng trưởng thấp hơn thành ra các NH đang muốn bổ sung thanh khoản và họ tăng LSHĐ để giữ dòng vốn không chảy ra khỏi NH.

NHNN vừa ban hành Văn bản yêu cầu các TCTD không được áp dụng các biện pháp kỹ thuật để lách, vượt trần lãi suất huy động. Ý kiến của ông?

Việc NHNN ban hành Văn bản này theo tôi là hết sức hợp lý. Không kể việc trần lãi suất có hợp lý hay không nhưng đây là sân chơi chung, có quy luật chung, nên tất cả các NH cần phải tuân thủ. Để giúp thanh khoản cho ngành NH, NHNN cần phải đẩy một lượng tiền ra lưu thông qua thị trường mở (OMO), tái chiết khấu...

Có quan điểm cho rằng nên dỡ bỏ trần LSHĐ để các NHTM linh hoạt hơn. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng điều kiện thị trường hiện chưa cho phép. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Quan điểm của tôi là nên bỏ trần lãi suất. Năm qua, lạm phát không đến 1%. Đây là thời điểm để dỡ trần lãi suất, tạo cơ hội cho cung - cầu nền kinh tế tự vận hành, định ra việc quân bình lãi suất thị trường.

Ai cũng đều biết mặt bằng lãi suất hiện tại bị tác động mạnh bởi lãi suất của trái phiếu Chính phủ (TPCP). TPCP là để xử lý cho vấn đề nợ công, bội chi ngân sách của quốc gia. Nếu lãi suất TPCP thấp, sẽ khó mà phát hành thành công, thành ra phải giữ ở mặt bằng lãi suất cao.

Nhưng nếu lãi suất TPCP cao thì sẽ ảnh hưởng đến huy động vốn của các NHTM. Vì rõ ràng rủi ro của TPCP là bằng 0. Chính phủ thu hút nhiều nguồn vốn phát triển qua TPCP sẽ đẩy lãi suất lên. Nên nếu bỏ trần lãi suất sẽ có rủi ro đẩy lãi suất tăng cao. Nhưng theo tôi, vẫn nên để cho cung - cầu trên thị trường tự điều chỉnh.

Theo Thông tư 23/2015/TT- NHNN, từ ngày 28/1 các NHTM sẽ được linh hoạt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc khi tham gia tái cơ cấu các NH yếu kém. Ông đánh giá thế nào về tác động của Thông tư này?

Việc có thể giảm dự trữ bắt buộc cho những NH tham gia tái cơ cấu các NH yếu kém sẽ giúp thanh khoản cho những NH này. Khi thanh khoản được hỗ trợ, sẽ có thể tác động tích cực lên mặt bằng lãi suất nói chung. Nhưng thật sự, theo tôi có lẽ tác động không nhiều. Bởi với những NH đang trong tình trạng được NHNN mua lại với giá 0 đồng, các “đại gia” đang tham gia tái cơ cấu cho những NH này cũng được hưởng giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Tôi cho rằng, những NH tham gia tái cơ cấu các NH yếu kém vẫn nên chơi trong sân chơi chung của thị trường. Và quan trọng là các NH yếu kém phải được kiểm soát chặt chẽ về thanh khoản.

Vậy ông dự báo ra sao về áp lực lên LSHĐ và khả năng tăng lãi suất cho vay trong thời gian tới?

Lãi suất cho vay có thể tăng lên tối thiểu 1% từ nay tới hết năm 2016. Áp lực lên LSHĐ là điều chắc chắn xảy ra.

Thứ nhất, các NH nếu tiếp tục đẩy tín dụng tăng quá mạnh, không cẩn thận rất dễ rơi vào rủi ro thanh khoản. Hiện nay, vốn hút vào lĩnh vực bất động sản là khá lớn, mà thị trường này từ xưa tới nay vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.

Thứ hai, khả năng FED tăng lãi suất trong năm nay, cũng sẽ tác động tới mặt bằng lãi suất của Việt Nam.

Thứ ba, Việt Nam muốn giữ tỷ giá ổn định, thành ra tỷ lệ chênh lệch giữa lãi suất tiền VND và USD phải được giữ ở mức cao. Nên lãi suất tiền đồng khó giảm, vì nếu giảm thì chênh lệch lãi suất thấp hơn, dẫn tới sự chuyển dịch từ VND sang USD.

Thêm nữa, trong 2016, kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhu cầu vốn tăng cao, lãi suất theo đà đó cũng tăng mạnh lên... Do đó LSHĐ khó lòng mà giảm. Tóm lại, năm nay dự báo có nhiều yếu tố thúc đẩy lãi suất tăng lên, khó có thể có yếu tố nào giúp giảm mặt bằng lãi suất.

 

Theo Minh Khuê

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên