Khó thu hồi vốn từ phát mãi
Con nợ và ngân hàng (chủ nợ) thường không thống nhất về giá tài sản khi đấu giá khiến việc thu hồi vốn từ phát mãi tài sản thông qua bán đấu giá phức tạp.
Lãnh đạo của 1 trong 3 ngân hàng (NH) cổ phần hàng đầu ở TP HCM cho biết: Mỗi NH lớn đang tồn đọng ít nhất trên 1.000 hồ sơ khởi kiện con nợ, giá tài sản của mỗi vụ kiện lẫn tài sản phát mãi chưa thực hiện được từ vài trăm triệu đến cả chục tỉ đồng. Tổng giám đốc một NH nhỏ ở Hà Nội cũng cho hay NH này cũng tồn đọng hàng chục tài sản đã có phán quyết phát mãi của tòa án nhưng chưa xử lý được.
Chỏi nhau về định giá tài sản
Thông thường, sau khi tòa án có phán quyết phát mãi tài sản thế chấp, hầu hết NH đều yêu cầu Chi cục Thi hành án (THA) dân sự tổ chức đấu giá bán tài sản để thu hồi nợ. Tuy nhiên, các bên liên quan thường không thống nhất về định giá tài sản hoặc tài sản đấu giá không có người mua.
Theo quy định, khi đưa tài sản ra đấu giá, chủ nợ và bên bị thi hành án (con nợ) sẽ chọn một công ty thẩm định đưa ra mức giá khởi điểm. Tuy nhiên, có rất nhiều tài sản mà hai bên không thống nhất về giá. Khi đó THA chỉ định một công ty thẩm định giá khác đưa ra giá khởi điểm rồi thông báo cho con nợ và chủ nợ biết. Thế nhưng, không phải tài sản nào công ty thẩm định giá do THA chỉ định đều đưa ra mức giá hợp lý khiến con nợ lẫn chủ nợ phản đối. Thậm chí, có tài sản đã được định giá hợp lý, chủ nợ đồng ý với mức giá đó nhưng con nợ lại cố tình phản đối nhằm kéo dài vụ việc khiến THA không thể đưa tài sản ra đấu giá. NH không biết khi nào mới thu hồi được nợ.
Cần thêm biện pháp chế tài
Một số chuyên viên xử lý nợ của nhiều NH cho biết ngay cả khi NH và con nợ thống nhất về giá khởi điểm, tài sản chưa chắc đã bán được. Nguyên nhân chủ yếu là tài sản bị rớt giá, thậm chí có tài sản giá trị 2 tỉ đồng nay xuống còn 500 triệu đồng. Riêng các tài sản như đất nông nghiệp, thiết bị máy móc… thì vắng bóng người mua. Mặt khác, thông tin về đấu giá tài sản cũng hạn chế bởi thông báo đấu giá chỉ niêm yết tại vị trí tài sản tọa lạc, nơi tổ chức đấu giá, cơ quan THA và thường chỉ đăng báo vài lần.
Trong khi đó, phần lớn người dân lại không mấy am hiểu hình thức đấu giá, thường có tâm lý tài sản THA nên không mặn mà tham gia. Đặc biệt, khi mua tài sản qua đấu giá, người tham gia đấu giá phải đặt cọc 15%/giá khởi điểm và ngay trong ngày trúng đấu giá phải nộp thêm 10% số tiền mua tài sản, nếu không sẽ mất tiền đặt cọc. Vì thế, đối với những tài sản giá khởi điểm hàng tỉ đồng, rất ít người tham gia. Nhiều người tham gia đấu giá còn e ngại phiên đấu giá thường tạm dừng đột ngột không có thời hạn rồi bất ngờ tổ chức đấu giá lại ngay trong ngày khiến họ không kịp tham dự, dẫn đến mất tiền cọc.
Theo các chuyên gia kinh tế, tuy Nghị định 17 của Chính phủ và Luật THA đã có những quy định khá cụ thể về đấu giá tài sản THA nhưng vẫn chưa đủ bởi mấu chốt của việc đấu giá tài sản là xác định giá khởi điểm. Do đó, để sớm giải quyết tài sản phát mãi, ngoài yếu tố thị trường, cơ quan chức năng cần bổ sung quy định về trách nhiệm pháp lý đối với tổ chức thẩm định giá; tăng thêm hoặc hạn chế bớt quyền và nghĩa vụ của chủ nợ lẫn con nợ về định giá tài sản, phổ biến thông tin đấu giá tài sản…
>>> Ngân hàng ngại nhất... đòi nợ
Theo Châu Thy