Khó “hóa giải” bội chi ngân sách
Áp lực bội chi ngân sách Nhà nước năm nay đang tăng dần cùng với kỳ vọng hồi phục của nền kinh tế, đáp ứng nhiệm vụ “an sinh xã hội” của những tháng cuối năm.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) thực hiện tháng 6/2013 ước đạt 52.000 tỷ đồng, bằng 77,2% mức yêu cầu tiến độ dự toán và theo mức dự toán của cả năm, bình quân thu NSNN phải đạt 68.000 tỷ đồng/tháng, nhưng ước thực hiện thu tháng 6/2013 thấp hơn mức bình quân là 16.000 tỷ đồng.Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng thu NSNN thực hiện ước đạt 356.520 tỷ đồng, đạt 43,7% dự toán.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, hầu hết số thu từ các sắc thuế lớn trong tháng 6/2013 đều giảm so với tháng trước như: thuế giá trị gia tăng giảm 7% (khoảng 900 tỷ đồng); thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 52,9% (khoảng 3.565 tỷ đồng); thuế tiêu thụ đặc biệt giảm 13,6% (khoảng 600 tỷ đồng)… Nguyên nhân chủ yếu là do tình hình kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn; giá cả một số mặt hàng nông sản giảm đã ảnh hưởng đến doanh thu và giảm số nộp NSNN.
Đặc biệt, một số lĩnh vực quan trọng, chiếm tỷ lệ lớn nguồn thu như dầu thô ước đạt 8.000 tỷ đồng, giảm khoảng 380 tỷ đồng so với tháng 5; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 19.100 tỷ đồng, bằng 96,5% mức yêu cầu dự toán, giảm khoảng 400 tỷ đồng so với tháng 5.
Nguồn thu thấp như vậy, nhưng chi NSNN lũy kế 6 tháng đầu năm ước đạt 448.910 tỷ đồng, bằng 45,9% dự toán, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 77.920 tỷ đồng, bằng 44,5% dự toán, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2012. Chi trả nợ và viện trợ ước đạt 52.180 tỷ đồng, bằng 49,7% dự toán, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2012, đảm bảo thanh toán kịp thời các khoản nợ đến hạn.
Như vậy, cân đối NSNN, bội chi lũy kế 6 tháng đầu năm 2013 là 92.390 tỷ đồng, bằng 57% mức bội chi cả năm được Quốc hội cho phép. Tính đến ngày 25/6/2013, đã huy động được 120.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, đạt 61,8% nhiệm vụ huy động vốn trong nước để bù đắp bội chi NSNN và cho đầu tư phát triển năm 2013.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính tại phiên họp thường kỳ tháng 6 của Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm, việc triển khai các giải pháp phát triển sản xuất kinh doanh, bình ổn giá cả thị trường theo các Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên tình hình vẫn còn nhiều khó khăn.
Hiện nay, đã có một số ý kiến xung quanh việc bù đắp bội chi và gia tăng nguồn lực cho ngân sách như TS.Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất. Theo đó, Quốc hội nên xem xét cho phép tăng thêm mức phát hành trái phiếu Chính phủ năm nay, sau đó bớt lại một ít vốn để xử lý “cục nợ” xây dựng cơ bản.
TS. Vũ Viết Ngoạn – Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, Quốc hội đã thông qua việc phát hành 45.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trong năm nay, nhưng có thể cho phép lấy nguồn của những năm sau để phát hành thêm ngay trong năm nay. Còn TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, nợ công đang trở thành nỗi lo, vì vậy không nên tăng nợ công, tăng đầu tư để kích cầu.
Tuy nhiên, vấn đề này nếu có đặt ra và có phán quyết thì vẫn phải chờ tới kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII diễn ra vào cuối năm nay mới được phê chuẩn hay không.
Chính vì vậy, theo một lãnh đạo của Bộ Tài chính, với tiến độ thu này, kết hợp với việc thực hiện một số chính sách thuế vừa có hiệu lực thi hành như: thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập DN…, thì khả năng giảm thu NSNN năm 2013 là rất lớn. Trong khi đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng như Quốc hội giao, nền kinh tế cần tăng chi NSNN, nhất là nhu cầu chi đầu tư phát triển để kích tổng cầu cho nền kinh tế, bên cạnh đó nhu cầu chi ngân sách còn đến từ áp lực cân đối nguồn đảm bảo nhiệm vụ chi hoàn thuế giá trị gia tăng, xử lý khắc phục thiên tai, dịch bệnh…
Do vậy, áp lực bội chi NSNN năm nay đang tăng dần cùng với kỳ vọng hồi phục của nền kinh tế, đáp ứng nhiệm vụ “an sinh xã hội” của những tháng cuối năm. Và sức “ép” này không dễ hóa giải hay dùng mệnh lệnh hành chính để “giải phóng” mà đòi hỏi các bộ, ngành và địa phương cần tháo gỡ kịp thời khó khăn cho DN, quản lý chặt chẽ nguồn thu, tăng cường chống thất thu…
Theo Chí Kiên